Tìm ra tiếng nói chung

ANTĐ - Thông tin về cuộc thương lượng mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2017 giữa các bên với kết quả chốt lại vào ngày hôm qua 2-8, được hàng triệu người lao động quan tâm theo dõi. Như vậy là sau hai phiên họp, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 7,3%.

Trước đó, có tới 37,8 triệu người lao động được hỏi cho biết họ phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ. Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn xác định mức lương tối thiểu vùng ở Việt Nam”, chỉ ít ngày trước khi phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 7,3%, đi tới sự thống nhất và được chốt lại trong ngày hôm qua 2-8. Sự chi tiêu tằn tiện và kham khổ của không ít người lao động là cơ sở để thương lượng điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng. Bởi hiện nay, một số tiêu chí để tính mức tăng lương này do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Phòng Thương mại. Công nghiệp Việt Nam đề xuất thường có độ chênh lệch, rất khó “kê” cho bằng.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trong số 133 cuộc đình công tập thể trong 5 tháng đầu năm 2016, có khoảng 80% cuộc có nguyên nhân liên quan tới tiền lương tối thiểu. So sánh thu nhập với chi tiêu của người lao động: Kết quả khảo sát cho thấy có 14,2% người trả lời “không đủ sống”, 37,8% phải chi tiêu “tằn tiện và kham khổ”, 33,8% trả lời là “vừa đủ trang trải”, chỉ có 14,2% là “dư dật và có tích lũy”. 

Những con số này chứng tỏ đời sống người lao động còn khó khăn, vì vậy có tới 62,3% người muốn được làm thêm giờ để có tăng thu nhập. Nhận định về kết quả khảo sát này, đại diện Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, trong gần 60 doanh nghiệp thuộc 4 vùng lương đều cho rằng, việc tăng lương tối thiểu năm 2016 không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh khi mức lương tối thiểu tăng, làm cho lương cơ bản tăng, giúp người lao động yên tâm làm việc hơn và tăng năng suất lao động. 

Dù kết quả khảo sát cho thấy có tới 85-90% số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã tăng lương tối thiểu năm 2016 lên 12,4% so với năm 2015. Song tỷ lệ tăng tiền lương thực tế chỉ đạt 10%. Điều này còn bộc lộ một thực trạng đáng lo ngại là nhiều doanh nghiệp dùng “độc chiêu lấy tiền túi này, bỏ qua túi kia”, cắt giảm một số phụ cấp khi tăng lương tối thiểu.

Tình trạng doanh nghiệp trả 2 bảng lương đang tồn tại ở nhiều nơi, khiến người lao động bị thiệt thòi. Chẳng hạn, thu nhập của công nhân ngành da giày đạt 6-7 triệu đồng/tháng, nhưng chủ doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm xã hội ở mức 3,6-3,7 triệu đồng/tháng. Khoản chênh lệch còn lại được doanh nghiệp lách bằng tiền nhà ở, xăng xe, điện thoại. Nhưng khi quyết toán với cơ quan thuế, doanh nghiệp lại nộp bảng lương trả cho người lao động ở mức 6-7 triệu đồng.

Chỉ ra bất hợp lý trong lương tối thiểu hiện nay, cũng chính là cơ sở thực tiễn để thương lượng với đại diện người sử dụng lao động mà lâu nay vốn kêu ca việc tăng lương tối thiểu là trút gánh nặng cho doanh nghiệp. Việc tìm ra tiếng nói chung giữa các bên không đơn giản, song điều quan trọng là phải hài hòa lợi ích giữa người lao động và chủ lao động. Và không nên quên một quan điểm cốt lõi của doanh nghiệp: người lao động là tài sản lớn nhất, nguồn lực quyết định sự tồn tại và hưng thịnh của doanh nghiệp.