Chợ Phù Lỗ - Sóc Sơn:

Tiểu thương không muốn thuê chỗ đã “mua”

ANTĐ - Bỏ tiền mua ki-ốt với giá cao  và yên tâm  kinh doanh suốt 20 năm nay, bà con tiểu thương chợ Phù Lỗ (Sóc Sơn) rất ngỡ ngàng khi nhận được thông báo “các hộ sẽ phải ký lại hợp đồng thời hạn 1 năm và chịu mức phí chợ 45.000 đồng/m2/tháng”.

Mua hay thuê ki-ốt?

Năm 1994, sau khi thực hiện chủ trương xây dựng mới chợ Phù Lỗ, UBND huyện Sóc Sơn tiến hành đấu giá các ki-ốt, sạp hàng cho các tiểu thương có nhu cầu kinh doanh buôn bán. Với mức giá từ 25-30 triệu đồng/ki-ốt được xem là khá cao so với thời điểm đó, nhiều tiểu thương đã chấp nhận vay mượn, thế chấp tài sản để có một vị trí kinh doanh tại chợ. Theo suy nghĩ của các hộ này, bỏ ra số tiền lớn như vậy tại thời điểm năm 1994 có nghĩa là họ sẽ được quyền kinh doanh vĩnh viễn tại chợ. Chính vì thế, khi được Ban quản lý chợ thông báo ký lại hợp đồng với thời hạn 1 năm, đồng thời áp mức phí chợ là 45.000 đồng/m2/ki-ốt và từ 25.000 đồng - 30.000 đồng/m2, phần lớn các hộ đều tỏ ra hết sức bất ngờ.

Ông Dương Văn Đạt - một hộ gia đình có ki-ốt tại chợ Phù Lỗ cho biết: “Với thời giá của năm 1994, một ki-ốt rộng 10m2 ở chợ Phù Lỗ giá 25-30 triệu đồng tương đương giá trị của 5 miếng đất mặt đường. Lúc ấy gần như 100% bà con ở đây không ai có số tiền lớn như vậy. Nhưng vì không công ăn việc làm, phần vì tính kế sinh nhai lâu dài nên chúng tôi đều phải đi vay mượn để mua một chỗ ngồi tại đây. Ngay cả khi chúng tôi tham gia đấu giá, các cấp lãnh đạo huyện, xã hay Ban quản lý chợ đều nói rằng đây là tài sản của bà con. Bây giờ Ban quản lý chợ thông báo chúng tôi phải ký lại hợp đồng thuê ki-ốt, sạp hàng, như vậy không thể chấp nhận được”.

Bà Nguyễn Thị Đào - chủ một ki-ốt tại chợ này cũng bức xúc: “Chúng tôi vẫn còn giữ những giấy tờ gốc gồm biên bản trúng thầu và phiếu thu tiền từ năm 1994 do ông Hoàng Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng đấu thầu huyện Sóc Sơn ký xác nhận. Ngay cả trong biên lai thu tiền của chúng tôi khi đó Hội đồng đấu thầu cũng ghi rõ là “nộp tiền mua ki-ốt”. Khi đã mua có nghĩa là chúng tôi có quyền sử dụng vĩnh viễn và chúng tôi đã kinh doanh yên ổn suốt 20 năm nay không hề có vấn đề gì. Vậy tại sao bây giờ lại bắt bà con phải ký hợp đồng thuê lại tài sản của chính mình? Đó là điều vô lý. Kể cả việc Ban quản lý chợ yêu cầu chúng   tôi nộp phí chợ 45.000 đồng/m2/tháng cũng không thỏa đáng. Ở đây nếu phải nộp thì chúng tôi chỉ nộp tiền vệ sinh, bảo vệ, điện nước hoặc thuế sử dụng đất mới chính xác”.

“Có sự hiểu nhầm”

Đó là khẳng định của ông Ngô Văn Giang - Trưởng ban Quản lý chợ Phù Lỗ khi được hỏi về vấn đề này. Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, ông Giang cho biết: “Về mức thu phí chợ, Ban quản lý chợ Phù Lỗ thực hiện theo văn bản số 312/ UBND - TCKH của UBND huyện Sóc Sơn chứ không phải tự áp đặt. Đây là mức phí mà UBND huyện thực hiện sau khi đã báo cáo giải trình với thành phố có xem xét đến sự phù hợp với điều kiện kinh doanh trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, đến nay nhiều hộ vẫn chưa chấp nhận và tiếp tục có kiến nghị. Còn về việc mời bà con tiểu thương lên ký lại hợp đồng là do hợp đồng thuê cũ của bà con từ năm 1994 đã hết hạn. Theo quy định, thời hạn ký hợp đồng mới là 1 năm. Sau 1 năm nếu bà con nào còn có nhu cầu kinh doanh buôn bán sẽ được tiếp tục ký hợp đồng mới”.

Ông Giang cũng giải thích: “Việc bà con cho rằng mình đã “mua” ki-ốt từ năm 1994, đồng thời viện dẫn trên biên lai thu tiền ghi “nộp tiền mua ki-ốt” là do cách hiểu chưa chính xác. Thực tế việc “mua” này là “mua quyền sử dụng có thời hạn” trong 20 năm. Tại thời điểm năm 1994 sau khi xây dựng xong, chợ Phù Lỗ có 70 ki-ốt đều đã được đem ra đấu thầu cho thuê nhằm thu hồi vốn. Khi đó, vì giá cao nên hầu như tiểu thương tại đây không ai đủ khả năng tham gia đấu thầu mà đều rơi vào người ở nơi khác hoặc các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng ki-ốt phục vụ công việc kinh doanh.

 Các cá nhân, doanh nghiệp trúng thầu sau đó đều được cấp một “Giấy chứng nhận quyền sử dụng ki-ốt tại chợ Phù Lỗ” có thời hạn từ tháng 12-1994 đến 1-2015. Sau này, các ki-ốt đó được mua đi bán lại qua nhiều chủ rồi mới đến tay các tiểu thương hiện tại. Có thể khi mua bán trao tay, các chủ cũ đã làm mất hoặc cố ý không đưa ra “Giấy chứng nhận quyền sử dụng ki-ốt” mà chỉ đưa thông báo trúng thầu và biên lai thu tiền nên bà con tiểu thương mua sau này đã hiểu không đúng bản chất sự việc”.