Tiếp diễn phiên xử phúc thẩm vụ án Vinashin: Ra sức ngụy biện

ANTĐ - Hòng được nhẹ tội, trong quá trình thẩm vấn, Phạm Thanh Bình cùng đồng phạm ít khi trả lời trực tiếp các câu hỏi của tòa mà hay “tranh thủ” giải thích và viện ra các lý do để che đậy những hành vi sai trái. 

Bị cáo Phạm Thanh Bình tại phiên tòa

Mua tàu nghìn tỷ như đùa

Đáng chú ý nhất trong các hành vi vi phạm pháp luật tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam là việc mua bán con tàu chở khách mang tên Hoa Sen. Lời khai của cựu Chủ tịch HĐQT Vinashin cùng tài liệu vụ án thể hiện, đầu năm 2007, Bình đã gặp chủ tàu Cartour tại Italia. Biết rõ phương tiện này được sản xuất từ 2001, nhưng Bình vẫn quyết mua. Thực hiện ý đồ, ông ta có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép đóng mới 6 tàu biển chở khách và trước mắt đầu tư 2 tàu hiện đại bằng hình thức thuê, mua của nước ngoài.

Khi Thủ tướng chưa có ý kiến Bình đã tự ý chỉ đạo tập đoàn ban hành nghị quyết mở tuyến vận tải khách trên biển, đồng thời giao cho Công ty TNHH Nhà nước MTV Vận tải viễn dương Vinashin do Trần Văn Liêm làm chủ đầu tư. Sau đó việc mua bán tàu được Bình chỉ đạo cấp dưới thực hiện một cách mau lẹ, bất chấp các quy định về thương mại, đấu thầu. Và công ty của Trần Văn Liêm đã bỏ ra 60 triệu euro (gần 1.300 tỷ đồng) để “rước” con tàu Cartour về Việt Nam, rồi đổi tên thành Hoa Sen. Lý giải quyết định trên, Bình ngụy biện rằng thời điểm ấy con tàu này là rất phù hợp. Thế giới chỉ có duy nhất 2 tàu như vậy nên buộc phải mua nhanh kẻo không có cơ hội sở hữu. Vì thế Vinashin đã bỏ qua quy định chào hàng cạnh tranh và các yêu cầu bắt buộc khác. Đáng nói là bỏ ra cả nghìn tỷ đồng mua tài sản, nhưng chủ đầu tư chỉ biết “lai lịch”, chất lượng, công năng của tàu dựa vào bên thứ ba và cũng chỉ từ những thông tin cóp nhặt trên mạng. Xác nhận việc mua bán này, Liêm trình bày chỉ đến khi thủ tục mua bán gần như đã hoàn tất thì ông ta mới biết con tàu Cartour thật là như thế nào. Mọi việc liên quan đến con tàu nghìn tỷ, Liêm chỉ biết làm theo mệnh lệnh của cựu Chủ tịch HĐQT Vinashin.

Oái ăm hơn, sau khi đưa tàu về nước Vinashin mới biết cửa lên xuống của tàu ở phía đằng đuôi, trong khi các cầu cảng của ta lại chỉ thiết kế cho tàu “ăn hàng” bằng cửa mạn. Để chữa cháy, Bình chấp thuận cho Liêm nâng mức đầu tư dự án lên thành hơn 65,8 triệu euro để hoán cải. Chưa hết, con tàu chở khách hiện đại ấy còn bị thủng đáy nên tiêu tốn thêm 5,2 tỷ đồng nữa. Dự án tàu Hoa Sen không hiệu quả, Bình đổ thừa cho khủng hoảng kinh tế, hành khách chưa quen với việc đi lại trên biển và đặc biệt là do dự án dở dang. Theo tính toán của Bình, nếu có đủ đội tàu hàng chục chiếc như Hoa Sen thì cũng phải 10 - 12 năm sau mới hòa vốn. Chốt phần trả lời thẩm vấn ở dự án tàu Hoa Sen, Bình cho rằng: “Cấp tòa sơ thẩm lấy tổng giá trị đầu tư trừ đi phần giá trị con tàu ở thời điểm định giá, rồi quy là thiệt hại và bắt bị cáo phải bồi thường gần 500 tỷ đồng thật không thỏa đáng”. Liên quan đến sai phạm tàu Hoa Sen, Trần Văn Liêm biện bạch: “Việc làm chủ đầu tư con tàu của bị cáo là hoàn toàn bắt buộc vì nếu không sẽ bị kỷ luật ngay ”. Trịnh Thị Hậu thì cho rằng đã làm đúng quy trình khi đề nghị ngân hàng giải ngân 80 tỷ đồng để mua tàu.      

            

Dây chuyền cũ là… tối ưu?!

Với việc đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng ở Nam Định, Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh (Công ty Hoàng Anh) do Nguyễn Văn Tuyên làm Giám đốc, Vinashin chiếm 51% vốn do muốn xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 110MW nên tìm gặp Nguyễn Tuấn Dương - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Cửu Long để “mưu sự”. 

Vì không đủ nguồn lực, Tuyên đã xin Phạm Thanh Bình cho tăng vốn điều lệ, đồng thời bổ sung ngành nghề kinh doanh. Được “sếp” đồng ý, Tuyên thống nhất để Dương sang Hàn Quốc mua 2 tổ máy nhiệt điện cũ tương ứng với dự án. Tiện thể, Dương cũng mua luôn 1 tổ máy 75MW nữa mang về. Tuyên tiếp tục đề nghị Bình “bơm” vốn và nâng quy mô nhà máy lên 185MW. Sang tận Hàn Quốc thẩm định 3 tổ máy nhiệt điện, Tuyên báo cáo đây là dây chuyền tốt, phù hợp với dự án. Sau đó, Bình có công văn gửi UBND tỉnh Nam Định thông báo việc triển khai nhà máy nhiệt điện, đồng thời “nhờ” có ý kiến với Bộ Công Thương đề nghị đưa dự án vào quy hoạch điện lực quốc gia. Trong khi Bộ Công Thương chưa có ý kiến và sau này không chấp thuận vì thiết bị, công nghệ lỗi thời Tuyên vẫn cho khởi công dự án. Đầu năm 2008, toàn bộ số thiết bị nhiệt điện về tới Việt Nam nhưng không được đưa vào sử dụng do chứa chất độc hại. Vì thế dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng bị phá sản.

Về vụ việc trên, Công ty Hoàng Anh và công ty của Nguyễn Tuấn Dương đã sử dụng tổng cộng 244,3 tỷ đồng từ Vinashin, trong đó có 42,8 tỷ đồng được Trịnh Thị Hậu duyệt chi trái nguyên tắc. Trả lời về việc cho phép Tuyên mua dây chuyền, thiết bị điện cũ nát, độc hại, Bình khăng khăng đây là giải pháp tối ưu. Bởi các dây chuyên này do công ty bên Hàn Quốc đầu tư xong, nhưng không sử dụng đến và nó phù hợp với dự án, giá mua lại rẻ hơn nhiều so với dây chuyền cùng loại. “Việc một số thiết bị trong các dây chuyền bị hỏng, bị cáo biết rõ. Tuy nhiên, đó là những thiết bị cơ bản. Chỉ cần thay thế đơn giản là sử dụng được ngay. Còn những chất độc hại trong biến thế sau này bị cáo mới biết, nhưng không nguy hiểm vì nó không bị thoát ra môi trường” - cựu lãnh đạo cao nhất của Vinashin quả quyết. Về thiệt hại ở hành vi này, Bình và 2 cấp dưới phải bồi thường 34,8 tỷ đồng, riêng Nguyễn Tuấn Dương còn phải bồi thường gần 25 tỷ đồng nữa.

Đối với các sai phạm, thiệt hại trong đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân; tàu Bình Định Star và bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang, Phạm Thanh Bình cùng các bị cáo liên quan cũng thi nhau lấp liếm với lý do chủ yếu là cách tính thiệt hại không thỏa đáng… Kết thúc ngày xét xử thứ hai vào hôm qua (29-8), 19 luật sư của 8 bị cáo cũng đã thể hiện quan điểm bào chữa cho thân chủ của mình. Tuy nhiên ngay trước đó, đại diện VKSND Tối cao đã đề nghị HĐXX phúc thẩm bác đơn kháng cáo của tất cả các bị cáo, đồng thời giữ nguyên mức hình phạt và các quyết định khác tại bản án sơ thẩm. Hôm nay (30-8), tòa tiếp tục làm việc.