Cục trưởng Cục Quản lý giá và một số chuyên gia cho rằng, ngoài nguyên nhân thời tiết, sức mua yếu phản ánh rõ “sức khỏe” của nền kinh tế chưa thực sự hồi phục mạnh. Khi kinh tế trong trạng thái tốt, người dân sẵn sàng mở hầu bao mua sắm. Khi kinh tế chưa hết khó khăn, thu nhập giảm sút, người dân chỉ mua những đồ thiết yếu nhất. Kinh tế chưa phát triển mạnh đương nhiên giá cả chưa thể tăng được. Sức mua suy giảm là điều đáng lo ngại trong bối cảnh doanh nghiệp chỉ đủ sức cầm cự, không thể bật lên được. Muốn có sức mua tốt, trước hết cần giải quyết việc làm cho người lao đông, khi có việc thì mới có thu nhập và phát sinh nhu cầu mua sắm. Chừng nào khu vực doanh nghiệp sản xuất chưa khởi sắc, thì nhu cầu mua sắm của người dân và người lao động sẽ chỉ dừng ở mức thấp.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cả năm 2013 sức mua tại siêu thị rất kém, Tết năm 2014, sức tiêu thụ tại hệ thống siêu thị chỉ bằng 85% so với Tết năm 2013. Tuy lượng tồn kho năm 2013 giảm 12% so với năm 2012, nhưng chủ yếu do sản xuất giảm sút chứ lượng tiêu thụ vẫn không được cải thiện. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong năm 2014 là ngành tài chính phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để điều hành chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa-tiền tệ, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp, thúc đẩy và phục hồi tăng trưởng. Đánh giá sự phối hợp giữa tài khóa và tiền tệ trong năm qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, hai chính sách này đã có sự phối hợp chặt chẽ thể hiện trong các chỉ tiêu thu chi ngân sách vượt kế hoạch trong năm mà vẫn kiềm chế được lạm phát trên cơ sở tăng trưởng kinh tế hợp lý. Sự phối hợp này không phải thực hiện một cách cơ học mà là sự nhịp nhàng, ăn ý. Nếu không duy trì tốt sự phối hợp này thì không thể duy trì được mặt bằng lãi suất như hiện nay. Nếu không sẽ làm cho lãi suất tăng lên, gây khó khăn ngược trở lại mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp thiết trong năm 2014 là tiếp tục đưa giá các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, chính sách tài chính phải “đi bằng hai chân”: tiền tệ đảm bảo vốn ngắn hạn cho doanh nghiệp và nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế, tránh được những “méo mó” trong hệ thống ngân hàng như hiện nay.