Dịch vụ chất lượng cao trong trường học:

Tiền học sàng lọc giàu nghèo

ANTĐ - Trong khi chưa có tiêu chí chính thức thế nào là giáo dục chất lượng cao thì mới đây Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo về học phí cho loại hình này. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn lại là nếu chấp nhận trong trường học có dịch vụ thu tiền cho nhu cầu điều kiện học tập tốt hơn thì có còn giữ được môi trường sư phạm công lập vốn không phân biệt giàu nghèo?

Không phải phụ huynh nào cũng đủ điều kiện đầu tư tham gia lớp học hiện đại cho con

(ảnh minh họa)

Không còn bình đẳng?

Sự kiện mới đây nhất về lớp học tương tác ở trường Tiểu học Nguyễn Trãi đã gây tranh cãi nhiều không chỉ về vấn đề đóng tiền nhiều hay ít mà là việc tạo ra sự chênh lệch giữa các lớp học, giữa học sinh lớp bình thường và lớp VIP. Bà Hồ Thị Tú, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân khẳng định, chủ trương về thí điểm cung ứng dịch vụ trình độ giáo dục chất lượng cao là của thành phố và Bộ GD-ĐT đưa ra. Chính vì vậy mà nhiều trường đang có nhu cầu áp dụng mô hình lớp học tương tác với việc áp dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy, đem lại sự hứng thú và cải thiện khả năng tiếp thu của học sinh. Tuy nhiên, với số tiền lên tới hàng trăm triệu để trang bị đồng bộ cho một phòng học áp dụng mô hình này thì rõ ràng cần sự đóng góp của phụ huynh.

Tham quan các lớp học ở trường Tiểu học Nguyễn Trãi, nhiều người đã phải xuýt xoa trước khung cảnh sáng sủa và được đầu tư đầy đủ từ A đến Z của 2 lớp học tương tác. Phòng học được lát sàn gỗ, trang trí tranh ảnh, dán tường, quan trọng là học sinh được sử dụng bảng tương tác như công cụ trình chiếu, có hỏi đáp, trả lời online... Trong khi đó, khi đối chiếu với nhiều lớp học khác thì theo như ban giám hiệu nhà trường giải thích, trường đã được xây dựng từ lâu, nhiều hạng mục xuống cấp vì vậy một số lớp học tầng 1 vẫn chỉ là sàn lát đá hoa cũ, sứt mẻ, phòng học tối, bục giảng dù được sửa sang lại nhưng vẫn bị nứt, vỡ... Trước sự khác biệt nhìn thấy này, ông Phạm Xuân Tài, Phòng Văn hóa xã hội HĐND thành phố thắc mắc: các trường khi triển khai lớp học tương tác thì đã nghiên cứu về tâm lý trẻ hay chưa khi trong một trường học lại có lớp học bình thường và lớp chất lượng cao. “Một trong những ý nghĩa của việc mặc đồng phục là để học sinh trong một trường bình đẳng với nhau, không phân biệt giàu nghèo, vậy bây giờ học sinh cách nhau một bức tường mà khác nhau đến vậy thì các em sẽ suy nghĩ như thế nào?” - ông Phạm Xuân Tài đặt vấn đề. 

Còn nhiều chỗ “bí”

Thực tế, dù đóng có đến 10 triệu đồng để con được học lớp tương tác, nhiều phụ huynh cũng sẵn sàng vì nếu tính chi tiết ra thì trong 5 năm học phụ huynh cũng chỉ phải bỏ 7, 8 nghìn đồng/ ngày để con được học trong điều kiện tốt nhất có thể. Trong khi đó, để được hưởng dịch vụ chất lượng cao ở các trường dân lập, 10 triệu đồng cũng chỉ đủ cho 2 tháng. Rõ ràng, nhu cầu dịch vụ giáo dục chất lượng cao là có và ngày càng nhiều. Tuy nhiên, điều các nhà giáo dục băn khoăn chính là cách triển khai thế nào cho hợp lý.

“Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, mô hình giáo dục chất lượng cao sẽ được thực hiện trên một số nhóm, lớp hoặc có quy mô toàn trường. Dù việc thu học phí chất lượng cao không nhằm mục tiêu lợi nhuận, song chắc chắn sẽ dẫn đến việc thu nhập của giáo viên, cán bộ quản lý tại các lớp, trường chất lượng cao và trường, lớp bình thường có sự khác biệt nhau. Điều này sẽ nảy sinh không ít vấn đề trong nội bộ giáo viên và học sinh, phụ huynh.” - Bà N.T.Vinh, giáo viên nghỉ hưu trường THCS Tô Vĩnh Diện phân tích. Theo đó, điều nên xem xét ở đây là để đáp ứng nhu cầu đa dạng trong học tập của người dân trong điều kiện nhà nước chưa đủ khả năng triển khai đại trà thì nên xây dựng các trường mầm non, phổ thông chất lượng cao riêng biệt và thu phí tương xứng thay vì tổ chức một nhóm, lớp chất lượng giáo dục cao ngay trong các trường công lập. 

Một vấn đề nữa đối với giáo dục chất lượng cao hiện nay là chưa có tiêu chí để xác định thế nào là trường, lớp hay dịch vụ chất lượng cao. Hiện tại, trong khi chưa xây dựng được tiêu chí thế nào là mô hình dịch vụ giáo dục chất lượng cao thì Bộ GD-ĐT đã bàn về học phí với mô hình này khiến nhiều người thắc mắc. Bên cạnh đó, việc cơ quan quản lý vừa cấp chứng nhận và kiểm tra đánh giá sẽ nảy sinh vấn đề thiếu khách quan. Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, ngoài cơ quan quản lý thì để một cơ sở chất lượng cao hoạt động đúng với tên gọi thì cần đưa thêm vào một lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra tại chỗ, gọi là hội đồng giám sát cộng đồng. Hội đồng này có đại diện là giáo viên, cha mẹ học sinh, chính quyền và những người có năng lực và hiểu biết về giáo dục tham gia. Đội ngũ này hoạt động độc lập với nhà trường, chuyên làm nhiệm vụ giám sát kết quả đào tạo chương trình của nhà trường thực hiện. Họ sẽ kiểm tra định kỳ để phát hiện kịp thời những gì nhà trường chưa thực hiện đúng quy định của Nhà nước.