Thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện

Tiền của dân có được sử dụng hợp lý?

ANTĐ - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 133/BTC, hướng dẫn thực hiện Nghị định 18/2012/NĐ-CP và Nghị định 56/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ Bảo trì đường bộ. Hàng chục triệu người sử dụng xe máy ở Việt Nam sẽ phải đóng phí từ 100.000 đến 150.000 đồng để được sử dụng đường bộ bắt đầu từ ngày 2/11/2014. Mặc dù khoản thu này sẽ làm nặng thêm đôi vai của người lao động vốn đã nặng gánh nhiều khoản thu, nhưng không ai kêu ca, không ai tiếc mỗi năm thêm hơn trăm ngàn đồng cho chiếc xe máy, phương tiện di chuyển, thậm chí là kiếm ăn chủ yếu của mỗi người dân hiện nay. Vấn đề băn khoăn chính là sự hợp lý của khoản thu này và liệu tiền thu được có được sử dụng đúng mục đích không?
Tiền của dân có được sử dụng hợp lý? ảnh 1

Xe đã lăn bánh thì phải trả tiền đường

Dĩ nhiên, đường không tự sinh ra và cũng không tự sửa chữa được. Cùng với việc đầu tư, xây dựng các công trình đường bộ, quá trình khai thác, sử dụng công trình đường bộ cần phải được bảo trì theo yêu cầu kỹ thuật mới bảo đảm thời gian sử dụng, an toàn, hiệu quả. Hiện nay, hệ thống đường bộ nước ta có tổng chiều dài trên 279.925 km, trong đó quốc lộ gồm 95 tuyến với tổng chiều dài 17.646 km, đường tỉnh 24.249 km, đường huyện 51.720 km, đường đô thị 17.025 km, đường chuyên dùng 7.837 km và trên 161.136 km đường xã. Thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm bố trí vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ, tuy nhiên nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 40% nhu cầu quản lý bảo trì đối với hệ thống quốc lộ và khoảng 20-30% nhu cầu quản lý bảo trì đối hệ thống đường bộ địa phương, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn cần được bảo trì để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của mỗi cấp đường, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân trong cả nước. Và với tình hình thu chi chưa cân đối như hiện nay, tình hình nợ công đã đến giới hạn nguy hiểm, đương nhiên ngân sách không thể chi thêm được. Dùng đường bộ thì phải trả tiền thôi.

Thật ra, không phải bây giờ các chủ ô tô xe máy mới phải đóng tiền bảo trì đường bộ. Chúng ta phải đóng lâu rồi. Chỉ là không thu trực tiếp từ túi chúng ta như bây giờ thôi. Ngay từ năm 1958 với Nghị định số 145-TTg ngày 15/3/1958 của Chính phủ quy định thể lệ tạm thời thu phí tổn sửa đường chúng ta đã phải nộp tiền bảo trì đường bộ rồi. Khi xe máy quá ít, chỉ có ô tô vận tải, ô tô chở khách là chính, Chính phủ thu theo tháng, sau khi đã quốc doanh hóa tất cả các doanh nghiệp vận tải, Chính phủ thu theo tấn/km hàng hóa và thu theo vé xe chở khách, sau đó thu bằng khoản phụ thu trong giá xăng dầu và thu tại các trạm thu phí đường bộ. Tuy nhiên, với những cách thu đó, nhiều phương tiện không dùng đến đường bộ cũng bị thu oan. Và đó là lý do của việc ban hành Nghị định 18/2012/NĐ-CP và Nghị định 56/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13-3-2012 của Chính phủ về Quỹ Bảo trì đường bộ. Nội dung của các nghị định này đã chuyển việc thu phí bảo trì đường bộ từ thu ở giá xăng dầu sang thu trực tiếp trên đầu các phương tiện lăn bánh trên đường bộ.

Các văn bản này cũng quy định xóa bỏ hoàn toàn các trạm thu phí đường bộ nộp ngân sách Nhà nước. Để bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả số tiền phí thu được, Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ. Theo đó, số tiền phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện tuy nộp vào Quỹ bảo trì đường bộ nhưng cũng được quản lý, sử dụng chặt chẽ như đối với khoản thu ngân sách Nhà nước và kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước.

Nhưng, mọi chân lý luôn luôn có ngoại lệ. Mặc dù đã thu tiền bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện, nhưng trên thực tế, các trạm thu phí vẫn giăng trên mọi nẻo đường quốc lộ, những con đường không thu phí thì ổ gà ổ voi giăng đầy đã đành mà ổ khủng long cũng không thiếu. Nhiều đoạn đường bộ, người tham gia giao thông vẫn phải vừa đi vừa bơi. Tại sao? Câu hỏi cay đắng không dễ trả lời luôn được người nộp tiền căn vặn những cán bộ đi thu tiền. Mà số tiền thì khổng lồ.

Những câu hỏi cho tương lai

Tính đến đầu năm 2013, cả nước có khoảng 37 triệu xe mô tô và 1,8 triệu xe ô tô. Với mức thu như quy định tại Thông tư 133/BTC, số tiền thu được sẽ lên đến gần 10.000 tỷ đồng. Con số có vẻ khổng lồ, nhưng nếu chỉ tính đường bộ đến cấp huyện, đô thị quản lý lên đến 110 ngàn km thì mỗi năm, mỗi km đường cũng chỉ có khoảng 80 triệu đồng bảo trì, con số quá nhỏ bé, chỉ đủ để vá vặt vãnh mặt đường, quét đường, còn sửa chữa lớn thì... vẫn phải đợi. Vẫn phải trông chờ một phần khá lớn vào ngân sách. Và chúng ta dẫu có phải đóng tiền thì hãy thông cảm, khi nhiều con đường xuống cấp mà chưa kịp sửa chữa lớn, nhiều cây cầu nhỏ già nua vẫn còng lưng gánh chúng ta qua sông qua máng mà chưa kịp thay cầu mới.

Còn nữa. Tại sao đã có lệnh dẹp bỏ các trạm thu phí trên đường bộ mà các trạm thu phí vẫn có mặt ở khắp nơi. May mà hầu hết các trạm thu phí không thu phí xe máy, chỉ thu phí ô tô, nhưng cũng đủ làm dư luận đặt câu hỏi về hiệu quả thực hiện các văn bản pháp luật. Ở đây rõ ràng đã có một sự bối rối trong việc dẹp bỏ các trạm thu phí. Theo đúng quy định, kể từ 00h ngày 01/01/2013, các Trạm thu phí thu phí đường bộ nộp ngân sách Nhà nước sẽ bị xóa bỏ theo quy định tại Điều 11, Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã có Văn bản số 9369/BGTVT-TC ngày 06/11/2012 về việc đề án xử lý, sắp xếp các trạm thu phí trên các quốc lộ, trong đó: Đề xuất xoá bỏ các trạm thu phí đang thu nộp ngân sách Nhà nước, mặt khác tiếp tục thu một số trạm để hoàn vốn đầu tư cho đường cao tốc, bổ sung vốn điều lệ cho Cửu Long CIPM, các trạm thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT, trạm chuyển giao quyền thu phí và trạm thu để trả nợ vay vốn đầu tư và thu phí hoàn vốn (theo Văn bản 3170/KTN ngày 25/6/1997 của Thủ tướng Chính phủ) đến hết thời hạn hợp đồng sẽ xoá. Và nói thẳng, trong mê trận này, người tham gia giao thông sẽ không bao giờ biết được trạm nào xóa và trạm nào hết hợp đồng, trả nợ hết vốn vay để xóa.

Thậm chí, trong thời gian qua, hầu hết các trạm thu phí đang tồn tại đều tăng mức thu, mặc cho mọi phản ứng của chủ phương tiện. Dư luận còn ồn ào việc có nhiều trạm thu phí đã có quyết định xóa bỏ không thu phí, nhưng địa phương vẫn duy trì thu, thậm chí còn phản ứng mạnh với những quyết định xóa trạm. Sự tồn tại của trạm thu phí trên đường Bắc Thăng Long Nội Bài là một ví dụ. Có lẽ cũng đến lúc, ở mỗi trạm thu phí cần có thông báo nêu rõ lý do duy trì thu phí và công bố rõ thời gian tồn tại của trạm. Như vậy, dư luận sẽ bớt băn khoăn hơn.

Sử dụng hợp lý khoản thu dành cho bảo trì đường bộ

Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ. Theo đó, số tiền phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện tuy nộp vào Quỹ bảo trì đường bộ nhưng cũng được quản lý, sử dụng chặt chẽ như đối với khoản thu ngân sách Nhà nước và kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng khoản thu này vẫn còn nhiều điều bất cập. 

Ngay trong Thông tư 133/BTC quy định khoản chi phí để tổ chức thu phí bảo trì đường bộ đã lộ rõ bất cập. Chi phí để tổ chức thu phí bảo trì đường bộ ở đô thị lên đến 10%, ở nông thôn đến 20%, nghĩa là chưa nói đến phần dành cho chi phí quản lý thu chi, chỉ riêng phần tổ chức thu đã tốn hàng nghìn tỷ đồng.  Với sự quản lý, có vẻ rất chặt chẽ, các khoản chi từ quỹ bảo trì đường bộ sẽ quản như ngân sách và chi qua Kho bạc Nhà nước, khoản chi phí dành cho quản lý cũng là khoản tốn kém mà theo một số chuyên gia, có thể lên đến 5% khoản chi. Thêm hàng trăm tỷ chi mà không liên quan gì đến đường bộ cả. Và, nhiều khoản thất thoát sẽ xuất hiện.

Với tất cả những câu hỏi và nỗi băn khoăn đó, các cơ quan có trách nhiệm cần một sự cải tiến quản lý để các khoản thu từ dân sẽ được phục vụ cho chính lợi ích của người dân. Còn với người tham gia giao thông, việc nộp tiền phí bảo trì đường bộ đương nhiên sẽ là nghĩa vụ với hy vọng sẽ có quyền lợi đi trên những con đường tốt đẹp và thuận lợi hơn.