- Bí thư Thành ủy Hà Nội: Phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp của Thủ đô
- Danh sách 63 đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
- Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khoá XVII ra mắt: Hứa đặt lợi ích chung lên trên hết
Tân Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong thông tin mở đầu buổi họp báo |
Ngay sau khi bế mạc Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức họp báo để thông tin về kết quả đại hội.
Chủ trì buổi họp báo có 5 đồng chí trong Thường trực Thành ủy Hà Nội khóa XVII, gồm: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ; Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy - Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn.
Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì buổi họp báo |
Tại buổi họp báo, liên quan đến công tác nhân sự, nhiều phóng viên đặt câu hỏi: Tỷ lệ nữ trong Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII ra sao? Bao giờ phân công cụ thể nhiệm vụ cho các đồng chí tân Phó Bí thư Thành ủy, nhất là chức vụ Phó Bí thư Thường trực Thành ủy?...
Về triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới, nhiều cơ quan báo chí đặt câu hỏi: Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội sẽ ưu tiên, tập trung vào những nhiệm vụ gì để sớm đưa Nghị quyết đại hội XVII vào cuộc sống? Đảng bộ Hà Nội có những giải pháp gì để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua?
Bí thư Thành ủy Hà Nội trả lời các câu hỏi của báo chí |
Trả lời các câu hỏi nêu trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, ở nhiệm kỳ khóa XVI, tỷ lệ cán bộ nữ trong Ban Chấp hành là 12%, ở nhiệm kỳ này tăng lên rất cao là 21%. Đặc biệt, trong Ban Thường vụ Thành ủy khóa mới, tỷ lệ này là 25%. Có 4 đồng chí nữ trúng Thường vụ Thành ủy trong tổng số 16 đồng chí được bầu.
"Đây là một bước tiến của Đảng bộ thành phố khi tỷ lệ cán bộ nữ rất cao" - đồng chí Vương Đình Huệ nói.
Về tỷ lệ cán bộ trẻ, tức cán bộ sinh từ năm 1980 trở lại đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, trong số 71 đồng chí trúng cử Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII có nhiều đồng chí sinh năm 1979, 1978.
Còn tính các đồng chí sinh từ năm 1980 trở lại thì đồng chí trẻ nhất là Bí thư Thành đoàn Hà Nội sinh năm 1984, ngoài ra còn hai đồng chí là Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn sinh năm 1980 và Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức sinh năm 1981.
Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, tỷ lệ cán bộ trẻ trong Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố như vậy là chưa đạt được 10% theo quy định của Trung ương. Dù khách quan hay chủ quan thì cũng có trách nhiệm của Đảng bộ.
"Trong dự thảo Nghị quyết Đại hội, chúng tôi đã bổ sung một nội dung là phải quan tâm một cách có hệ thống đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, giao nhiệm vụ và quan tâm đến thế hệ cán bộ kế cận, đảm bảo lâu dài" - đồng chí Vương Đình Huệ nói.
Thực tế với Đảng bộ Hà Nội, để cán bộ trẻ trúng cử được có khó hơn các địa phương bởi Đảng bộ Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước với hơn 45 vạn đảng viên, trong khi chỉ được bầu 71 đồng chí vào Ban Chấp hành, và được bầu 17 đồng chí vào Ban Thường vụ Thành ủy...
Tiếp tục trả lời câu hỏi về công tác nhân sự, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, ngay sau đại hội, tập thể Thường trực Thành ủy sẽ xây dựng kế hoạch báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ về phân công lĩnh vực phụ trách của các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy.
Cùng với sắp xếp cán bộ các ban Đảng là kiện toàn nhân sự khối chính quyền, đoàn thể. Đến nay, thành phố đã kiện toàn xong chức danh trong khối Đảng và cơ bản kiện toàn nhân sự khối HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc…
“Trước đó, Thành ủy cũng bố trí sắp xếp một phần rồi, nên cơ cấu nhân sự với tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ vào cấp ủy viên khóa XVII khá dồi dào” – đồng chí Vương Đình Huệ nói.
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố tiếp tục khẳng định với báo chí: Chắc chắn phải sớm đưa Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố vào cuộc sống, từ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, phòng chống tham nhũng…
Và “muốn đưa Nghị quyết vào cuộc sống thì thực tế cuộc sống phải được phản ánh trong Nghị quyết”. Bởi, nếu Nghị quyết sai lệnh, xa rời thực tiễn cuộc sống thì không thể đưa vào cuộc sống được. Vì vậy, Thành ủy Hà Nội đã có quá trình chuẩn bị công phu cho các văn kiện tại đại hội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã đặt ra mục tiêu sớm tổ chức xây dựng 10 chương trình công tác trên cơ sở 8 chương trình công tác khóa XVI. Thành phố quyết tâm trong quý I/2021 sẽ hoàn thiện và ban hành các chương trình công tác lớn của nhiệm kỳ 2020-2025.
Cũng tại buổi họp báo, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đã đưa nội dung này vào văn kiện đại hội và bản thân ông “rất tâm đắc” khi khoa học công nghệ được nhắc tới xuyên suốt trong báo cáo chính trị.
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh chia sẻ, trong 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII sẽ có Chương trình số 07 về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025”.
Từ góc độ UBND TP, phấn đấu trong quý I-2020 sẽ cụ thể hóa các vấn đề này thành chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện nhiệm vụ này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.
Ngoài ra, đồng chí Chu Ngọc Anh cho biết thêm, số lượng nhà khoa học đang sống ở Hà Nội rất đông, thời gian tới thành phố sẽ liên hệ và có cơ chế "đặt hàng' đối với các nhà khoa học trong từng lĩnh vực cụ thể.