Thường thức về tai biến mạch máu não

ANTĐ - Một trong những bệnh lí được đề cập đến như một vấn đề nóng hổi của y học là tai biến mạch máu não. Ngoài vấn đề tỉ lệ tử vong cao, tai biến mạch máu não còn để lại hàng loạt di chứng cho bệnh nhân và đưa đến một gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội cả về tài chính lẫn tinh thần. Một vài thông tin sau đây sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Thường thức về tai biến mạch máu não ảnh 1

I – Tai biến mạch máu não là gì?

Trong y văn, tai biến mạch máu não vẫn được định nghĩa là: những khuyết tật thần kinh tâm thần, khởi phát đột ngột, diễn biến trên 24 giờ, loại trừ chấn thương sọ não và trên một bệnh nhân có yếu tố nguy cơ.

Những khuyết tật thần kinh tâm thần trong tai biến mạch máu não rất đa dạng, tùy thuộc vào vị trí tổn thương của thần kinh trung ương, nhưng thường gặp nhất là liệt nửa người, mất cảm giác nửa người, liệt mặt gây méo miệng, đại tiểu tiện không tự chủ …

Khác với các bệnh lí thần kinh mạn tính (như thoái hóa não) hoặc ác tính (như u não), tai biến mạch máu não thường khởi phát rất đột ngột. Bệnh nhân có thể đang sinh hoạt rất bình thường, bỗng nhiên ngã xuống, bất tỉnh hoặc đột ngột thấy tê bì một vùng cơ thể. Chính do hình ảnh “bỗng nhiên ngã xuống” mà người ta còn gọi tai biến mạch máu não là đột quỵ.

Đặc điểm của tai biến mạch máu não là những vấn đề với mạch máu não xuất hiện tự nhiên bên trong hộp sọ, không do va chạm, chấn thương sọ não. Đây là một lưu ý quan trọng đối với người nhà bệnh nhân, bởi khi bệnh nhân có các dấu hiệu bất thường, chúng ta sẽ cần phân biệt để đưa bệnh nhân tới những cơ sở y tế hợp lí.

II – Yếu tố nguy cơ của tai biến mạch máu não

Sơ đồ mạch máu não

Nhìn chung, những vấn đề sức khỏe sau là yếu tố gia tăng khả năng bị tai biến mạch máu não:

·         Đã từng có tiền sử tai biến mạch máu não: do vậy, bệnh nhân tai biến không được phép chủ quan, cho rằng mình đã khỏi bệnh và không bao giờ bị lại.

·         Các bệnh lí chuyển hóa: đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì.

·         Các bệnh lí tim mạch: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, bệnh van tim, rối loạn nhịp tim (đặc biệt là rung nhĩ).

·         Hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều.

·         Đang sử dụng các chất chống đông.

III – Tai biến mạch máu não có hai thể chính

Thường thức về tai biến mạch máu não ảnh 3
Chảy máu não
  • Nhồi máu não: Gây ra do một cục máu đông di chuyển trong động mạch, sau đó di chuyển tới mạch não và tắc lại ở đó. Khi cục máu đông bít tắc một động mạch não thì toàn bộ vùng não được động mạch đó cấp máu sẽ không còn dinh dưỡng và oxy nữa. Vùng não thiếu máu đó sẽ dần bị chết và mất chức năng. Do vậy, nhồi máu thường hồi phục chậm và nhiều khi khó có thể về được bình thường.
  • Chảy máu não (hay xuất huyết não): Gây ra do một động mạch trong hộp sọ bị vỡ, máu tràn ra khỏi lòng mạch và chèn ép vào các vùng não xung quanh. Do bị chèn ép, các vùng não hoạt động không chính xác, dẫn tới các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu như giải thoát được chèn ép thì vùng não đó vẫn có khả năng hoạt động trở lại. Do vậy, nếu kiểm soát được tình trạng chảy máu não thì bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh hơn.

IV – Triệu chứng của tai biến mạch máu não

Thường thức về tai biến mạch máu não ảnh 4

Triệu chứng lâm sàng chỉ giúp chẩn đoán bệnh nhân có tai biến mạch máu não, không giúp chẩn đoán thể bệnh. Một số triệu chứng sau, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có thể phát hiện thấy; và khi có các triệu chứng này thì nên đưa bệnh nhân đi bệnh viện:

  • Bệnh nhân đột nhiên ngã xuống, hoặc lơ mơ, nói lẫn lộn, hoặc bất tỉnh.
  • Bệnh nhân đột nhiên đau đầu dữ dội, nôn nhất là khi ngồi dậy, và có thể kèm theo nhìn mờ.
  • Bệnh nhân tự cảm thấy yếu một nửa người, hoặc người nhà thấy bệnh nhân cử động một bên người khó khăn hơn. Các biểu hiện có thể quan sát thấy: không đi lại được, giơ tay lên khó khăn, nắm tay không chặt…
  • Bệnh nhân tự cảm thấy tê bì một nửa người.
  • Bệnh nhân đại tiểu tiện không tự chủ.
  • Bệnh nhân đột ngột méo miệng. Có thể bảo bệnh nhân cười để thấy rõ hơn sự mất cân đối giữa hai bên khóe miệng.
  • Bệnh nhân đột ngột không nói được.

V – Làm gì khi nghĩ rằng một bệnh nhân bị tai biến mạch máu não?

Trước hết không được di chuyển bệnh nhân, kể cả cho bệnh nhân ngồi dậy. Khi có chảy máu não, khối máu tụ hình thành gây chèn ép, đồng thời làm tăng áp lực nội sọ. Khi thay đổi tư thế, áp lực nội sọ bị thay đổi, có thể dẫn đến một tình trạng gọi là tụt kẹt. Tụt kẹt rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể ngừng thở và tử vong ngay trước mặt người nhà. Do các triệu chứng lâm sàng không giúp xác định chảy máu hay nhồi máu, nên với mọi trường hợp tai biến, cần để bệnh nhân nằm tại chỗ, không tự ý di chuyển bệnh nhân.

Ngay lập tức gọi điện cho trung tâm cấp cứu 115 đến vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện. Nếu là bệnh nhân ở ngoài đường hoặc không thể gọi được cấp cứu, cần vận chuyển bệnh nhân bằng cáng. Chú ý xem bệnh nhân có ngã đập đầu vào vật cứng không, và trên đầu có các vết bầm tím do va chạm không; trong trường hợp chấn thương sọ não, bệnh nhân cần được chuyển tới các phòng khám cấp cứu ngoại khoa (ví dụ như bệnh viện Việt Đức).

Trong lúc chờ cấp cứu tới, người nhà bệnh nhân cần duy trì sự thông thoáng đường thở cho bệnh nhân bằng cách nới lỏng cúc áo, tháo bỏ tất cả răng giả, vòng cổ hay khăn quàng. Đặt bệnh nhân nằm ngửa – trừ trường hợp bệnh nhân nôn nhiều, cần nghiêng đầu bệnh nhân về một phía để tránh dịch nôn trào ngược vào đường thở, không cho bệnh nhân ngồi dậy nôn để tránh tụt kẹt.

Chuẩn bị tất cả các giấy tờ về sức khỏe từ trước tới nay. Một bệnh nhân tai biến có thể đã từng vào viện, hãy đem theo giấy ra viện, các phim chụp lần trước và các đơn thuốc. Nếu bệnh nhân đang mắc đái tháo đường, tăng huyết áp… hãy đem theo sổ y bạ, các phiếu theo dõi đường huyết và huyết áp, đơn thuốc và mọi kết quả xét nghiệm đã có. Khi tới bệnh viện, thông báo cho bác sĩ mọi vấn đề sức khỏe bệnh nhân đang gặp phải, và những thói quen sinh hoạt như hút thuốc lá, uống rượu bia …

VI – Chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện

Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy, mặc dù đã được hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân hàng ngày, nhưng nhiều người nhà bệnh nhân rất coi thường công việc này. Họ không hiểu rằng sự chăm sóc qua loa đại khái sẽ dẫn tới những hậu quả nhiều khi làm nặng thêm tình trạng của bệnh nhân.

Bệnh nhân tai biến thường có tâm lí không ổn định, cảm thấy bất lực với bản thân. Do vậy, việc động viên tinh thần, làm cho bệnh nhân vui có ý nghĩa to lớn trong việc điều trị. Bệnh nhân cần thường xuyên được giao tiếp với xã hội, chia sẻ cảm xúc với mọi người, nhất là những bệnh nhân đồng cảnh ngộ.

Đối với những bệnh nhân tai biến mạch máu não còn tỉnh táo, động viên bệnh nhân nói, ăn uống và tự cử động tại giường rất quan trọng, đặc biệt là nếu bệnh nhân có nói khó, ăn uống kém hoặc yếu nửa người. Các bài tập phục hồi chức năng sẽ được tiến hành khi bệnh nhân ổn định, dưới sự hướng dẫn của các chuyên viên về phục hồi chức năng; tuy nhiên, khi không có mặt các chuyên viên này, người nhà bệnh nhân vẫn cần tập luyện thường xuyên cho bệnh nhân.

Đối với những bệnh nhân tai biến mạch máu não đã hôn mê, rất nhiều vấn đề sẽ phát sinh trên bệnh nhân. Bệnh nhân không đi lại, không tự trở mình, không tự ho, không há miệng, không nói được, không khạc nhổ được, do đó, đờm dãi sẽ ứ đọng trong đường thở dẫn tới viêm phổi. Nếu để nằm ở một tư thế quá lâu, vùng da tiếp xúc với mặt giường sẽ bị thiếu nuôi dưỡng và dẫn tới loét. Những vết loét này, nếu được chăm sóc không chu đáo sẽ dẫn tới nhiễm khuẩn tại chỗ, và trong tình trạng hôn mê, bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn huyết, điều trị vô cùng khó khăn. Ngoài ra, cũng do không tự vận động được, cấp máu cho các chi sẽ kém và các cơ bắp của bệnh nhân sẽ teo dần.

Do vậy, người nhà bệnh nhân cần nhớ:

  • Hàng ngày vỗ rung thường xuyên cho bệnh nhân.
  • Lăn trở bệnh nhân 2 tiếng/lần. Chú ý, nếu sử dụng đệm nước cho bệnh nhân thì nên lót phía trên đệm nước một chiếc khăn bông, bởi vỏ bọc của đệm nước làm bằng nhựa có độ ma sát cao, trong quá trình lăn trở có thể gây tổn thương cho da và gây loét.
  • Khi có các vết loét, cần thường xuyên lau rửa để vết loét nhanh lành và tránh nhiễm khuẩn.
  • Hàng ngày vẫn phải vệ sinh răng miệng và lau chùi thân thể cho bệnh nhân.
  • Thường xuyên xoa bóp và vận động chân tay cho bệnh nhân.

Tất cả những kĩ thuật trên đây nên được nhân viên y tế hướng dẫn ngay khi bệnh nhân nhập viện. Người nhà bệnh nhân cần học cách thực hiện đúng, và phải làm đủ thì mới có thể đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Hãy nhớ rằng đóng góp của người nhà vào sự thuyên giảm bệnh tật của bệnh nhân đôi khi còn lớn hơn đóng góp của nhân viên y tế.

VII – Làm gì khi bệnh nhân ra viện?

Việc chăm sóc bệnh nhân tai biến có thể sẽ kéo dài cả đời.

Tiếp tục các bài tập phục hồi chức năng đã được hướng dẫn khi điều trị nội trú. Luôn nhớ rằng bệnh nhân tai biến cảm thấy bất lực với bản thân, nhất là bệnh nhân cao tuổi, do đó, ý chí tập luyện sẽ rất kém. Việc động viên bệnh nhân cố gắng mỗi ngày là rất quan trọng.

Chế độ dinh dưỡng cũng quan trọng. Cần bổ sung nhiều thức ăn dễ tiêu hóa và có hàm lượng dinh dưỡng cao. Khi một bệnh nhân được nuôi dưỡng đủ, cơ thể mới có đủ năng lượng để hồi phục. Lưu ý, cần xin tư vấn về dinh dưỡng với các bệnh nhân đái tháo đường.

Nhiều bệnh nhân khi ra viện vẫn sẽ phải nằm một chỗ do bị liệt. Cần tiếp tục những nội dung chăm sóc bệnh nhân hàng ngày như đã đề cập ở phần trước.

Điều chỉnh mọi yếu tố nguy cơ mà bệnh nhân có. Xin xem phần tiếp theo.

Đặc biệt chú ý đến sự thay đổi cảm xúc của bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân sẽ đi vào trạng thái chán nản, buồn bã, và có thể dẫn tới trầm cảm, rất nguy hiểm.

VIII – Phòng bệnh

Việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ đóng vai trò chính yếu trong phòng tránh tai biến mạch máu não. Bệnh nhân cần cố gắng thực hiện những vấn đề sau:

  • Bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia.
  • Thực hiện tốt chế độ điều trị ngoại trú với những bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp.
  • Đối với những cá nhân không tăng huyết áp, không sử dụng thuốc chống đông, không có tiền sử chảy máu não, nên tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn hàng ngày.
  • Khám sức khỏe định kì 6 tháng – 1 năm/lần.

TÓM LẠI

  1. Tai biến mạch máu não là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.
  2. Cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ để phòng tránh tai biến mạch máu não.
  3. Cần biết cách phát hiện các triệu chứng để đưa bệnh nhân tới bệnh viện kịp thời.
  4. Khi phát hiện bệnh nhân tai biến, cần để bệnh nhân nằm tại chỗ, gọi cấp cứu, khai thông đường thở và chuẩn bị mọi giấy tờ về sức khỏe.
  5. Bệnh nhân tai biến rất cần được chăm sóc cả về thể chất và tinh thần. Việc chăm sóc có thể sẽ kéo dài cả đời.