Thuốc trúng thầu: Rẻ mà... lo

ANTĐ - Cùng một loại thuốc với đầy đủ hàm lượng, hoạt chất như nhau song được sản xuất ở các nước khác nhau có thể có chất lượng hoàn toàn khác nhau, mức giá cũng chênh lệch đến hàng chục lần. Vì thế, giá thuốc trúng thầu vào các nhà thuốc BV trong năm qua dù giảm mạnh nhưng chưa chắc người bệnh đã được hưởng lợi.

Một buổi đấu thầu thuốc công khai tại BV Việt Đức

Bệnh viện không phải nhà buôn

Theo quy định mới về đấu thầu thuốc vào BV (Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC), mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định nhưng có giá thấp nhất. Do đó, khi áp dụng quy định này từ giữa năm 2012 đến nay, giá thuốc trúng thầu vào các BV đã giảm đến 30-40%, một số Sở Y tế đã giảm chi hàng chục tỷ đồng so với kế hoạch xây dựng trên cơ sở giá thuốc trúng thầu năm trước. Thế nhưng giá rẻ thường khó đi kèm với chất lượng. 

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, thuốc trúng thầu vào BV phải là thuốc tốt chứ không thể đặt chuyện giá cả lên hàng đầu, bởi nếu thuốc rẻ mà chất lượng kém sẽ không có tác dụng điều trị. Cụ thể như BV Việt Đức, nếu ưu tiên chấm thầu cho các loại thuốc rẻ tiền nhưng vẫn có đủ các tiêu chí, đạt đủ điểm kỹ thuật được phép dự thầu thì dự toán giá nhập thuốc theo kế hoạch trong cả năm 2014 chỉ khoảng 150 tỷ đồng. Song vẫn các mặt hàng thuốc đó nhưng nếu lựa chọn các loại thuốc có chất lượng tốt, đúng, để có tác dụng chữa bệnh thì phải mất đến 300 tỷ đồng. “Nếu là doanh nghiệp thì việc ưu tiên mặt hàng giá rẻ là đương nhiên vì nó đem lại lợi nhuận lớn. Tuy nhiên BV không phải nhà buôn, BV phải chịu trách nhiệm trước tính mạng của người bệnh thì không thể làm như vậy được. Nếu áp dụng cứng nhắc theo Thông tư 01 về đấu thầu thuốc thì chẳng khác nào BV tự bắn vào chân mình” – ông Quyết phân tích.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết còn dẫn ra ví dụ cụ thể về trường hợp một đồng nghiệp của ông ở một BV khác có gửi cho ông 2 lọ thuốc. Cả 2 cùng là kháng sinh dùng để tiêm tĩnh mạch, cùng một hoạt chất, cùng có hàm lượng 200mg/100ml nhưng loại của châu Âu sản xuất có giá 80.000 đồng/lọ, trong khi lọ thuốc còn lại chỉ có giá… 8.000 đồng/lọ. Về mặt pháp lý, cả 2 loại thuốc này đều đã được cấp phép vào Việt Nam, cùng được chấm thang điểm kỹ thuật trên 70, nghĩa là đủ điểm dự thầu vào BV nên theo Thông tư 01, đương nhiên loại thuốc giá rẻ hơn được chấm trúng thầu. Tuy vậy, sau khi nhập thuốc, vì thấy hiệu quả điều trị của loại thuốc giá rẻ này quá kém nên BV buộc phải ngừng sử dụng.

Thuốc trúng thầu: Rẻ mà... lo ảnh 2
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết dẫn chứng 2 lọ thuốc giống nhau nhưng giá chênh nhau 10 lần

Cần điều chỉnh tiêu chí chấm thầu

Không phủ nhận hoàn toàn hiệu quả mà Thông tư 01 về đấu thầu thuốc BV đem lại, đặc biệt là việc đưa giá thuốc tại các BV về đúng giá gốc, hợp lý hơn, giảm chi phí điều trị cho người bệnh, tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cũng cho rằng, thuốc là một hàng hóa đặc biệt nên phải có tiêu chí đấu thầu riêng. Theo ông Quyết, tiêu chí chấm thầu thuốc của BV Việt Đức là phải lựa chọn được các loại thuốc tốt, giá hợp lý, chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có một Hội đồng đấu thầu giỏi, gồm các chuyên gia ở đủ các lĩnh vực chuyên môn và phải công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu thuốc, nếu không sẽ dẫn đến độc quyền, bắt tay giữa BV với các doanh nghiệp cung ứng thuốc.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyên Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, Thông tư 01 tạo ra môi trường cạnh tranh quyết liệt về giá cả nên nhiều doanh nghiệp cung ứng thuốc đã tìm kiếm các thuốc có nguồn gốc từ các hãng dược kém uy tín, giá thấp để cạnh tranh. Để khắc phục tình trạng này, theo ông Thảo, cơ quan bảo hiểm và y tế sẽ tiếp tục điều chỉnh các tiêu chí để đảm bảo thuốc điều trị có chất lượng tốt và giá hợp lý hơn. 

Theo Bộ Y tế, khảo sát sơ bộ thuốc trúng thầu vào BV ở 9 tỉnh, thành trong tháng 6 vừa qua cho thấy, các thị trường cung ứng thuốc giá rẻ nhưng chất lượng thấp như Ấn Độ, Pakistan đang dẫn đầu về thuốc ngoại trúng thầu, còn Trung Quốc cũng lần đầu tiên lọt vào “top 5”.