“Thước đo” chất lượng

ANTĐ - Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII được cử tri và đồng bào cả nước kỳ vọng là kỳ họp đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Đổi mới ngay từ công tác chuẩn bị như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ khi chuẩn bị các báo cáo cần làm rõ thêm về tình hình và dự báo kinh tế thế giới, số liệu nợ nước ngoài, báo cáo riêng kết quả thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội. Đòi hỏi như vậy chính là để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội có hiệu quả.

Khi đề cập việc đổi mới hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã băn khoăn là có nên tiếp tục duy trì hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn hay không. Là một thành viên Chính phủ từng nhiều lần trả lời chất vấn, ông thấy hiệu quả của nó không cao. Tuy nhiên sau đó, Chủ tịch Quốc hội đã quyết định không bỏ hoạt động này mà cần phải tập trung đổi mới hoạt động này song hành với việc đổi mới một loạt hoạt động của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đồng tình cho rằng, chất vấn là một hoạt động rất được sự trông đợi của dư luận và cử tri. Một trong những điểm đổi mới nổi bật của hoạt động chất vấn mà Ban chỉ đạo xây dựng Đề án đổi mới hoạt động Quốc hội đề nghị là quy định rõ thời gian mỗi lần chất vấn của đại biểu Quốc hội không quá 2 phút. Nếu điều này được thông qua, hiện tượng “câu giờ” khi đại biểu có “cảm tình” với thành viên Chính phủ bị chất vấn sẽ được cải thiện. Đã có những phiên chất vấn mà người chất vấn, thay vì đưa ra câu hỏi ngắn gọn, “hóc búa” đã diễn thuyết dài dòng gần như “dọn đường” cho người trả lời chất vấn. Ban chỉ đạo đổi mới đã kiến nghị, báo cáo bằng văn bản về các vấn đề chất vấn mà các thành viên Chính phủ thường đọc trước các phiên chất vấn, trong kỳ họp này sẽ không đọc tại hội trường. Bởi trong các kỳ họp trước, có những báo cáo dài cả chục trang, người trả lời chất vấn đọc ra rả, sau đó đại biểu Quốc hội chỉ kịp hỏi dăm câu là hết giờ.

Đặc biệt, trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2 này, Ban chỉ đạo đổi mới hoạt động Quốc hội đề xuất sẽ tiến hành chất vấn lần lượt từng nhóm vấn đề theo hướng đối thoại, tranh luận. Đại biểu đăng ký chất vấn theo nhóm vấn đề, người trả lời chất vấn phải nói ngắn gọn, trực tiếp vào nội dung câu hỏi, thời gian trả lời theo yêu cầu của chủ tọa. Đoàn thư ký tổng hợp đầy đủ các nội dung tại phiên chất vấn, nhất là những vấn đề đã được người trả lời chất vấn đã hứa thực hiện, từ đó làm căn cứ để trình Quốc hội ban hành nghị quyết về trách nhiệm của người trả lời chất vấn.

Đổi mới trong hoạt động chất vấn dù chỉ là một bước tiến trong hoạt động của Quốc hội, song như Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội nhận xét, chất vấn đã khá sôi động nhưng phải làm sao đổi mới hơn nữa để mang lại hiệu lực, hiệu quả thực sự của công tác này, đảm bảo cho hoạt động của Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất, chứ đừng để chất vấn như vấn đề giao thông, càng nói, càng chất vấn thì càng tắc đường. Một số đổi mới khác như rút ngắn báo cáo thẩm tra, xuống còn 4-5 trang và thời gian trình bày còn 15 phút. Thí điểm thực hiện tiếp xúc cử tri không cần thông qua Mặt trận Tổ quốc hay các cơ quan đoàn thể như hiện nay. Bảo đảm để đại biểu Quốc hội có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với cử tri thuộc mọi tầng lớp dân cư, thậm chí có thể tiếp xúc ngay ngoài chợ, hạn chế tiếp xúc đại cử tri.

“Thước đo” chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội chứng tỏ đây thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân; một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Qua mỗi kỳ họp Quốc hội, “thước đo” chất lượng sẽ được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá.