Thực phẩm phục vụ Tết: Không lo thiếu

ANTD.VN - Còn chưa đầy 2 tháng nữa đã bước vào Tết Nguyên đán 2017, đến nay, các cơ quan quản lý đều khẳng định, thực phẩm  dịp Tết như thịt gia súc, gia cầm, rau, quả đều dồi dào. Đặc biệt, trong chăn nuôi, việc kiểm soát các loại chất cấm độc hại đã bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Thực phẩm cung ứng cho dịp Tết  rất dồi dào

Chất cấm bước đầu được kiểm soát

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) thông tin, trong 4 tháng qua (từ tháng 7 đến hết tháng 10-2016), kết quả kiểm tra các mẫu thịt tại một số tỉnh, thành trên cả nước không phát hiện một mẫu nào dương tính với chất cấm salbutamol.

Đây là kết quả tích cực sau hơn 1 năm các lực lượng chức năng của Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan quyết liệt vào cuộc để ngăn chặn, xử lý triệt để hành vi đưa chất cấm salbutamol vào chăn nuôi.

Ngoài ra, kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện 11 tháng đầu năm cho thấy, tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm chất cấm salbutamol là 1,27%, giảm so với năm 2015 (2,53%).

Trong năm 2016, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương tổ chức phong trào nói không với chất cấm, trong đó có sự tham gia cam kết của người chăn nuôi, người sản xuất thức ăn chăn nuôi. Có 63/63 tỉnh đã thực hiện với tổng số hơn 500.000 hộ chăn nuôi ký cam kết (kế hoạch ban đầu là 100.000 hộ)  không sử dụng chất cấm salbutamol.

Cùng với salbutamol, tỷ lệ mẫu rau, quả vi phạm chỉ tiêu dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép là 3,15% trong 11 tháng của năm 2016, giảm 8,6% so với năm 2015. Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết, tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép là 2,8%, tăng 0,89% so với năm 2015; tỷ lệ các sản phẩm chế biến chứa tồn dư hóa chất phụ gia, chất bảo quản còn ở mức cao (thủy sản chế biến là 12,84%, thịt chế biến 8,18%, thực vật chế biến là 11,7%). 

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp với UBND TP Hà Nội và TP.HCM tiếp tục triển khai chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn. Tại Hà Nội, đã xây dựng và duy trì 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm.

Tại TP. HCM, đã cấp 97 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia “chuỗi thực phẩm an toàn” cho 45 cơ sở với tổng sản lượng 34.699 tấn/năm. Các cơ sở này đã liên kết, hình thành và duy trì 36 chuỗi liên kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Đã có 401 điểm kinh doanh đăng ký công bố điểm kinh doanh sản phẩm an toàn. 

Theo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, tính đến nay cả nước đã có 47 tỉnh xây dựng thành công 414 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, trong đó 129 chuỗi đã được giám sát, cấp giấy chứng nhận.  Để mở rộng Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho các đô thị lớn, bộ đã ban hành quyết định thành lập Ban Điều phối và tổ công tác giúp việc Ban điều phối Chương trình chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho TP Đà Nẵng.

Rau thịt dồi dào cung

Không những đảm bảo ATTP, nguồn thực phẩm tươi sống cung ứng cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới còn rất dồi dào. Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Tết năm nay người tiêu dùng không phải lo thiếu thịt và thực phẩm, do tăng trưởng chăn nuôi đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, khoảng 6%, với đàn gia cầm có tốc độ tăng trưởng đứng đầu khu vực, tổng đàn gia cầm hiện ở mức 360 triệu con, trong đó đàn vịt 70-90 triệu con.

Các chủ trại, doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nên các cơ sở thực phẩm sạch được chứng nhận ngày càng nhiều hơn. Giá cả chăn nuôi ổn định. “Tết này thực phẩm sẽ rất dồi dào, không phải nhập thịt ngoại nữa. Hiện các doanh nghiệp đã chuẩn bị được hơn 1 triệu tấn thịt và thực phẩm các loại, khoảng 2 tỷ quả trứng để phục vụ Tết Đinh Dậu”- ông Hoàng Thanh Vân thông tin. 

Liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, rau quả cho dịp Tết, ông Nguyễn Ngọc Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng sau ảnh hưởng của đợt mưa lũ đã nhanh chóng khắc phục, gieo trồng trở lại.

Diện tích trồng rau màu vụ Đông đảm bảo cung ứng cho trước và sau Tết Nguyên đán, không lo tình trạng khan thiếu. Tuy vậy, đối với một số loại rau gia vị giá có thể tăng nhẹ do nguồn cung có xu hướng giảm, trong khi một số rau gia vị cần thời gian sinh trưởng dài.