Thủ tướng "nhắc" 6 vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm với Bộ Giáo dục

ANTD.VN - 500 giáo viên Đắc Lắk mất việc; đạo đức, phẩm chất nhà giáo với nạn hành hung giáo viên; tổ hợp xét tuyển lạ; rà soát chức danh giáo sư, nâng tầm quốc tế trường đại học và thủ tục hành chính là các vấn đề Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT có giải pháp khắc phục.

Yêu cầu làm rõ 6 nội dung liên quan đến giáo dục

Tại cuộc làm việc ngày 28/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về 6 vấn đề đang được dư luận rất quan tâm đề nghị Bộ GD-ĐT giải trình, báo cáo thêm, có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Cụ thể là vấn đề tổ hợp đề trong tuyển sinh khi có tình trạng các ngành kỹ thuật, tài chính, ngân hàng… lại tuyển sinh qua các môn Văn, Sử, Địa… Đây là việc khác so với trước đây nên được xã hội quan tâm, tuy đã giao quyền tự chủ cho các trường nhưng cũng phải xem xét, cân nhắc kỹ.

Về biên chế giáo viên, vụ việc gần đây gây bức xúc dư luận nhất là 500 giáo viên Đắk Lắk mất việc làm; tình trạng giáo viên làm hợp đồng 10 năm nhưng lương thấp hơn lương cơ bản. Đây tuy không phải là trách nhiệm của Bộ nhưng Bộ có trách nhiệm kiểm soát chung.

Vấn đề liên quan tới đạo đức, phẩm chất của nhà giáo, như tình trạng ép học sinh học thêm, bạo lực, chạy điểm, chạy trường, gây bức xúc cho xã hội. Đặc biệt, liên tục xảy ra các vụ việc xúc phạm danh dự nhà giáo, hành hung giáo viên.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ GD-ĐT ngày 28/3

Vấn đề tiếp theo là kết quả triển khai, rà soát công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Vấn đề thứ năm, Thủ tướng, Chính phủ quyết tâm xây dựng những trường đại học, những thương hiệu xứng tầm khu vực và thế giới. Tuy nhiên, vừa qua, sau khi làm việc với ĐHQG TP.HCM, ĐHQG Hà Nội, Thủ tướng vẫn chưa nhận được báo cáo của các trường này trong việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh tiến độ triển khai.

Vấn đề cuối cùng là công tác cải cách hành chính của Bộ. Thủ tướng cho rằng những đổi mới của Bộ GD-ĐT chưa hiệu quả so với các bộ khác, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Ngày 31/3, sẽ kết thúc thẩm định hồ sơ chức danh GS, PGS

Đối với tổ hợp “lạ” trong tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã có trao đổi với nhà trường nếu không thực hiện nghiêm, Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra, thậm chí dừng tuyển sinh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng bày tỏ mong muốn, trong đề án cải cách tiền lương tới đây, rất mong Chính phủ xem xét đến việc ưu đãi lương giáo viên. Bộ GD&ĐT kiên định ý kiến phải nâng lương cho giáo viên, bởi hiện nay giáo viên ra trường làm việc 10 - 15 năm mới được 5 - 7 triệu đồng/tháng thì thấp quá.

Về vụ 500 giáo viên ở Đắc Lắk, Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo ngành giáo dục địa phương cùng các cơ quan liên quan vào cuộc để đảm bảo cho giáo viên. Giải pháp lâu dài, Bộ đề nghỉ tỉnh quy hoạch trường lớp, thực hiện đúng chỉ tiêu biên chế.

Về đạo đức, phẩm chất giáo viên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhận định, tuyệt đại đa số giáo viên có phẩm chất, tâm huyết với nghề. Nhưng, có số ít giáo viên chưa gương mẫu, còn tình trạng giáo viên đánh trẻ, số ít ép học sinh học thêm đã ảnh hưởng đến đội ngũ nhà giáo.

Bà Nghĩa chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là do số ít giáo viên chưa chú trọng rèn luyện phẩm chất. Giáo viên có cường độ làm việc quá tải nhưng chế độ chính sách chưa đủ để họ phấn đấu. Cùng với đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm nên không đủ đủ ức răn đe.

“Thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát chuẩn giáo viên, xây dựng bộ quy tắc ửng xử văn hóa trong trường học làm khung cho các trường thực hiện”- bà Nghĩa cho biết.

Về vấn đề công nhận chức danh GS, PGS, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, cơ bản đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, có không ít ứng viên qua sàng lọc, các hội đồng thực hiện chưa nghiêm. Với 94 hồ sơ ứng viên trong diện có đơn thư phải giải quyết theo quy trình. Những ứng viên chưa đủ minh chứng tin cậy theo yêu cầu thì phải làm lại.

Ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngày 31/3, sẽ kết thúc công việc rà soát GS, PGS. Hội đồng GS ngành và liên ngành làm việc với từng ứng viên để thẩm định lại. Thanh tra của Bộ cũng cung cấp kết quả rà soát, ứng viên nào đủ tiêu chuẩn thì công nhận; ứng viên nào không đủ tiêu chuẩn, Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước cương quyết không công nhận. Sắp tới, sẽ ban hành chuẩn mới để giải quyết những vấn đề bức xúc.