Thủ tướng: Nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5% hoặc cao hơn trong năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần chuẩn bị các yếu tố nền tảng để tăng tốc trong giai đoạn từ 2022 trở đi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị sáng 29-12

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị sáng 29-12

Kết luận hội nghị Chính phủ với các địa phương vào cuối giờ làm việc sáng 29-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tóm lược, trong 1,5 ngày, các địa phương đã gửi đến hội nghị 319 kiến nghị về các vấn đề lớn của đất nước, đồng thời thể hiện sự nhất trí, đồng thuận cao về đánh giá kết quả 2020 và giải pháp thời gian tới.

Với các kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu các tư lệnh ngành không được im lặng với đề nghị của các địa phương. Các bộ ngành, địa phương thường xuyên trao đổi, xử lý các vấn đề bức xúc trong sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng lưu ý đến việc phải thay đổi phong cách làm việc mới để chấn chỉnh nạn quan liêu giấy tờ gây chậm chễ, đánh mất cơ hội kinh doanh.

Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “năm 2020 thành công hơn 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt”, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực hơn, có khát vọng vươn lên để đạt thành tích cao hơn trong năm 2021.

Tại hội nghị này, Chính phủ đã thống nhất chọn chủ đề năm 2021 là: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trên tinh thần đó, chúng ta thống nhất định hướng điều hành và quan điểm chỉ đạo: Trước hết là tiếp tục đổi mới tư duy phát triển; hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội; kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết 01, 02 để trình Thủ tướng ký ban hành ngay từ ngày đầu năm 2021. Tinh thần là phải bắt tay vào việc ngay từ ngày đầu năm, không ngừng nghỉ, không gián đoạn.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu kinh tế xã hội khác.

"Mặc dù để đạt được mục tiêu này là rất thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu kinh tế xã hội khác” - Thủ tướng nêu rõ.

Không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5% hoặc cao hơn trong năm 2021 mà cần chuẩn bị các yếu tố nền tảng để tăng tốc trong giai đoạn từ 2022 trở đi.

Quang cảnh hội nghị ở điểm cầu Chính phủ

Quang cảnh hội nghị ở điểm cầu Chính phủ

Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần đặt ra là Việt Nam phải bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với mặt bằng của khu vực và thế giới, trong đó phấn đấu sớm đưa Việt Nam trở thành một cường quốc nông nghiệp.

Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu các địa phương không được mất cảnh giác trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trước mắt từ nay đến Tết nguyên đán phải báo động, cảnh giác cao nhất để phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Về phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu nhiệm vụ hàng đầu là phải duy trì nền tảng vĩ mô ổn định, bền vững. Tiếp tục phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cần xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng. Tăng trưởng không chỉ tạo nên nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô mà còn bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đồng thời góp phần chống tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển.

“1% tăng trưởng GDP sẽ giải quyết 300.000 việc làm, không có việc làm thì người dân thu nhập từ đâu?” - Thủ tướng phân tích.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương chú trọng đổi mới quản trị quốc gia, tiếp tục xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền, bảo đảm vai trò quản lý thống nhất của địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương.

Riêng về công tác chuẩn bị đón năm mới 2021 và Tết Nguyên đán, Thủ tướng đề nghị không được lơ là trong phòng chống Covid-19, quản lý thị trường ổn định, bảo đảm cung cầu hàng hóa cho Tết.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu không tổ chức đi chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp, nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức, không sử dụng xe công, tiền công vào hoạt động lễ hội, vui chơi.