Thủ tướng đối thoại tìm "lối thoát" cho doanh nghiệp

ANTĐ - Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) diễn ra sáng nay 28-4, thông qua VCCI, hơn 500.000 DN trong cả nước đã gửi 300 kiến nghị tới Thủ tướng.
Khai mạc hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: “Hôm nay, chúng ta ngồi đây để Chính phủ cùng cả cộng đồng DN bàn đưa ra giải pháp, biện pháp, tạo mọi thuận lợi cho DN phát triển ổn định, hoạt động hiệu quả. Chính phủ và DN cũng cùng nhau làm rõ, phân tích những tồn tại, khó khăn để có giải pháp kịp thời, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của DN để cộng đồng DN, nhất là DN vừa và nhỏ cùng các hộ kinh doanh phát triển, đóng góp hơn nữa vào kinh tế - xã hội của đất nước”.
Cùng với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, còn có 4 Phó Thủ tướng, 9 Bộ trưởng và 2 chủ tịch UBND TP Hà Nội, TPHCM; cùng hơn 400 doanh nghiệp. Trong đó, có 20 DN Nhà nước (DNNN), 70 có DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và hơn 300 DN vừa và nhỏ. Hội nghị cho thấy quyết tâm hành động của Chính phủ trong việc hỗ trợ DN nước nhà vượt qua khó khăn, hồi phục để tăng trưởng trở lại. Hội nghị được xem như “hội nghị Diên Hồng” của giới doanh nhân cả nước để DN có thêm niềm tin, hướng đi và động lực mới.
Báo cáo tình hình “sức khoẻ” DN nước nhà, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho biết, xu hướng tăng trưởng liên tục của DN ngắt quãng kể từ năm 2012 khi nền kinh tế bước vào giai đoạn khó khăn. Số lượng DN thành lập mới giảm từ 83.600 DN năm 2010 xuống còn 77.500 DN năm 2011, tiếp đó giảm 69.800 DN năm 2012, giảm 13.800 DN trong 2 năm. Trong quý I/2014, cả nước có 18.000 DN mới thành lập, với số vốn đăng ký gần 98.000 tỉ đồng. Song cũng thời gian này có gần 17.000 DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng ngại theo ông Đông, mặc dù số lượng DN đăng ký thành lập mới năm 2013 và quý I/2014 có dấu hiệu tăng trở lại so với năm 2012, nhưng số vốn đăng ký chỉ đạt 398.681 tỉ đồng, giảm 14,7% so với năm 2012 và giảm sâu 513.700 tỉ đồng năm 2011.

Thủ tướng đối thoại tìm "lối thoát" cho doanh nghiệp ảnh 1
DN còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế hiện nay
Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam chưa tạo ra một thế hệ các “nhà công nghiệp” gắn liền tên, tuổi với sự hình thành và phát triển của các thương hiệu lớn; gắn các cụm ngành công nghiệp quốc gia vươn ra thế giới, cạnh tranh ngang ngửa với các đối tác quốc tế. Vắng bóng DN dẫn đầu, Việt Nam VN còn trống vắng một khu vực DN cỡ vừa có đủ sức tiếp cận với công nghệ mới, trở thành đối tác của các tập đoàn xuyên quốc gia và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Lộc dẫn chứng, trong số hơn 500.000 DN trên cả nước hiện nay thì DN quy mô lớn chỉ có 2% (3.000 DNNN, gần 8.000 DN FDI), DN loại vừa là 2% còn lại 96% là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Trong đó nhóm DN siêu nhỏ (từ 10 lao động trở xuống) chiếm tới 66-67%; còn nếu tính cả các hộ cá thể thì tỷ lệ DN siêu nhỏ chiếm tới 99,9%. “Nói một cách hình ảnh thì cộng đồng DN Việt Nam như “đội thuyền thúng” đứng trước thách thức phải ra biển lớn khi thời điểm hội nhập của đất nước đang cận kề”- ông Lộc bình luận.

Tham dự hội nghị, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa đã nêu rõ vị trí “số 1” của khu vực DN tư nhân trong nền kinh tế và trong bài phát biểu của mình. Bà Victoria Kwakwa luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của DN tư nhân và mong muốn Chính phủ Việt Nam có sự quan tâm đặc biệt.

Bà Victoria Kwakwa cho rằng, cần thúc đẩy hơn nữa đối thoại giữa Chính phủ với khu vực kinh tế tư nhân và hội nghị này đóng vai trò rất quan trọng để tạo dựng hơn nữa sự phát triển năng động của DN tư nhân.

Kể từ khi đổi mới, DN tư nhân Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng và đóng góp lớn vào thành công của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn có một số hạn chế của khu vực tư nhân trong sự đóng góp của mình vào nền kinh tế. Vào thời điểm Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để đạt mục tiêu đề ra thì cũng là lúc nhìn lại để tìm ra giải pháp để thúc đẩy khu vực DN tư nhân đóng góp hơn nữa vào nền kinh tế. Theo đó cần phải có đổi mới khuôn khổ pháp, khuôn khổ chính sách cần phải rõ ràng để DN và các bên tham gia một cách nhất quán, công bằng, minh bạch.

“Đặc biệt cần đơn giản thủ tục hành chính ở mức thấp nhất, để hạn chế những rào cản từ thủ tục phức tạp và sự quan liêu. Chính phủ Việt Nam đang thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính và mong rằng quá trình này là liên tục, xuyên suốt và kéo dài”- bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.

Bà Victoria Kwakwa đề nghị, để khu vực DN tư nhân phát triển cần thấy rõ sự hình thành DN cỡ lớn, cỡ vừa và cỡ nhỏ. Trong khi DN tư nhân chỉ là DN nhỏ, chủ yếu ngành nghề trong nước còn DN cơ vừa ở nhóm này gần như không có. Vì thế cần tìm mọi cách để DN vừa và nhỏ thật sự phát huy vai trò mà cơ chế, chính sách cho điều này là rất quan trọng.

Quan trọng hơn, bà Victoria Kwakwa cho rằng cần sự bình đẳng đối với DN tư nhân trong việc tiếp cận các nguồn lực từ tài chính, đất đai…

Chốt lại, bà Victoria Kwakwa kiến nghị Chính phủ cần xây dựng khu vực tài chính mạnh để hỗ trợ cho DN hoạt động và có hiệu quả. Nguồn vốn là đầu vào đặc biệt quan trọng đối với DN. Và những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong xử lý nợ xấu, bố trí các nguồn tín dụng cũng như tạo điều kiện để DN tiếp cận các nguồn tín dụng quốc tế là rất quan trọng. Bà Victoria Kwakwa nhấnh mạnh: “Tôi rất mong được tiếp tục đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các bên liên quan và chính công đồng DN để khối DN tư nhân phát triển mạnh mẽ và có đóng góp mạnh mẽ hơn nữa vào sự phát triển của Việt Nam".

(An ninh Thủ đô tiếp tục cập nhật thông tin)