PGS.TS Trần Văn Cường
- PV: Ông có thể cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?
- PGS.TS Trần Văn Cường: Có thể nói việc các đối tượng phạm tội trơ lỳ trước nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần của những nạn nhân nhỏ tuổi là do chúng đã đánh mất sự đồng cảm. Khi thực hiện hành vi, chúng chỉ nghĩ đến nhu cầu của bản thân. Ngoài ra, hiếp dâm còn nhằm đáp ứng nhu cầu mà đối tượng phạm tội đang thiếu thốn, đó là nhu cầu quyền lực, bởi không có một cảm giác nào thỏa mãn hơn là khi chúng được chứng kiến sự đau đớn, van xin của người khác.
Những đối tượng phạm tội này hầu hết trong độ tuổi khủng hoảng về tâm lý (từ trẻ con bắt đầu thành người lớn, người trung niên chớm bước vào tuổi già). Nguyên nhân dẫn đến hành vi này một phần xuất phát từ hoàn cảnh sống khó khăn, ít được quan tâm đến đời sống tinh thần, cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc. Ngoài ra, yếu tố có nguy cơ cao chính là các thông tin, hình ảnh về quan hệ tình dục xuất hiện ngày càng nhiều và công khai hơn đã kích thích kẻ phạm tội. Bên cạnh đó việc sử dụng rượu, bia tràn lan đã ảnh hưởng đến khả năng tự kiềm chế của họ. Khi trong người có hơi men lại gặp những em bé gái còn non nớt không có khả năng chống cự, thú tính trong đối tượng sẽ nổi lên, lấn át phần người. Bên cạnh đó, trong một số vụ án, lỗi một phần thuộc về các nạn nhân. Cách sống và kiểu ăn mặc mang tính khiêu khích của một bộ phận chị em phụ nữ đã khơi gợi dục vọng ở những đối tượng thiếu khả năng tự chủ. Ngoài ra, sự thiếu quan tâm đến con cái trong các gia đình cũng vô tình tạo ra những cơ hội thuận lợi khiến cho các hành vi phạm tội dễ dàng nảy sinh.
- Ông có thể phân tích cụ thể hơn về những biểu hiện của các đối tượng phạm tội dưới góc độ tâm thần học?
- Về phương diện tâm thần học, ở một số đối tượng, có thể coi hành vi hiếp dâm là sự rối loạn về giới tính. Khoa học Tâm thần đã phân chia các rối loạn này thành những loại cụ thể với biểu hiện khác nhau: F65.0: loạn dục đồ bệnh (người đàn ông thích tìm kiếm sưu tập những phụ kiện của phụ nữ); F65.1: loạn cải trang đồ vật (con trai thích mặc quần áo con gái và ngược lại); F65.2: loạn dục phô bày (thích phơi bày những bộ phận cơ thể nhạy cảm); F65.5: loạn dục gây đau (thoả mãn bằng việc gây đau đớn cho người khác giới)… Ngoài ra còn có loạn dục với súc vật, với xác chết… Tuy vậy không phải bệnh nhân mắc chứng rối loạn về giới tính nào cũng là tội phạm cưỡng bức tình dục bởi trên thực tế có không ít đối tượng có tinh thần bình thường khi gặp “hoàn cảnh thuận lợi”, không làm chủ được mình vẫn thực hiện hành vi này. Đối với những người không mắc bệnh, giáo dục nhận thức giúp họ thấy được giá trị bản thân, nhưng hệ thống các quy định nghiêm khắc, công bằng sẽ là yếu tố kiểm soát được các hành vi phạm tội.
- Việc điều trị cho những nạn nhân này có khả quan không, thưa ông?
- Nạn nhân thường mất khả năng tập trung, rối loạn về giấc ngủ và ăn uống, luôn trong trạng thái bồn chồn, lo lắng, bị ám ảnh về những chuyện đã xảy ra, hay gặp ác mộng, lo âu và bị kích thích thần kinh, có cảm giác lo sợ, đau đớn… Tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều tháng và nếu không được điều trị kịp thời nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của họ. Do vậy, ngay từ khi được giải thoát, những người thân, cơ quan chức năng cần lắng nghe những chia sẻ của nạn nhân với thái độ tôn trọng và cảm thông. Với người bị tổn thương nhẹ thì chỉ cần điều trị về tâm lý, còn với những nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề hơn thì các bác sỹ tâm thần nên sử dụng thêm thuốc chống lo âu sợ hãi.
Một điều cần lưu ý là thái độ tiếp nhận một cách thờ ơ, soi mói, đòi hỏi nạn nhân phải kể đi kể lại sự việc một cách đầy đủ, chi tiết sẽ làm cho những tổn thương càng trầm trọng hơn. Đặc biệt là khi khai thác các thông tin liên quan đến nạn nhân, các cơ quan truyền thông cần đưa tin một cách khách quan, trung thực, không nên bi kịch hóa bởi điều này sẽ có ảnh hưởng xấu đến tâm lý của họ.
- Theo ông, để ngăn chặn nạn hiếp dâm trẻ em cần tiến hành các giải pháp gì?
- Có thể nói nạn hiếp dâm được xem như một bài học cho một xã hội, khi tệ nạn này tràn lan chứng tỏ hệ thống giáo dục còn có nhiều vấn đề đáng bàn. Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền về giáo dục giới tính trong các nhà trường thì Nhà nước cần có chính sách cụ thể, kiên quyết trong việc sản xuất, mua bán và sử dụng bia rượu, quan tâm hơn đến sức khỏe tâm thần của người dân, đồng thời xử lý nghiêm khắc, thích đáng những đối tượng phạm tội để làm gương. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng cần quan tâm hơn nữa trong việc bảo vệ và giáo dục kỹ năng sống cho con em mình.
Cách đây không lâu, Hạ viện Ba Lan đã thông qua đạo luật cho phép thiến những kẻ loạn luân hoặc hiếp dâm trẻ em dưới 15 tuổi. Mục đích của đạo luật nhằm chữa bệnh tâm thần cho những người phạm tội, làm giảm ham muốn của người đó, giảm nguy cơ đối với xã hội. Cuối tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc, một kẻ phạm tội hiếp dâm trẻ em cũng đã bị... thiến bằng phương pháp hóa học. Kẻ chuyên hiếp dâm trẻ vị thành niên này sẽ bị tiêm loại thuốc ức chế nội tiết tố nam testosterone. Thuốc có thể ức chế tình dục và phòng ngừa phạm tội. Thời hạn tối đa của thuốc là 15 năm.