Thu nhập của người nông dân trồng khoai tây tăng gấp 3 lần nhờ mô hình khép kín

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau 5 năm triển khai mô hình liên kết sản xuất khoai tây bền vững tại Gia Lai, năng suất khoai cao gấp 3 lần so với canh tác truyền thống, thu nhập nông dân cũng tăng gần 3 lần.
Các đại biểu tham gia thu hoạch khoai tây cùng bà con nông dân

Các đại biểu tham gia thu hoạch khoai tây cùng bà con nông dân

Trong hai ngày 26-27/02, Nhóm công tác PPP (đối tác công – tư) rau quả - Ban thư ký Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) thuộc Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội thảo tổng kết hoạt động 2023 và lập kế hoạch 2024.

Báo cáo tại hội thảo cho thấy, đối với sự phát triển của ngành rau quả nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung, hợp tác công tư (PPP) là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào chế biến sâu, gia tăng giá trị và đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như phát triển các mô hình liên kết chuỗi giá trị ngành hàng tiên tiến, hiệu quả.

Đáng chú ý, hội thảo lần này được tổ chức kết hợp với Ngày hội thu hoạch khoai tây – chia sẻ mô hình liên kết sản xuất khoai tây bền vững tại Gia Lai, thu hút sự tham gia đông đảo của bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên.

Chương trình sản xuất khoai tây bền vững do Syngenta, PepsiCo - đồng trưởng Nhóm công tác PPP về Rau quả, phối hợp với các đối tác triển khai từ năm 2019, tập trung vào xây dựng mô hình sản xuất khép kín từ: Chăm sóc đất - giống - Xử lý hạt giống - Thuốc Bảo vệ thực vật - Phân bón - Tưới tiêu - Kỹ thuật canh tác - Bao tiêu đầu ra - Chế biến sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo.

Những giải pháp công nghệ trong mô hình liên kết này đã mang lại những kết quả vượt trội trong 5 năm qua. Cụ thể, năng suất khoai thu hoạch trung bình đạt 23-26 tấn/ha, cao gấp 3 lần so với canh tác truyền thống, thậm chí nơi cao nhất đạt 52 tấn/ha. Thu nhập nông dân tăng lên gần 3 lần. Diện tích trồng khoai tây tăng trung bình 20% hàng năm…

Đây là một trong những đóng góp của Nhóm Công tác PPP về Rau quả trong quá trình hiện thực hóa Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.