Thư ngỏ van xin chồng chăm sóc 2 con của người vợ trẻ đang ở tù

ANTĐ - Dẫu anh ấy không còn là chồng em, nhưng mãi mãi vẫn là cha của những đứa nhỏ vô tội, em mong sao anh ấy đọc được bài báo này và hãy nghĩ đến lời van xin của em là chăm sóc các con trong thời gian em ở tù.

Giờ em ở tù, ngoại tiếp tục nuôi 2 đứa con thơ dại của em. Không có tiền, ngoại lấy gì mà nuôi chúng? Em mong rằng ba chúng hãy một lần nghĩ đến 2 đứa con mà chăm sóc chúng, nuôi chúng lớn khôn. Dẫu anh ấy không còn là chồng em, nhưng mãi mãi vẫn là cha của những đứa nhỏ vô tội, em mong sao anh ấy đọc được bài báo này và hãy nghĩ đến lời van xin của em là chăm sóc các con trong thời gian em ở tù. 11 năm sau, khi được ra tù, nhất định, em sẽ về chăm sóc chúng.

Khi em cất tiếng khóc chào đời, chỉ có má ở bên. Ba đã bỏ má đi với người đàn bà khác khi em vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Khi bệnh tim hành hạ má, tưởng chừng má không sống nổi, ngoại đưa cho em một mẩu giấy nhỏ ghi địa chỉ của ba, nói rằng em đi tìm ba về để má nói lời trăn trối. Em hoàn toàn không có ý niệm gì về việc mình có một người cha đang tồn tại trên cõi đời này. Mất hơn 1 ngày đường từ Quảng Nam lên Đắk Lắk, em mới tìm đến được địa chỉ như ngoại ghi trong giấy.

Ba đang có một gia đình rất sung túc với một người phụ nữ trẻ, họ đã có với nhau một em bé trai chừng 6 tuổi. Em khi ấy 12 tuổi, đứng trước mặt người đàn ông mà theo như mô tả của ngoại thì đúng là người đã sinh ra em, nhưng không hề có chút cảm xúc gì như người ta vẫn gọi là tình phụ tử. Dường như người đàn ông đó cũng thế, không có chút cảm xúc gì với em cả. Em quay về bên má một mình, khóc nấc. Đến giờ em vẫn không hiểu tại sao, biết rằng má đang bệnh nặng mà ba cũng không một lần quay về thăm má giống như việc suốt hơn 12 năm qua, ba không quan tâm đến việc có một đứa con gái ruột đang tồn tại trên cõi đời này.

Nhưng đến khi lấy chồng thì em đã hiểu. Con người ta nhiều khi độc ác đến lạ lùng. Và dường như ba em có đủ nhẫn tâm để bỏ rơi vợ và con bất cứ lúc nào khi họ tìm thấy niềm vui mới.

Sau khi má đi bước nữa với người đàn ông khác, em dọn về ở với ngoại ở Đắk Lắk. Má đã có 2 đứa con với dượng và cuộc sống vẫn chật vật khó khăn sau ngày má qua khỏi trận quỵ ngã vì bệnh tim ấy. Em học đến lớp 9 thì bỏ học vì ngoại chẳng đủ tiền đóng học phí và mua sách vở cho em. Sau đó, em đi làm bưng bê ở quán cà phê, kiếm tiền nuôi thân, nuôi ngoại. 16 tuổi, em lấy chồng. Anh là khách quen của quán. Lần nào đến uống cà phê, anh cũng nói chuyện với em. Chúng em yêu nhau được gần 1 năm thì cưới. Anh làm nghề lái xe Bắc Nam nên mặc dù gọi là yêu nhau hơn 1 năm nhưng suốt trong quãng thời gian ấy, chúng em cũng chỉ gặp nhau vài lần.

 

Ngoại nói cứ tìm hiểu cho kĩ đi đã rồi hãy nhận lời lấy. Nhưng em không nghe lời ngoại, em nói anh ấy đã 28 tuổi rồi, ở tuổi ấy, họ không lừa con đâu ngoại ơi. Rồi 4 năm sau khi lấy nhau, em và 2 con nhỏ xách ba lô túi xách về nhà ngoại. Ngoại nhìn em, nhìn cháu rồi ôm mặt khóc vì xót xa. Em biết, ngoại thương mẹ, thương em.

2 năm đầu kết hôn, em với anh ấy chung sống với nhau hạnh phúc lắm. Anh thì lái xe Bắc - Nam, xa nhà miết, còn em thì ở nhà nuôi con. Chừng 2 tháng anh ấy lại về nhà một lần. Em cũng không phàn nàn gì về chuyện anh ấy đi biền biệt vì đó là nghề của anh ấy, anh ấy phải kiếm tiền để nuôi má con em. Thế nhưng dần dà, anh ấy về nhà thưa hơn, mỗi lần về thì hay cáu gắt với má con em. Tiền anh ấy đưa cho em cũng ít dần đi chứ không còn được như ban đầu nữa. Cho đến khi em sinh cháu thứ 2 thì anh ấy hoàn toàn không đưa tiền cho má con em. Em bắt đầu đi bán cà phê lại ở quán cũ để có tiền nuôi con.

Rồi một ngày, có một người bạn chung của em và anh ấy ngồi uống cà phê ở quán, thấy em, anh ấy la: "Giờ này sao mày còn ở đây bán cà phê được hả Thúy? Chồng mày đang ăn nằm với đứa bạn thân nhất của mày kìa. Đến tìm chúng nó mà mang chồng mày về đi Thúy". Em nghe mà như chết đứng. Cái cảm giác khờ khạo xấu hổ của một kẻ được thiên hạ thông báo rằng mình bị cắm sừng, em không bao giờ quên được.

Em bồng 2 con sang gửi nhà ngoại, một mình bắt xe đi tìm chồng. Đến nhà người bạn thân nhất của em từ thuở nhỏ, cũng là người đã cướp chồng em, em mới ngã ngửa ra rằng, họ đã chung sống với nhau như vợ chồng được hơn 1 năm nay rồi. Không gặp chồng em ở đó, nhưng quần áo anh ấy thì treo đầy trong nhà người con gái đó. Em cay đắng rệu rã quay trở về nhà, rồi lại vùi đầu vào ngoại mà khóc. Ngoại đã già lắm rồi. Cả cuộc đời, ngoại dường như chưa phút nào được chứng kiến giây phút hạnh phúc của con gái và cháu gái mà toàn là những nỗi đau, sự phản bội.

Đối mặt với chồng, em chỉ có nước mắt và sự đau đớn. Việc em phát hiện ra anh ấy chung sống với người con gái khác giống như một cơ hội tốt cho anh ấy để nói ra sự thật mà bấy lâu nay anh ấy đã che đậy, giấu giếm 3 má con. Anh tiếp tục rời xa má con em, bỏ nhà đi lâu hơn với người phụ nữ ấy: Cuộc sống gia đình của 2 vợ chồng em bỗng trở nên tồi tệ, kinh khủng khi anh ấy bắt đầu quay ra đánh đập má con em trong cơn say mỗi khi bước chân về đến nhà. Từ đó, anh không gửi một đồng tiền về nuôi 2 đứa con còn thơ dại.

Em và anh ấy lấy nhau không có giấy tờ đăng kí kết hôn, không có sự xác thực của luật pháp bởi khi ấy em mới 16 tuổi, 2 bên gia đình chỉ tổ chức đám hỏi và đám cưới theo đúng thông lệ. Thế nên, ngày chúng em ly dị nhau cũng đơn giản lắm. Không có tòa án nào xét xử việc nuôi con, chia tài sản. Em ôm 2 con và đồ đạc về nhà ngoại ở, anh ấy coi như thoát được gánh nặng bị đèo bòng bởi 1 vợ 2 con nên ngay lập tức tìm đến người đàn bà kia.

Em trở thành một người đàn bà chưa từng có chồng cả về mặt luật pháp và về mặt tâm hồn. Em không coi người đó là chồng, là cha 2 đứa con em. Ba bỏ má đi với người đàn bà khác từ khi em còn chưa ra đời. Rồi đến lượt em nữa, ngay sau khi em sinh đứa con thứ 2, những tưởng chồng đi làm ăn xa biền biệt là kiếm tiền chăm lo gia đình nhưng chỉ là sự phản bội. Má còn đi bước nữa với người đàn ông khác, nhưng cuộc đời này, có lẽ em sẽ không thể chung sống cùng người đàn ông nào khác nữa. Niềm tin của em vào đàn ông đã cạn rồi.

2 con em còn nhỏ lắm, 1 đứa giờ 5 tuổi, 1 đứa lên 7. Sau khi bỏ chồng, em vừa đi làm rẫy, vừa đi bán cà phê để lấy tiền nuôi con. Cuộc sống chật vật, khó khăn bắt đầu đè nặng lên vai em những gánh nặng cơm áo gạo tiền. Thấy anh hàng xóm cạnh nhà ngoại cứ sáng đi tối về, rồi dăm bữa nửa tháng lại mang về rất nhiều tiền, mua ti vi, xe máy, tủ lạnh, em cũng muốn mình kiếm được tiền như thế. Không cần đủ để mua tivi, tủ lạnh, chỉ cần đủ để mua sữa, thức ăn và quần áo cho các con. Chính vì thế, em tìm cơ hội để hỏi anh ấy xin việc ở đâu, có thể giới thiệu cho em được không. Người hàng xóm nhìn em rồi cười tủm tỉm, anh ấy nói anh ấy sẽ giúp đỡ em kiếm được nhiều tiền hơn cả em mong muốn.

Công việc của em là đi lấy hàng và bán lẻ ma túy cho các con nghiện trên khu vực mà em sống. Em biết, buôn bán ma túy là trái pháp luật, nhưng lúc ấy, em thực sự không còn lựa chọn nào khác nữa. Số tiền kiếm được thực sự rất nhiều và dễ dàng như húp cháo. Ban đầu, em chỉ định đi giao hàng trong một thời gian ngắn nhưng rồi khách quen dần đông lên, lợi nhuận càng cao nên em không thể bỏ được. Các con em không những có cơm ăn, có quần áo để mặc mà còn có nhà khang trang để ở. Ngoại không hề hay biết có thứ gọi là ma túy tồn tại trên đời, khi thấy em kiếm ra nhiều tiền, ngoại cũng thắc mắc nhưng không thể lý giải được nguyên nhân tại sao. 2 năm sau, khi công an ập vào nhà bắt em, đôi mắt ngoại lại một lần nữa đục nước. Em nhận ra rằng, từ khi sinh ra đến giờ, em chỉ liên tục xát muối vào vết thương lòng của ngoại.

Giờ em ở tù, ngoại tiếp tục nuôi 2 đứa con thơ dại của em. Ngoại không có tiền, ngoại lấy gì mà nuôi chúng? Em mong rằng ba chúng hãy một lần nghĩ đến 2 đứa con mà chăm sóc chúng, nuôi chúng lớn khôn. Dấu anh ấy không còn là chồng em, nhưng mãi mãi vẫn là cha của những đứa nhỏ vô tội, em mong sao anh ấy đọc được bài báo này và hãy nghĩ đến lời van xin của em là chăm sóc các con trong thời gian em ở tù. 11 năm sau, khi được ra tù, nhất định, em sẽ về chăm sóc chúng.

Tâm sự của Nguyễn Thị Thúy, sinh năm 1991, phạm nhân trại Gia Trung, Đắk Lắk