Thói xấu thích “lớn tiếng”

ANTĐ - Lớn tiếng gọi phục vụ, đã uống rượu là phải “dzô dzô”, cạn “trăm phần trăm”… là những thói quen của người Việt mà tại bất cứ quán ăn nào cũng có thể bắt gặp. Ứng xử và văn hóa trong ăn uống của người Việt từ lâu đã trở thành câu chuyện kỳ dị, nhất là trong con mắt bạn bè quốc tế. 

Minh họa: PHÚ KHÁNH

Một lần đi ăn, chúng tôi giật mình bởi những tiếng gọi nhân viên phục vụ của một người ở bàn bên cạnh. Không chỉ một lần, mà bất kể khi họ muốn gọi gì, từ việc thêm đồ, tính tiền hay… rơi đũa, anh ta đều lớn tiếng gọi nhân viên phục vụ. Cô nhân viên tất bật chạy đi chạy lại không biết bao nhiêu lần, còn anh khách hàng vẫn tiếp tục vui vẻ cùng các “chiến hữu”. Không khí bàn ăn trở nên sôi nổi khi đến màn nâng chén “dzô dzô”. Sau mỗi lần cạn chén, là đám đông càng thêm ồn ào, rôm rả, bất chấp sự riêng tư của những thực khách bàn bên. Rồi cứ thế mấy câu chuyện bỗ bã của đám đàn ông được dịp tuôn ra. Cách mấy bàn, chúng tôi bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên xen lẫn khó chịu của các thực khách nước ngoài… Không biết họ hiểu được bao nhiêu phần trăm câu chuyện nhưng chắc chắn họ cảm thấy bị làm phiền bởi đám người ồn ào kia. 

Hình như nhiều “đấng mày râu” coi việc “ăn to nói lớn” nơi công cộng là hết sức… bình thường. Không chỉ trong các quán bia, các quán ăn bình dân - nơi mà người ta quá quen với không khí ồn ào, xô bồ mà ngay cả trong những nhà hàng sang trọng, thì việc lớn tiếng cũng đã thành một thói quen xấu. 

Chi tiền là “có quyền”, nhiều người luôn mồm ra lệnh nhân viên phục vụ với một thái độ trịch thượng. Nếu có một lời giải thích cho việc lớn tiếng này thì đó là tính “thích thể hiện” của người Việt. Tự do sai bảo người khác, “ăn to nói lớn” phải chăng cũng là một cách gây chú ý, xưng danh “chủ nhân của bữa tiệc”. Càng gọi to, gọi nhiều càng chứng tỏ họ là người rộng rãi, hào phóng (?!). Nhưng cũng không quá khi nói rằng việc gây ồn ở hàng quán đều bắt nguồn từ bia rượu.

Ở Việt Nam có cái lệ là “uống ép”. Đã nâng cốc là phải “trăm phần trăm”, uống không say thì không về. Đến muộn thì bị phạt, uống mà không nhiệt tình thì càng bị phạt nặng. “Rượu vào thì lời ra”, đã vui thì chẳng mấy ai kiểm soát nổi lời ăn tiếng nói. Không ít lần tôi được chứng kiến những “tay bợm nhậu” mặt mày đỏ gay gắt, mùi bia rượu nồng nặc tìm cách kiếm chuyện, trêu ghẹo nhân viên phục vụ. Hậu quả để lại sau của mỗi cuộc “trăm phần trăm” là vỏ chai ngổn ngang chất thành đống, thức ăn thừa thãi lãng phí. Một con số thống kế khiến nhiều người phải giật mình: “Mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ 3 tỷ lít bia”. Đánh nhau, gây gổ, tai nạn giao thông… những “tai họa” do bia rượu gây ra chắc không cần phải kể ra thêm nữa. Và cao giọng cũng chỉ là một trong những hệ quả khi “ma men” đã ngấm vào người. 

 Có lẽ để tiện hơn cho việc đáp ứng yêu cầu của thực khách mà nhiều nhà hàng hiện nay đã cho lắp đặt chuông ngay tại bàn. Bất cứ khi nào thực khách muốn gọi, thay vì hô lớn có thể ấn chuông, sẽ có người ra phục vụ. Cách này tôi thấy vô cùng văn minh và lịch sự. Bởi vào quán ăn, hình như ít người Việt nhẹ nhàng ra dấu hiệu để yêu cầu.