Thời thiếu thốn nhưng tử tế

ANTĐ - Trong lịch sử Việt Nam cận đại có một giai đoạn người ta gọi giai đoạn đó là thời bao cấp.  cuộc sống của người dân lúc đó nhất là ở thành thị sống phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước đã khó lại khó hơn. 
Thời thiếu thốn nhưng tử tế ảnh 1

Thời bao cấp, gạo bán cung cấp cho cán bộ công nhân, viên chức  theo định lượng nhất định và căn cứ vào chức vụ, ngành nghề nên có sự khác nhau. Trong cuốn sổ mua lương thực của mỗi gia đình Hà Nội bấy giờ cũng có nhiều mức, tiêu chuẩn người không đi làm Nhà nước 1 tháng được 13 kg gạo, cán bộ 17kg, viên chức 15 kg, còn con trẻ tùy theo lứa tuổi nhưng không vượt quá 13 kg.

Tiêu chuẩn như vậy nhưng phụ thuộc vào ngành lương thực có gì họ bán nấy và nói chung là phải ăn độn; khi thì mì sợi, khi là bo bo và cũng có khi cả ngô xay. Nhưng đâu phải cửa hàng lương thực lúc nào cũng sẵn gạo, sẵn mì, có thời điểm vài ngày gạo mới về. Và gạo thì đủ loại, có đợt hạt gạo chấm vàng vì để quá lâu trong kho, có đợt đỡ hơn nhưng lẫn nhiều thóc và sạn. Cũng có khi là gạo mới hay gạo dính (của Trung Quốc). Sổ gạo quá quan trọng với mỗi gia đình thị thành vì mất sổ gạo là cả tháng phải vay hay đong ở chợ đen, cơ chế hành chính trì trệ, bảo thủ nên phải mất vài tháng mới được cấp lại sổ. Chỉ có những người từng sống trong giai đoạn  bao cấp mới thấm thía câu “Nghệt như mất sổ gạo”.

Không chỉ gao, thực phẩm cũng vậy, tiêu chuẩn nhân dân một tháng có 4 lạng thịt, nửa cân đậu phụ. Cán bộ, công nhân khá hơn nhưng chia đều 30 ngày trong tháng thì một gia đình có tiêu chuẩn cao cũng không quá 2 lạng thịt mỗi ngày cho 4 hay 5 người. Nếu mua thịt thì thôi mua mỡ, mà mua mỡ để xào ra hay rang cơm thì thôi mua thịt. Ngày ấy nhiều gia đình Hà Nội muốn cải thiện ăn tươi phải dành dụm phiếu thịt, như vậy trước đó phải ăn cơm với lạc rang muối. Vào hè, ngành thương nghiệp khai thác thêm được vịt bán theo bìa, mỗi gia đình được một con gần 1 cân, vịt đang lớn, lông măng tua tủa, nhổ còn lâu hơn cạo lông con lợn 1 tạ. Có khi bán thêm cá biển ướp lạnh, tan đá cá mủn ra mất hết hình thù, gừng nhiều hơn cá, ăn xong đánh răng hai lần vẫn còn mùi tanh.

Nhu cầu lớn mà hàng hóa lại thiếu đã dẫn đến xếp hàng và chuyện xếp hàng cũng có một không hai trên thế giới, người ta không đứng thành hàng mà thay bằng gạch, đá, mê nón hay rổ giá những vật vô tri nhưng có pháp nhân như con người. Thời bao cấp đã xuất hiện những câu chuyện bi hài, mua được gạo mới không thích bằng mua được gạo cũ vì gạo cũ tuy hôi nhưng nấu dôi cơm hơn gạo mới. Tại cửa hàng lương thực có một đoạn đối thoại giữa một người đàn ông và một người đàn bà “Của em đen hay trắng”, “Của em đen, còn anh trắng hay đen?”, “Của anh cũng đen”, ai không biết tưởng họ nói chuyện tục nhưng thực ra hai người vừa mua mì sợi, mở bao ra rồi hỏi nhau. Mì sợi trắng làm bằng bột mì loại 1 còn mì đen làm bằng bột loại 2, sợi mì có cả con mọt, nấu lên mùi rất hôi nhưng vẫn phải ăn. 

Thời thiếu thốn nhưng tử tế ảnh 2

Cuộc sống vật chất thiếu thốn nhưng “bần cùng” lại “không sinh đạo tặc”, đó là cái may lớn cho dân tộc. Ở Hà Nội ngày ấy, nhà này hết gạo ăn mà chưa mua được vì xếp hàng đến nơi thì hết có thể sang hàng xóm vay. Chuyện vay lít dầu đun bếp hay xin tí muối, tí mắm là “chuyện thường ngày ở huyện” nhưng không ai phàn nàn vì ai cũng có lúc nhỡ nhàng khi tất cả cùng phụ thuộc vào Nhà nước. Hàng xóm dựng vợ gả chồng cho con cái thì không chỉ họ hàng mà hàng xóm cùng xúm vào giúp, người cho mượn cái  bàn, người  cho mượn ghế hay cái khăn trải bàn. Con cái nhà ai hư hỏng trèo me trèo sấu, nhẩy tầu điện, nếu hàng xóm trông thấy thì quát mắng ngay không cần chờ tối về mách bố mẹ chúng. Và bố mẹ đứa bé không tự ái còn cám ơn, đúng là giáo dục trẻ là sự nghiệp chung. 

Nhưng liệu có phải vì hoàn cảnh giống nhau khiến người ta dễ gần nhau hơn  như các cụ xưa hay nói “Đồng cảnh tương lân”? Điều đó đúng một phần, sâu xa hơn là môi trường xã hội thời bao cấp trong lành, tương đối công bằng không có tệ nạn  tham nhũng, hối lộ những thứ làm tê liệt đạo đức gây méo mó cuộc sống. Còn một nguyên nhân khác là lòng tự trọng, biết xấu hổ như mạch văn hóa ngầm từ bao đời truyền lại chảy trong mỗi con người vì thế không ai dám liều bán danh dự để đổi lấy sự khinh bỉ. Bây giờ không ai muốn quay lại thời bao cấp và dù người ta phàn nàn, chê bai nhưng chắc không thể phủ nhận một thực tế đã trở thành giá trị: Thiếu thốn nhưng tử tế.