Thói quen dễ gây mất thính lực

ANTD.VN - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 360 triệu người trên thế giới đang bị khuyết tật về thính giác, trong đó có 32 triệu trẻ em.  Không chỉ người già có nguy cơ cao mà hơn 1 tỷ thanh thiếu niên có nguy cơ bị mất thính lực sớm do tiếng ồn. Dưới đây là một số nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng này.

Thói quen dễ gây mất thính lực ảnh 1Nghe nhạc bằng tai nghe quá nhiều có thể gây hại cho tai

Thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn

Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), tiếp xúc kéo dài với âm thanh trên 85 decibel có thể làm tổn thương thính giác vĩnh viễn. Theo đó, cuộc đàm thoại bình thường khoảng 60 decibel, tiếng ồn khoảng 85 decibel và tiếng súng hoặc pháo nổ ở mức cao trên 150 decibel. Càng tiếp xúc với những âm thanh tần số cao sẽ càng tăng nguy cơ bị suy giảm thính lực.

Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, những người thường xuyên phải tiếp xúc với tiếng ồn như công nhân xây dựng, nông dân, công nhân hàng không của sân bay và quân đội đều có nguy cơ cao bị mất thính lực.

Nghe nhạc

Trên thực tế, theo WHO, 1 tỷ người trẻ tuổi có nguy cơ bị khiếm thính do thiết bị âm thanh cá nhân hoặc âm thanh lớn của các địa điểm vui chơi, giải trí. Tùy thuộc vào mỗi loại hình giải trí, bạn có thể nghe được âm thanh là trên 100 decibel. Cũng theo WHO, bạn nên hạn chế nghe nhạc, chỉ nên nghe 60 phút trong một ngày. Ngoài ra, tránh xa các địa điểm ồn ào hoặc đeo nút tai.

Sử dụng các loại thuốc 

Theo các nghiên cứu, có trên 200 loại dược phẩm gây ảnh hưởng lên thính lực, thường gặp nhất là thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư, tim mạch, thuốc lợi tiểu dùng điều trị huyết áp cao, liều cao của aspirin hoặc ibuprofen… 

Người cao tuổi và bệnh nhân dùng nhiều hơn một loại thuốc này có nguy cơ cao. Bạn có thể nhận thấy các triệu chứng như ù tai và chóng mặt ngay sau khi bắt đầu dùng thuốc. Nếu điều này xảy ra, hãy trao đổi với bác sĩ để thay thế các loại thuốc khác.

Thói quen hút thuốc 

Hút thuốc lá có thể làm tăng huyết áp bởi làm co thắt các mạch máu, thu hẹp đường đi để máu được bơm qua cơ thể. Thủ phạm chính cho hiệu ứng này là nicotine. Sự co thắt này có thể có ảnh hưởng đến các khu vực khác của cơ thể, kể cả tai. Khi hút thuốc, các mạch máu trong tai bị co lại một chút, và điều này có thể dẫn đến giảm khả năng nghe theo thời gian.

Phương tiện giao thông

Hoạt động giao thông có thể gây ra tiếng ồn lớn. Theo một nghiên cứu về mức độ ồn trong xe tải, người lái xe có thể tiếp xúc tiếng ồn ở mức 82 đến 92 decibel. Ở mức tối đa được ghi nhận trong nghiên cứu, thậm chí đã đạt đến 99 decibel.

Trong một nghiên cứu gần đây về người đi xe đạp, các nhà khoa học nhận thấy rằng, các vận động viên đã phải tiếp xúc với 85 decibel ngay cả ở tốc độ bình thường nhưng khi đi xuống dốc, họ có thể tiếp xúc với mức độ tiếng ồn là hơn 100 decibel.

Lấy ráy tai

Ngoáy tai là thói quen phổ biến, tuy nhiên, nếu dụng cụ lấy ráy tai không an toàn và làm không đúng cách có thể gây hại cho thính giác. Nhiều người lấy tăm, vật nhọn, dùng móng tay chọc ngoáy vào tai khi ngứa mà không biết rằng, sâu trong tai có các xương rất nhỏ, nếu bạn làm không cẩn thận, có thể mất vĩnh viễn khả năng nghe hoặc mất cân bằng âm thanh.

Sức khỏe răng miệng kém

Sức khỏe răng miệng kém tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại xâm nhập vào máu, thu hẹp và ngăn chặn các động mạch dẫn đến não. Điều này làm gián đoạn não nhận được tín hiệu từ các dây thần kinh thính giác. Răng miệng kém cũng có thể dẫn đến bệnh tim, đau tim, đột quỵ và bệnh tiểu đường - những tình trạng sức khỏe có liên quan đến mất thính lực. 

Cách ngăn ngừa mất thính lực

Tắt điện thoại thông minh. Cho dù bạn đang nói chuyện qua điện thoại, xem video, bạn không nên bật điện thoại mức độ âm thanh tối đa. Một số điện thoại thông minh thậm chí có một tính năng cảnh báo bạn nếu bạn đang sử dụng âm thanh ở mức không an toàn.

Không nên nghe nhạc kéo dài. Nếu như bạn đã nghe nhạc trong 60 phút, hãy nghỉ ngơi để thính giác trở lại bình thường. Nếu tiếng ồn lớn xung quanh bạn nằm ngoài sự kiểm soát, hãy tránh xa nơi đó. Khoảng cách giữa bạn và tiếng ồn càng lớn càng giảm nguy cơ gây hại cho tai.