Thoát khỏi lối mòn phụ thuộc

ANTĐ - Không phải đến khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan phi pháp trên vùng biển đặc quyền kinh tế của nước ta, thì giới nghiên cứu và các chuyên gia kinh tế mới đặt ra vấn đề thoát khỏi phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Hơn một tháng rưỡi qua đã có rất nhiều ý kiến phân tích, mổ xẻ ở nhiều cấp, dưới nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, có một luồng ý kiến rất đáng quan tâm mang tính định hướng lâu dài. Đó là, điều sống còn không phải là thoát ra khỏi cái bóng của người láng giềng, mà làm cách nào để có thể phát triển ổn định và bền vững bên cạnh một quốc gia luôn chứa đầy tham vọng và toan tính mưu mô.

Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á, tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiếm 10% trong tổng số xuất khẩu của Việt Nam suốt từ năm 2000 đến nay. Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng từ 9% năm 2000 lên đến 27% năm 2013.

Theo phân tích của tiến sĩ kinh tế Chương trình kinh tế Fulbright, ngay cả trong nhập khẩu cũng phải chia ra 2 nhóm: tỷ trọng nhập khẩu nguyên vật liệu chỉ là 40%, còn lại 60% là hàng tiêu dùng. Nếu như Trung Quốc đóng cửa hoàn toàn thì đối với 60% hàng tiêu dùng cũng không đáng lo ngại.  Ngược lại còn có tác động tốt thúc đẩy các ngành sản xuất trong nước, khuyến khích “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.

Về nhập khẩu nguyên vật liệu, thì tình hình khó khăn hơn, song không đến mức phải bó tay, đồng thời cũng không thể làm cho sản xuất, kinh tế nước ta lao đao. Nếu không còn 40% nguồn nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc, doanh nghiệp nước ta hoàn toàn có thể nhập từ nước khác hoặc nhập từ chính Trung Quốc qua một nước thứ ba.

Chính vì vậy, dưới góc độ kinh tế vĩ mô, vị chuyên gia này đồng quan điểm với một số nhà nghiên cứu cho rằng, nếu Trung Quốc muốn đánh “đòn” kinh tế với Việt Nam, thì trong trung và dài hạn lại làm cho ngành ngoại thương nước ta trở nên lành mạnh hơn. Khi có thêm thị trường nhập khẩu, một mặt doanh nghiệp bảo đảm đầu vào ổn định cho sản xuất, mặt khác sự đa dạng hóa thị trường sẽ giảm rủi ro. Hơn thế, doanh nghiệp Việt Nam sẽ thoát khỏi tình trạng ỷ lại, phụ thuộc theo “lối mòn” nhập khẩu từ phía Bắc.

Trong lĩnh vực đầu tư, nên nhớ rằng, tổng đầu tư giai đoạn 1990-2013 của Trung Quốc vào Việt Nam có 8 tỷ USD trong tổng số 230 tỷ USD của các nước, tức là chiếm khoảng hơn 3%. Mặt khác, xuất khẩu và đầu tư từ Trung Quốc phần lớn là tư nhân. Cho nên nước ta không nên lo lắng thái quá về tác động của Trung Quốc đối với kinh tế nước ta. Một chủ doanh nghiệp lớn Việt Nam nói một câu rất chí lý: “Tiền là của họ, nhưng chủ quyền là của ta”. Vấn đề không phải là giảm bớt phụ thuộc trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, mà là thay đổi về chất lượng, tỉnh táo hơn trong mối quan hệ này về lâu dài.