Thiết lập bản đồ đường nước để dập lửa nhanh hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cháy, nổ đã trở thành nỗi lo sợ thường trực của mỗi người dân và là nỗi ám ảnh, day dứt của những người lính cứu hỏa. Để hạn chế những thương vong do hỏa hoạn, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC - CNCH) - CATP Hà Nội đã có sáng kiến tự nghiên cứu và lập bản đồ các vị trí ụ cứu hoả, nguồn nước tự nhiên ao hồ… thiết lập số hoá cập nhật lên mạng xã hội để thuận tiện ứng phó khi hỏa hoạn xảy ra.
Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội diễn tập cúu nạn, chữa cháy tại khách sạn Sheraton, quận Tây Hồ

Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội diễn tập cúu nạn, chữa cháy tại khách sạn Sheraton, quận Tây Hồ

Hiệu quả số hoá trong nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn

Làm thế nào để giảm đi các vụ cháy lớn, làm sao để chữa cháy hiệu quả hơn, giảm bớt đi những thiệt hại về người vài tài sản? Đó là những suy nghĩ đau đáu của những người lính cứu hỏa - CATP Hà Nội.

Với niềm đam mê công nghệ và trách nhiệm với công việc gian khổ, khó khăn, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đã có những sáng kiến áp dụng công nghệ số vào công tác chữa cháy, CNCH.

Điển hình là việc áp dụng “APP 114”, trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC trên địa bàn thành phố đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại và xử lý kịp thời nhiều vụ cháy. Đây là ứng dụng để lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - tương tác được với người dân nơi xảy cháy để nhận định, đánh giá, xác định chính xác vị trí đang gặp nguy hiểm và đáp ứng hiệu quả, nhanh nhất.

Trong công tác chữa cháy, nguồn nước có vai trò quan trọng số 1. Do vậy, nhiều năm qua Cảnh sát PCCC - CNCH, CATP Hà Nội đã có ý tưởng áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, nhằm góp phần ngăn chặn các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội cho biết: “ Khi triển khai tổ chức khảo sát nguồn nước trên địa bàn các quận, nơi tập trung đông chung cư và làng cổ mới thấy, người dân thường có thói quen san lấp ao hồ, là nguồn nước tự nhiên để xây nhà, nên khi tiếp cận đám cháy tại những ngõ nhỏ, đường làng cũ rất khó khăn để tìm nguồn nước. Do vậy, chủ động thông tin vị trí đặt ụ nươc cứu hoả, nơi gần nguồn nước tự nhiên rất quan trọng khi xảy ra sự cố cháy trên thực tế”.

Vụ cháy tại xưởng chế biến gỗ nội thất, thuộc Công ty Cổ phần gỗ BKG, nằm trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội), xảy ra đầu tháng 8-2021 đã áp dụng hiệu quả bản đồ đường nước chữa cháy. Ngay sau khi nhận tin báo cháy, Đội Công tác chữa cháy và CNCH - CAH Chương Mỹ đã truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn nước và nhanh chóng xác định có 1 ao nước trữ lượng lớn, cách cơ sở bị cháy khoảng 150m. Do đã xác định được vị trí nguồn nước ngay từ ban đầu, chỉ huy chữa cháy và CNCH đã điều động ngay 2 xe chữa cháy tới vị trí ao nước, hút và truyền nước cho các xe chữa cháy đang trực tiếp chữa cháy trong cơ sở. Chỉ với 6 xe chữa cháy được huy động và nguồn nước được duy trì ổn định, liên tục, sau khoảng 2 giờ đồng hồ, đám cháy với diện tích khoảng 1.000m2 đã được các lực lượng khống chế, không để cháy lan sang các khu vực nhà xưởng xung quanh, bảo vệ được tài sản của các cơ sở, doanh nghiệp lân cận, ước tính giảm thiệt hại được hàng tỷ đồng.

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết: “Áp dụng bản đồ nước, lực lượng chức năng có cơ sở dữ liệu rút ngắn thời gian tiếp cận nguồn nước. Việc làm này đã giúp Cảnh sát PCCC - CNCH nắm được thông tin, có chiến thuật chữa cháy đúng đắn, phù hợp, dập tắt nhanh đám cháy, góp phần làm giảm thiệt hại về người, tài sản do cháy nổ gây ra. Hiện lực lượng Cảnh sát PCCC - CNCH, CATP Hà Nội là đơn vị đầu tiên sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin (google map) trong công tác quản lý, khai thác dữ liệu nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy và bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực”.

Khi xác định vị trí họng nước, ao hồ, Cảnh sát PCCC - CNCH dùng máy bơm xử lý hoả hoạn nhanh hơn

Khi xác định vị trí họng nước, ao hồ, Cảnh sát PCCC - CNCH dùng máy bơm xử lý hoả hoạn nhanh hơn

"Nước xa không cứu được lửa gần"

Việc triển khai ứng dụng hệ thống dữ liệu nguồn nước phục vụ chữa cháy bằng bản đồ số Google maps, đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực trong công tác tổ chức cứu chữa các vụ cháy. Khi có cháy xảy ra, hệ thống bản đồ sẽ được sử dụng để tra cứu vị trí các nguồn nước gần nhất mà lực lượng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thể tiếp cận để khai thác, sử dụng và thông báo đến các lực lượng tham gia chữa cháy.

Chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Hà Nội cho biết, thông qua triển khai ứng dụng hệ thống dữ liệu nguồn nước phục vụ chữa cháy bằng bản đồ số Google maps, giúp mang lại hiệu quả tích cực trong công tác tổ chức cứu chữa các vụ cháy. Tại bất cứ địa bàn nào khi xảy ra cháy, thông qua hệ thống bản đồ nguồn nước, lực lượng chữa cháy có thể tra cứu nhanh vị trí của các nguồn nước gần nhất để tiếp cận khai thác, triển khai nhanh công tác dập lửa.

Kết quả điều tra, khảo sát và cập nhật vị trí nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy vào bản đồ Google maps được Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH triển khai công phu khi xác định cụ thể có 3.238 trụ nước chữa cháy của thành phố trong các khu đô thị, cụm công nghiệp, làng nghề, 722 trụ nước chữa cháy trong các khu đô thị...

Thành phố hiện có 2.230 nguồn nước tự nhiên như ao, hồ, sông, suối, kênh và 3.670 bể nước thuộc cơ sở, doanh nghiệp có khối tích trên 20m3.

Không chỉ có những đóng góp nhỏ mang lại hiệu quả lớn, xác định rõ vai trò quan trọng của lực lượng cơ sở trong công tác phòng ngừa, xử lý hỏa hoạn, lực lượng Cảnh sát PCCC - CNCH đã chủ động nhiều biện pháp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của người dân.

Đoàn liên ngành huyện Gia Lâm kiểm tra họng nước cứu hỏa

Đoàn liên ngành huyện Gia Lâm kiểm tra họng nước cứu hỏa

Từ thực tiễn tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn trang bị thiết bị PCCC theo cách làm thân thiện, gần gũi đã làm người dân thay đổi nhận thức, chung tay khắc phục bài toán “nước xa không cứu được lửa gần”.

Thượng tá Phạm Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Gia Lâm cho biết: “Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp người dân vào công tác phòng ngừa hỏa hoạn, đơn vị đã chủ động xây dựng các mô hình an toàn PCCC như ra mắt mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy”, đang được thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực đối với công tác PCCC - CNCH trên địa bàn. Qua việc trao tặng nhiều bình chữa cháy cho các hộ gia đình, CAH kết hợp kêu gọi, vận động người dân hưởng ứng thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC. Đồng thời với cách làm này, lực lượng Cảnh sát PCCC đã chỉ rõ tồn tại cho từng loại hình cơ sở, hướng khắc phục và tháo gỡ khó khăn trong công tác PCCC.

“Trong thời gian tới, CAH chủ động tham mưu UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo UBND xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục tập trung các biện pháp an toàn phòng chống cháy, nổ, trong đó nhân rộng và hưởng ứng mô hình 'Nhà tôi có bình chữa cháy' để nhà nào cũng đều có thể xử lý đám cháy ngay từ khi ngọn lửa còn chưa bùng phát lớn.” - Thượng tá Phạm Văn Hậu nhấn mạnh.