Tháo gỡ những vướng mắc đối với các công trình tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đối với các cơ sở quản lý không đảm bảo an toàn PCCC, được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP Hà Nội đã chủ trì Hội thảo phân tích, đánh giá có căn cứ để xử lý, khắc phục tồn tại.
Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP phát biểu, chỉ đạo tại Hội thảo

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP phát biểu, chỉ đạo tại Hội thảo

Phân loại cơ sở không đảm an toàn PCCC

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Bộ Công an, Sở Tư pháp, Sở xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, Trường Đại học PCCC và một số ban, ngành liên quan thuộc thành phố Hà Nội.

Qua rà soát, trên địa bàn thành phố hiện có 2.483 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực.

Trong đó được phân loại đối tượng theo từng loại hình cơ sở, có 1.569 cơ sở là chung cư, nhà tập thể cũ, 363 cơ sở là trường học, cơ sở giáo dục, 180 cơ sở cơ sở là văn phòng, trụ sở làm việc, 204 cơ sở là nhà kho, xưởng sản xuất, xưởng in và 167 cơ sở khác như nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở y tế, cửa hàng xăng - dầu, hóa chất...

Phân loại đối tượng theo nguồn ngân sách có 327 cơ sở phụ thuộc ngân sách Nhà nước cấp huyện; 1.269 cơ sở phụ thuộc ngân sách Nhà nước cấp thành phố; 318 cơ sở phụ thuộc ngân sách Nhà nước cấp Trung ương; 345 cơ sở không phụ thuộc ngân sách Nhà nước; 224 cơ sở chưa xác định nguồn ngân sách...

Kết quả khắc phục các tồn tại về PCCC, có 1.158 cơ sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện; 1.104 cơ sở đã khảo sát, lập hồ sơ khái toán kinh phí, trong đó, có 867 cơ sở đã hoàn thành; 211 cơ sở đã trình thẩm duyệt (trong đó, có 191 cơ sở đã hoàn thành); 522 cơ sở đã triển khai thi công (trong đó, 422 cơ sở đã hoàn thành); 10 cơ sở đã nghiệm thu nhưng chưa đạt; 93 cơ sở đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng; 83 cơ sở không thuộc diện thẩm duyệt, nghiệm thu đã khắc phục xong; 9 cơ sở đã phá, dỡ bỏ toàn bộ; 62 cơ sở có dự án, kế hoạch di dời, xây mới hoặc đã ngừng hoạt động, trụ sở đang để trống hoặc được dỡ bỏ hoàn toàn...

Ngoài ra, có 304 nhà chung cư, tập thể cũ trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, UBND quận chủ động nghiên cứu thực hiện các biện pháp, giải pháp PCCC và CNCH, tạm thời nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ như: bố trí kinh phí, trang bị phương tiện báo cháy, chữa cháy, thông báo cháy tự động bình chữa cháy xách tay, đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn, mặt nạ phòng độc...

Số lượng cơ sở chưa xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện là 1.316 cơ sở: Trong đó, phần lớn thuộc loại hình chung cư, nhà tập thể cũ; loại hình trường học, cơ sở giáo dục, cơ sở sản xuất, nhà kho, nhà xưởng, loại hình cơ sở khám chữa bệnh, bến xe, chợ, công trình công cộng.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phân tích các biện pháp tháo gỡ, đại diện Cảnh sát PCCC và CNCH đã chỉ rõ một số loại hình cơ sở đặc thù như các khu chung cư, tập thể cũ đã được xây dựng lâu năm với kiểu kết cấu, kiến trúc cũ, các đối tượng trường học nằm trong khu dân cư, không đảm bảo về giao thông phục vụ chữa cháy, khoảng cách an toàn về PCCC rất khó thực hiện, cải tạo theo các quy định hiện hành.

Để đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành phải tính toán đến việc tháo dỡ, xây mới hoặc quy hoạch địa điểm mới, điều này là rất khó thực hiện.

Xác định chủ thể chịu trách nhiệm, đưa ra biện pháp khắc phục

Các đại biểu cũng chỉ rõ do quận, huyện chưa bố trí được nguồn, chưa dự toán được kinh phí thực hiện... Việc phân loại, xác định chủ sở hữu ở các chung cư, nhà tập thể cũ gặp rất nhiều khó khăn do các chung cư tập thể cũ tồn tại từ lâu, hồ sơ quản lý, theo dõi ít, không đầy đủ thông tin xác định chủ thể phân lớn chung cư tập thể cũ đã được bán hết cho dân sinh mà theo Luật nhà ở năm 2014, thì chủ thể chịu trách nhiệm thực hiện cải tạo, sửa chữa, khắc phục các nội dung tồn tại về PCCC là thuộc về người dân đang sinh sống tại khu chung cư, tập thể cũ, việc để người dân đóng góp kinh phí để sửa chữa, cải tạo là khó khả thi.

Bên cạnh đó, các cơ sở không thuộc ngân sách Nhà nước gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí khắc phục, nhất là trong 2 năm vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid - 19 trên địa bàn Thành phố có nhiều diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của xã hội, đặc biệt là đối với các cơ sở ngoài nguồn ngân sách.

Theo thống kê trong 5 năm gần đây, địa bàn Thành phố xảy ra 2.961 vụ cháy, nổ (33 vụ cháy lớn, 46 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 28 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 699 vụ cháy trung bình, 2.076 vụ cháy nhỏ, 72 vụ cháy rừng, 7 vụ nổ).

Thiệt hại về người: 74 người chết và 133 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng trên 959.8 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 3.230 vụ chập điện trên cột, 3.373 sự cố (chập điện trong nhà, cháy rác, cháy cỏ, phế liệu..., thiệt hại không đáng kể.

Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH- CATP Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH- CATP Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Địa bàn xảy ra cháy tập trung chủ yếu ở các quận nội thành chiếm 65% tổng số vụ cháy trên toàn Thành phố. Chủ yếu ở các doanh nghiệp tư nhân và nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu do sự cố chập điện, sơ xuất trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, hàn cắt kim loại...

Trong đó, nguyên nhân do sự cố chập điện chiếm tỷ lệ cao (chiếm 65%). Các vụ cháy do hàn cắt kim loại trong quá trình xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà, công trình chiếm tỷ lệ thấp, song gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong các năm gần đây.

Các cơ sở được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực hiện đang không đảm bảo các yêu cầu và điều kiện an toàn về PCCC, luôn là nguy cơ tiềm ẩn dễ gây ra cháy, nổ, dễ dẫn đến cháy to, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại tá Trần Ngọc Dương đề nghị: “Ban soạn thảo cân nhắc thêm có đưa nội dung này vào không, quy định rõ phải di rời, giải pháp, đối tượng điều chỉnh đối tượng trước khi luật có hiệu lực Đề nghị, tiếp thu các ý kiến của các ngành, đề nghị Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp thu, hoàn thiện tờ trình, tập hợp các ý kiến đóng góp; sau khi phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp phù hợp, nhằm hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa cháy, nổ và thiệt hại do cháy gây ra”.