Hiện nay không ít bạn trẻ nghiện máy tính tới mức ăn, ngủ cùng máy tính (Ảnh minh họa)
Từ tuyên bố gây sốc…
Hai tuần trước, vô tình vào trang mạng facebook của cậu em họ, sinh viên năm thứ 2, trường Đại học Hà Nội, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi đọc được lời bình luận của một số thành viên trong danh sách bạn bè của cậu ta về một người bạn vừa mất do tai nạn xe máy. “Cuộc đời chỉ có một lần, sống để làm sao không sống hoài, sống phí, để nếu có chết thì cũng không phải chết vì tai nạn giao thông như thằng bạn mình. Nếu ngày mai phải chết, mình sẽ chọn cách chết thật nhẹ nhàng, không đau đớn, thân thể không bị mổ xẻ, bầm dập. Mà cũng đáng đời, ai bảo lái xe ẩu. Chỉ khổ bố mẹ thằng bạn mình, có mỗi mụn con trai, bây giờ già rồi làm sao đẻ được thằng như thế nữa…”. Qủa thật, khi đọc những dòng này, không ít người rùng mình về sự lạnh lùng tới mức nhẫn tâm mà những người trẻ tuổi đang thể hiện trước những sự việc mà họ chứng kiến. Điều đáng nói là sau khi lời bình này được đưa lên mạng, ngay lập tức hàng loạt những thành viên khác tỏ ý tán đồng kèm theo những câu nói không biết nên cười hay nên khóc đại loại như: “ Chết được ngay là còn may, chứ nằm đấy, rồi bán thân bất toại thì chỉ làm khổ người thân”.
Bạn Hoàng Hải, sinh viên trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, hiện tượng vô cảm còn lây lan tới mức nhiều nam sinh viên đi trên đường hễ nhìn thấy có vụ tai nạn nào xảy ra là lao đến, nhưng không phải để giúp đỡ người bị nạn mà để xem nếu có ai chết thì xin số tuổi, hoặc nhìn biển số xe để tìm vận may đỏ đen. Mới đây, một bạn nữ có nickname rất tây Jeni Lyl đã chia sẻ cảm xúc thật tới mức “rợn tóc gáy” khi hay tin bà mất: “Thôi, phải đi ngủ sớm thôi, mai còn phải đi đám ma bà mình, chết lúc nào không chết lại chết đúng lúc mình đang thi, đang thi mà đi đến đám ma thì đen chết, đành ngậm ngùi biết làm thế nào, không lại kêu con cháu mất nết. Mà lần trước ông mình chết, lũ anh chị mình bận thi có đứa nào thèm về đâu, thôi về một lúc chờ cho vào quan tài xong rồi lượn!”. Không ít thành viên sau khi đọc dòng trạng thái này đã phản đối gay gắt cách cư xử của Jeni Lyl, song cũng có ý kiến đồng tình vì họ cho rằng chuyện đó chẳng có gì mà ầm ĩ. Thành viên có tên nangha_3h bày tỏ: “ Nhiều người bây giờ chỉ thích nghe những lời giả tạo, hoa mỹ, đó là những chia sẻ thật có gì mà phải thổi phồng lên. Ở thế giới ảo, người ta được phép nói những gì mình thích, chẳng phương hại đến ai thì có gì mà bàn tán…”.
… đến coi máy tính là cuộc sống
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ hiện nay ngoài giờ học chẳng bao giờ ra khỏi nhà. Lý do đơn giản vì máy tính cá nhân chính là “hơi thở” cuộc sống của họ, bất kể đi đâu, làm gì, họ cũng mang theo máy tính cá nhân. Phương Hoa, sinh viên trường Đại học Luật than phiền: “Mình không thể điện thoại hay nhắn tin cho cậu bạn cùng lớp, bởi suốt ngày cậu ấy cắm đầu vào máy tính. Cậu ấy không bao giờ trả lời điện thoại hay tin nhắn, nhưng nếu lên mạng thì nick chat của cậu ấy luôn sáng và facebook luôn có dấu hiệu cập nhật…”. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn coi máy tính cá nhân như “vật bất ly thân”, đi học, đi chơi, đi ăn,… đều mang theo. Tuấn Anh, sinh viên trường Đại học Ngân hàng luôn kè kè chiếc máy tính cá nhân bên mình. Khi thầy giảng bài, Tuấn Anh mở máy tính và lên mạng. Đi chơi với bạn bè, Tuấn Anh cũng mang theo máy tính để vào facebook cập nhật, xem có tin gì nóng để bình luận rồi “nổ” với bạn bè. Cũng bởi lẽ đó Tuấn Anh than phiền: “ Em có thể nói đủ thứ chuyện trên mạng, nhưng lại cảm thấy tự ti với chính mình vì khả năng giao tiếp cực tệ trong cuộc sống thực. Có lẽ vì vậy chẳng có bạn nữ nào thích em cả…”.
Theo PGS-TS Trịnh Hoà Bình, Viện Xã hội học - Viện KHXH&NV Việt Nam, công nghệ thông tin giống như “con dao hai lưỡi”, nó có thể khiến cho người sử dụng “nghiện” và coi internet, máy tính cá nhân hơn cả cuộc sống thật. Thông thường, con trai khai thác mọi tiện ích từ internet và không có nhiều mối quan tâm như con gái. Do vậy, họ giành trọn thời gian để lướt web. Tuy vậy, nếu “sống nhờ máy tính” quá lâu, họ sẽ dần đánh mất chính mình và trở nên mệt mỏi, thiếu sức sống, sức khỏe giảm sút và khiến não luôn trong trạng thái tập trung cao độ. Bên cạnh căn bệnh nghiện máy tính, internet thì hiện tượng vô cảm, coi thường sự việc xảy ra xung quanh mình cũng phản ánh sự hồn nhiên cơ học mà ở đó người ta không biết che giấu tình cảm thật. Họ thể hiện sự thiếu trách nhiệm với cuộc sống bằng những tuyên bố gây sốc trên mạng. Đối với những người trẻ tuổi, lối suy nghĩ này đồng nghĩa với việc họ đang đánh mất giá trị của bản thân, hủy hoại những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Cũng theo PGS - TS Trịnh Hoà Bình, những suy nghĩ tự do theo kiểu “nói ra đừng sợ” trên những trang mạng xã hội hiện nay dẫn đến nguy cơ “bản năng” hóa tư duy và hành động. Hiện có không ít bạn trẻ đang sống theo xu hướng vị kỷ, bản năng, ít có thời gian dừng lại để chiêm nghiệm hay nghĩ về những người xung quanh. Có thể họ không phải là những người xấu nhưng họ muốn đơn giản hóa mọi việc nên đã dẫn đến chủ nghĩa tiện ích, vô cảm với cộng đồng, thậm chí bộc lộ một cách hiển nhiên, không giấu giếm.
Trong xã hội đầy cạnh tranh, phức tạp, “sự vô cảm” đang len lỏi trong mọi mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội. Sự đề cao chủ nghĩa cá nhân, cùng với sự quản lý lỏng lẻo của cha mẹ và nhu cầu tự khẳng định bản thân đã dần tạo nên một bộ phận giới trẻ vô cảm. Do vậy, để hướng các bạn trẻ tới một cuộc sống, suy nghĩ lành mạnh, trong sáng, biết chia sẻ, cảm thông với những sự việc, hiện tượng xung quanh thì gia đình, nhà trường và xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách, suy nghĩ của các em. Đây cũng chính là những nhân tố giúp các em đặt niềm tin vào những giá trị đích thực tồn tại trong cuộc sống.