Thi vào lớp 10 THPT: Căng thẳng như thi Đại học

ANTĐ - Ngày 20-6, Giám đốc Sở GD-ĐT  Hà Nội  Nguyễn Hữu Độ đã đặt ra nhiều yêu cầu với đội ngũ làm công tác tuyển sinh lớp 10 THPT sắp tới, trong đó nhấn mạnh tính chất căng thẳng của kỳ thi này để chọn được những học sinh có đủ tố chất, nâng cao chất lượng đầu vào của THPT.

Hà Nội yêu cầu cao về trách nhiệm giám thị trong kỳ thi sắp tới

Cật lực ôn tập đến sát ngày thi

Tại phần lớn các trường THCS của Hà Nội việc ôn tập ở khối lớp 9 mới chỉ dừng được vài ngày. Để ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, các thầy trò, phụ huynh “lên giây cót” với tần suất mỗi ngày 2 tiết Văn, 2 tiết Toán ở trường, chưa kể ở các lớp luyện riêng theo nhu cầu cá nhân, nhất là những học sinh thi vào khối chuyên. Học ngày, học đêm khiến nhiều học sinh mệt mỏi nhưng vẫn không dám buông lơi. Có con dự thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm nay, chị Nguyễn Thái Minh, ở Đào Tấn, Ba Đình, cho biết mục tiêu vào lớp chuyên trường Hà Nội- Amsterdam đã được đặt ra với cả gia đình. Dù biết con vất vả, thậm chí sút cân trước kỳ thi nhưng chị Minh  cho rằng không còn cách nào ngoài việc vượt qua áp lực thi cử bằng sức học của bản thân. Đã từng trải qua môi trường lớp chọn, trường chuyên nên chị Minh cho biết con đường học tập ở đây sẽ rất vất vả. Nhưng để chuẩn bị cho tương lai sau này, chị Minh cho rằng con mình bắt buộc phải đối mặt với môi trường học tập, thi cử nhiều áp lực.

Là học sinh chuyên Toán của một trường có tiếng ở quận Ba Đình, Đặng Anh Tùng cho biết, truyền thống của trường, đặc biệt là lớp chuyên là phải đỗ 100% vào lớp 10 công lập, chưa kể là phải phấn đấu tiếp tục vào lớp chuyên THPT. Chính vì vậy, Tùng càng phải gồng lên để học thi bởi không muốn bị xấu hổ với bạn bè, thầy cô. Cô Nguyễn Thái Vinh, giáo viên một trường THCS quận Hoàn Kiếm xót xa cho học sinh của mình khi hàng ngày nhìn các em đến trường vật lộn với Toán với Văn trong khi các em học sinh cả trường đã nghỉ hè cả tháng nay. “Các trường chạy đua tỷ lệ thi đỗ lớp 10 nên từ tháng 4 nhiều nơi đã cho học sinh thi thử đến 5-6 vòng. Em nào bị điểm thấp là từ thầy cô đến phụ huynh đều lo lắng buộc các em phải học thêm để cải thiện kiến thức”- cô Vinh cho biết.

Có sự cố sẽ bị kỷ luật

Trước khi chính thức bước vào kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT diễn ra vào ngày 23-6, Hà Nội đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra điều kiện tổ chức của các hội đồng thi. Kỳ thi này quy mô còn lớn hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua khi toàn thành phố có tới 150 hội đồng coi thi với 2.970 phòng thi. Theo ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, các đoàn tập trung kiểm tra việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, văn phòng phẩm, việc bố trí các phòng thi, phương án phòng ngừa sự cố và bảo đảm an toàn tại các điểm tổ chức thi, đặc biệt là ở những điểm mới tổ chức trong kỳ thi này. 

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay Hà Nội có 70.255 học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 không chuyên các trường THPT công lập. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh mà thành phố phê duyệt là 47.647, giảm tới 1.781 chỉ tiêu so với năm học trước. Với số liệu này sẽ có 22.608 học sinh tốt nghiệp THCS phải học ở trường ngoài công lập hoặc các loại hình trường khác. Trao đổi với các Chủ tịch hội đồng thi ngày 20-6, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ công nhận tính chất kỳ thi này khác hẳn với kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa diễn ra. “Mặc dù chỉ trong phạm vi hẹp, cấp địa phương nhưng kỳ thi này mang tính cạnh tranh khốc liệt. Kỳ thi này đương nhiên sẽ yên tĩnh, không ồn ào như kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng giám thị phải hết sức nghiêm khắc, nắm chắc quy chế, kiểm soát tình hình và xử lý tốt tình huống” – ông Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Thêm một điểm Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu với các cán bộ tham gia kỳ thi này là phải ý thức rõ trách nhiệm, coi thi nghiêm để chọn được những học sinh có đủ tố chất học tiếp lên THPT, nâng cao chất lượng đầu vào của THPT. “Chủ tịch hội đồng thi phải kiểm tra ngược lại các giám thị, chứ không chỉ đơn thuần chỉ phổ biến công việc là xong. Mặc dù thực hiện nghiêm túc quy chế thi nhưng các giám thị cũng tránh gây căng thẳng không cần thiết cho thí sinh” – Giám đốc Sở GD-ĐT yêu cầu.