Thi tuyển cán bộ, ngăn chặn bổ nhiệm người nhà

ANTD.VN - Báo cáo kinh tế xã hội được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày trước Quốc hội ngày 22-5 cho biết, có 9 địa phương gồm Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định. 

Trong đó, 58 trường hợp là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm. Báo cáo này còn  phản ánh việc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo/46 công chức; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo…

Lâu nay, hiện tượng bổ nhiệm cán bộ “có vấn đề” khiến dư luận vẫn nghi ngờ “tuyển dụng người tài hay gài người nhà”. Gần đây, Chính phủ đã đưa ra giải pháp cho việc này, đó là hướng dẫn triển khai thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở của Bộ Nội vụ. Theo đó, hàng loạt bộ, ngành quan trọng như Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Tài chính; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; các cơ quan Trung ương như Ban Tổ chức Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Tòa án nhân dân tối cao… đến các tỉnh, thành đầu tàu của cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM… sẽ là những đơn vị đầu tiên thực hiện thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, cấp sở.

“Phát súng” đầu tiên chính là công bố của Ban tổ chức Trung ương trong kế hoạch thi tuyển Vụ trưởng các Vụ Chính sách cán bộ, Cơ sở Đảng và Vụ Địa phương III. Theo đó, các điều kiện dự tuyển được công khai, cụ thể gồm 5 năm công tác trong ngành hoặc lĩnh vực tương đồng với vị trí tuyển; chứng chỉ ngoại ngữ tương đương bậc 4 trở lên khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam hoặc chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B2 khung năng lực châu Âu; áp dụng được kỹ năng tin học vào quản lý và chuyên môn nghiệp vụ... Bên cạnh đó, người dự thi sẽ trình bày đề án và chương trình hành động bằng công cụ Power Point trong 45 phút. Thành viên Hội đồng thi tuyển sẽ đặt câu hỏi phản biện để người dự thi trả lời. 

Cũng theo Bộ Nội vụ, đối tượng tham gia dự tuyển không giới hạn trong nguồn quy hoạch tại chỗ của cơ quan mà có thể là người đã được quy hoạch chức danh tương đương ở các đơn vị khác. Người dự tuyển còn được mở rộng với cả nhân sự không nằm trong quy hoạch, không công tác tại đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn và có thể không phải là đảng viên, nhưng được tập thể lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền đề cử thì cũng được tham gia thi tuyển.

Cùng với yêu cầu của Thủ tướng về việc thu hồi các quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng sai; chấm dứt hợp đồng những trường hợp đưa vào bộ máy không đúng quy trình, điều kiện; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý cá nhân sai phạm, hy vọng rằng việc tổ chức thi tuyển vào chức vụ lãnh đạo của các bộ, ngành, địa phương tới đây có thể ngăn chặn được tình trạng “bổ nhiệm thần tốc” hay “cả họ làm quan”.