Góc nhìn luật sư về quy trình bổ nhiệm ông Phạm Công Danh

ANTĐ - Liên quan đến quy trình, thủ tục, thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bầu, chuẩn y, bổ nhiệm chức danh thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) theo quy định của pháp luật hiện hành, Luật sư Trịnh Anh Dũng -    Trưởng Văn phòng Luật sư Trịnh, Đoàn Luật sư Hà Nội bày tỏ quan điểm:

Quy trình, thủ tục, thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc bầu, chuẩn y, bổ nhiệm chức danh thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP đã được quy định cụ thể, rõ ràng tại Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ("Nghị định 59") và Thông tư số 06/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ("Thông tư 06"). Cụ thể: 

1. Tiêu chuẩn và điều kiện để được bầu, bổ nhiệm làm thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP được quy định cụ thể tại khoản 1, Điều 21, khoản 2 Điều 19, Điều 27, Điều 28 Nghị định 59. Theo đó, người đã từng bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm sở hữu; người đã từng bị kết án về các tội từ tội phạm nghiêm trọng trở lên không được làm thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP.

Đối chiếu với quy định nêu trên, việc ông Phạm Công Danh, người đã từng bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân (thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu và đây là tội nghiêm trọng), nhưng vẫn được bầu, chuẩn y làm thành viên HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần xây dựng Việt Nam (VNCB) và sau đó làm Chủ tịch HĐQT VNCB là có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật. 

2. Hồ sơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận Danh sách ứng cử viên làm thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP được quy định cụ thể tại Điều 12 Thông tư 06. Theo đó, hồ sơ bắt buộc phải có Phiếu lý lịch tư pháp của ứng cử viên. 

Theo quy định tại khoản 4, Điều 1 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009: " Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản".

3. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thẩm tra, bầu và chuẩn y việc ông Danh làm thành viên HĐQT VNCB không đúng quy định: 

- Nếu hồ sơ của VNCB đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận Danh sách ứng cử viên làm thành viên Hội đồng quản trị VNCB, hồ sơ chuẩn y chức danh Chủ tịch và thành viên HĐQT VNCB có đầy đủ Phiếu lý lịch tư pháp của ông Phạm Công Danh và án tích của ông Danh thể hiện rõ tại Phiếu lý lịch tư pháp, hoặc hồ sơ của ông Danh thiếu Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định nhưng ông Danh vẫn được giới thiệu, chuẩn y, bầu thì lỗi trong trường hợp các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thẩm tra, bầu và chuẩn y việc ông Danh làm thành viên HĐQT VNCB. Cụ thể: 

a) Khoản 2, Điều 11 Thông tư 06 quy định "Trên cơ sở danh sách đề cử của các cổ đông đối với các chức danh này, Hội đồng quản trị thẩm định điều kiện, tiêu chuẩn; lập Danh sách ứng cử viên cho các chức danh dự kiến bầu". Như vậy, trách nhiệm để ông Danh được tham gia danh sách ứng cử viên HĐQT VNCB trái quy định của pháp luật thuộc về HĐQT VNCB tại thời điểm bầu ông Danh làm thành viên HĐQT. 

b) Khoản 3, Điều 11 Thông tư 06 quy định: "Sau khi lập Danh sách ứng cử viên, Hội đồng quản trị có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xem xét, chấp thuận Danh sách này"; khoản 2, Điều 13 Thông tư 06 quy định: "Trong thời hạn tối đa bảy (07) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ nêu tại khoản 1 Điều này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có trách nhiệm xem xét, thẩm tra thủ tục, hồ sơ, điều kiện theo quy định tại Nghị định số 59 và Thông tư này.

Trường hợp hồ sơ đảm bảo các điều kiện theo quy định, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản chấp thuận Danh sách ứng cử viên theo đề nghị; đồng thời gửi Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát) để báo cáo. Trường hợp xét thấy hồ sơ và điều kiện chưa đảm bảo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản hướng dẫn ngân hàng thực hiện đúng quy định của pháp luật". Theo quy định trên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh là đơn vị chịu trách nhiệm trong việc bản chấp thuận Danh sách ứng cử viên theo đề nghị VNCB đối với trường hợp của ông Danh. 

c) Khoản 2, Điều 14 Thông tư 06 quy định: "Trong thời hạn tối đa 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ của Ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản quyết định về việc chuẩn y việc bầu các chức danh thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát theo đề nghị của ngân hàng.

Trường hợp Thống đốc không chuẩn y hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ, văn bản phải nêu rõ lý do"; Điều 49 Thông tư 06 quy định: "Sau khi nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh hoặc văn bản đề nghị của ngân hàng và hồ sơ đính kèm, theo trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư này, Cơ quan Thanh tra, giám sát có trách nhiệm thẩm định, lấy ý kiến các đơn vị liên quan theo quy định tại Thông tư này, tổng hợp và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định:

- Có văn bản chấp thuận, chuẩn y đề nghị thay đổi của ngân hàng; hoặc

- Có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh hoặc ngân hàng bổ sung hồ sơ, giải trình các nội dung chưa rõ ràng; hoặc

- Có văn bản từ chối, nêu rõ lý do”.

Như vậy, theo quy định này, cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước phải chịu trách nhiệm trong việc chuẩn y chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Danh trái quy định pháp luật theo đề nghị của VNCB.

- Nếu hồ sơ của VNCB đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận Danh sách ứng cử viên làm thành viên Hội đồng quản trị VNCB, hồ sơ chuẩn y chức danh Chủ tịch và thành viên HĐQT có đầy đủ Phiếu lý lịch tư pháp của ông Phạm Công Danh nhưng nội dung Phiếu lý lịch tư pháp lại thể hiện ông Danh không có án tích, thì trách nhiệm thuộc về cơ quan có thẩm quyền cấp lý lịch tư pháp là Sở Tư pháp nơi ông Danh thường trú hoặc tạm trú (quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 44 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009) trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của ông Danh không chính xác.