Thế giới lên án hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông

ANTĐ - Những hành động gây hấn nghiêm trọng của Trung Quốc ngay tại vùng biển của Việt Nam đang bị cả thế giới lên án.

Trung Quốc đã đẩy căng thẳng trong khu vực leo thang ở mức cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây khi lần đầu tiên cho hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981vào sâu bên trong vùng biển của Việt Nam. Không những vậy, Trung Quốc còn phái đội tàu hộ tống khoảng 80 chiếc, trong đó có cả tàu quân sự, để bảo vệ giàn khoan này. Tàu Trung Quốc còn liên tục đâm, cản trở tàu của Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của mình. Những hành động gây hấn nghiêm trọng của Trung Quốc đang bị cả thế giới lên án.

ASEAN lập mặt trận thống nhất trước Trung Quốc đang có những động thái ngày càng nguy hiểm

Theo giới phân tích, việc các nhà lãnh đạo ASEAN ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra ở Biển Đông cho thấy ASEAN đã thành lập được một mặt trận thống nhất trước một Trung Quốc đang có những động thái ngày càng nguy hiểm để hiện thực hóa đường lưỡi bò của mình.

ASEAN đã “cảnh báo” Trung Quốc khi ra tuyên bố trên sau Hội nghị Thượng đỉnh của Hiệp hội hôm 12/5. Giới quan sát cho rằng tuyên bố đánh dấu sự thay đổi về tinh thần chung trong khối ASEAN. Họ chỉ ra rằng, tuyên bố “bày tỏ quan ngại” vẫn được đưa ra, dù nhiều thành viên trong khối 10 nước này có mối quan hệ về kinh tế, chính trị gắn bó với Trung Quốc và trước kia thường tránh đối đầu với “người khổng lồ” châu Á.

Ngày 12/5, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã kêu gọi Trung Quốc và các quốc gia có tranh chấp trên biển Đông kiềm chế không sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề. Ông Yudhoyono cho rằng nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách trỗi dậy không hòa bình, thể hiện thái độ và cách hành xử hung hăng trên Biển Đông, họ sẽ gây nên những vấn đề nghiêm trọng và sẽ là hiểm họa đối với hòa bình, an ninh Đông Á, là điều mà không một quốc gia nào mong muốn.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng Australia, nêu rõ: "Tuyên bố mà các Ngoại trưởng ASEAN đưa ra là văn bản độc lập và không bị khuất lấp trong tuyên bố chung dài hơn của hội nghị. Điều này rất có ý nghĩa. Nó nêu bật sự đoàn kết của ASEAN trước thực tế rằng những diễn biến hiện nay ở biển Đông là nguồn gốc gây quan ngại nghiêm trọng bởi nó làm gia tăng căng thẳng”.

Phân tích cho rằng ASEAN đã lập nên “mặt trận thống nhất” nhằm phản đối hành động đơn phương của Trung Quốc ở biển Đông.

Việt Nam đã phản ứng chuẩn xác để tránh rơi vào bẫy của Trung Quốc

Chuyên gia Gregory Poling, Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế CSIS ở Mỹ, cho rằng Việt Nam đã phản ứng chuẩn xác để tránh rơi vào bẫy quân sự hóa của Trung Quốc và dẫn đến xung đột ngoài ý muốn ở biển Đông.

Dù bị tấn công, khiêu khích nghiêm trọng nhưng lực lượng chấp pháp Việt Nam đã phản ứng phù hợp, không bị mắc mưu các tàu Trung Quốc


Ông Gregory Poling phân tích: “Sự kiện này xảy ra ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới các nước châu Á và đặc biệt là những tuyên bố mạnh mẽ khi ông Obama có mặt ở Malaysia và Philippines liên quan tới biển Đông, nên cũng có thể tính đó là căn cứ để chọn thời điểm, nhưng tôi cho rằng lý do chính là vì ý đồ xưa nay của Trung Quốc với biển Đông thì lớn hơn. Nó nằm trong chuỗi sự kiện mà Trung Quốc đã gây ra với Malaysia ở bãi ngầm James Shoal, hay với Philippines ở Bãi Cỏ Mây trong năm nay. Nó cũng xảy ra sau khi vụ Philippines kiện Trung Quốc bắt đầu và chỉ ít ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN. Thế nên, nhắm vào Mỹ thì ít hơn, còn với ASEAN thì rõ, họ muốn gửi thông điệp rằng Trung Quốc sẽ vẫn cứ lấn tới trong cuộc tranh chấp này.

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan tới chính là muốn gửi một thông điệp chính trị. Có thể Trung Quốc cũng muốn khiêu khích Việt Nam, muốn Việt Nam có phản ứng vượt giới hạn. Đó chính là bài mà Bắc Kinh sử dụng lâu nay, đó là dùng các lực lượng phi quân đội nhưng vẫn đầy khiêu khích để đưa các nước vào bẫy. Chúng ta có thể tham khảo những gì đã xảy ra ở đảo tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc hay ở bãi cạn Scarborough.

Ở đây, tôi đánh giá cao phản ứng của Việt Nam, chưa rơi vào cái bẫy của Trung Quốc. Việt Nam mới chỉ đưa tàu thuộc lực lượng cảnh sát biển ra. Còn nếu Việt Nam đưa tàu quân sự ra, tôi nghĩ là Trung Quốc sẽ chỉ cho thế giới thấy "kìa, Việt Nam đang khiêu khích, đang quân sự hóa" và sẽ lợi dụng sai lầm đó. Việt Nam cần phải cho Trung Quốc biết là không chấp nhận các hành động khiêu khích của Trung Quốc và Việt Nam cũng cần phát thông điệp rõ ràng rằng đây không phải vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Hành động thiếu kiềm chế ở đây có thể bị Trung Quốc lợi dụng như tôi vừa nói và cũng có thể dẫn tới xung đột mà không bên nào muốn. Ở đây, Việt Nam hơn Philippines khi đối đầu với Trung Quốc.

Khu vực đặt giàn khoan ở đây mà xét về pháp lý, cơ sở của Việt Nam đáng kể hơn. Việt Nam có quyền khai thác dầu khí trong vùng biển của mình. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc cùng ký với Việt Nam và các nước ASEAN khác về Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), theo đó không có các hành động làm tình hình xấu đi. Quy tắc yêu cầu không được thực hiện bất cứ hành động làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn thì việc dùng tàu uy hiếp và đặt giàn khoan chính là vi phạm. Hơn nữa việc dùng vòi rồng phun nước vào tàu cảnh sát biển của Việt Nam cũng đã vi phạm cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) lẫn DOC.

Trong những ngày qua, Nhật và Singapore đã ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam. Tôi chờ đợi nhiều quốc gia khác cũng sẽ làm như thế. Và tôi cũng chờ đợi Mỹ và các nước khác dùng các kênh quan hệ của mình với Hà Nội và Bắc Kinh để đảm bảo rằng căng thẳng không tăng nhiệt nữa”.

Giáo sư Jonathan London, chuyên gia về Đông Nam Á, trường Đại học thành thị Hong Kong, nhận định: “Theo tôi, Việt Nam vẫn cần theo đuổi chính sách ngoại giao cũng như chiến thuật khôn khéo là giải quyết vấn đề thông qua đàm phán song phương và đa phương. Bên cạnh đó, Việt Nam cần hợp tác với các quốc gia trong khu vực và các bên có liên quan trên biển Đông, họ sẽ giúp Việt Nam trong việc đối mặt với vấn đề này".

Theo ông Jonathan London, điều trên giúp tránh việc leo thang căng thẳng trong khu vực, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang cố tình sử dụng sức mạnh quân sự của mình để công khai vi phạm luật pháp quốc tế khi đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Giáo sư Jonathan London cho rằng, thách thức chủ yếu của Việt Nam và các nước Đông Nam Á hiện nay là phải đối mặt với một Trung Quốc dường như không có thiện chí giải quyết vấn đề này. Ông nói: “Bản thân hành động đưa giàn khoan của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã là một hành động vi phạm luật pháp nghiêm trọng. Hơn thế nữa, Trung Quốc còn ngang nhiên đưa tàu của mình vào cản trở việc thực thi pháp luật của phía Việt Nam. Như vậy, cùng một lúc, Trung Quốc đã không tuân thủ luật pháp quốc tế khi vừa cố tình tìm cách khai thác khoáng sản trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vừa có những hành động cố tình khiêu khích Việt Nam trong khi phía Việt Nam đang rất kiềm chế để tránh xung đột”.

Liên quan đến động thái Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu khổng lồ Hải Dương 981 vào sâu bên trong vùng biển Việt Nam, tờ Forbes của Mỹ mới đây đã có bài viết nhận định: Có lẽ chỉ có người Việt Nam mới ngăn được Trung Quốc hiện thực hóa đường lưỡi bò.

Tác giả bài viết là Gordon G. Chang, người chuyên viết về Trung Quốc và châu Á, cho hay với động thái đưa giàn khoan vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bắc Kinh đã vượt qua hai giới hạn quan trọng. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên Trung Quốc cho khoan ở vùng biển của Việt Nam. Thứ hai, đây cũng là lần đầu tiên Bắc Kinh công khai sử dụng "những con tàu xám”, tức tàu hải quân, nhằm hỗ trợ chặt chẽ cho những tàu trắng - tàu chấp pháp dân sự, để thực thi tuyên bố chủ quyền. Khi đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đã phái hơn 80 tàu hộ tống các loại, trong đó có tàu hải quân.

Theo tác giả, động thái của Trung Quốc có thể là lợi dụng sự lơ là của Washington khi nước này đang tập trung quan tâm tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine, cho thấy sự coi thường đối với Tổng thống Obama, hoặc cũng có thể là “cái tát” cảnh báo với nước nhỏ hơn khác. Tác giả kết luận, dù cho Trung Quốc có muốn ngầm ý gì thì động thái triển khai giàn khoan Hải Dương 981 mới đây là vô cùng nguy hiểm.

Tuy nhiên, tác giả chỉ ra, trong suốt chiều dài lịch sử, người Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục, thậm chí là khi đối mặt với thái độ khiêu khích của người “khổng lồ” láng giềng. Theo Gordon G. Chang, Trung Quốc muốn vùng lãnh thổ và vùng biển của các nước xung quanh Biển Đông, ám chỉ đến cái bản đồ được gọi là "đường lưỡi bò". “Trung Quốc sẽ không dừng lại cho đến khi bị ngăn chặn. Và có lẽ chỉ có người Việt Nam mới ngăn chặn được họ”. Theo tác giả, điều này đã được thấy trong lịch sử, trong cuộc chiến biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1979.

Ông Ernest Bower, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington, ngày 13/5 nhận định, hành động gây hấn của Trung Quốc với Việt Nam đang khiến các nước trong khu vực lo ngại và cộng đồng quốc tế có thể sẽ ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam. Ông Bower trả lời phỏng vấn đài truyền hình Deusche Welle (DW) của Đức: "Việt Nam có thể trông chờ sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế”, trong trường hợp này, gần như toàn bộ các nước đều muốn thuyết phục Trung Quốc tham gia vào Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và tuân thủ theo bộ luật này. Nếu điều này không xảy ra, thì khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ bất ổn vì sự hung hăng của Trung Quốc và giao thương, đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”.

Ông Bower cũng bình luận rằng mặc dù tuyên bố chung từ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vừa qua đã không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã dành một thời gian đáng kể để thảo luận nghiêm túc về các sự việc gây ảnh hưởng đến tình hình biển Đông, về chiến thuật hiếu chiến mới của Trung Quốc và bàn cách đối phó với điều này.

“Rõ ràng hành động hung hăng mới đây của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng lo lắng. Mặc dù ASEAN không thể hiện được sự đoàn kết, nhưng Bắc Kinh thực sự đã khiến ASEAN thức tỉnh và khiến các nước trong khối này xích lại gần nhau”, ông Bower nhận định.

S Marvin C. Ott, một trong những nhà nghiên cứu Đông Á uy tín người Mỹ, cựu chuyên gia phân tích cao cấp của CIA nhận xét: “Những gì xảy ra trong vài năm gần đây cho thấy, Trung Quốc đã nhanh chóng tăng cường năng lực hải quân, không quân nhằm mở rộng quyền lực và kiểm soát tại Biển Đông. Trong một loạt các vụ việc như thế thì đáng kể gần đây nhất là tranh chấp với Philippines tại bãi cạn Scarborough. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhìn có vẻ khác, nhưng thực ra là cùng một kiểu vụ việc đã xảy ra với Philippines. Những vụ việc tiếp theo mà Trung Quốc gây ra có thể liên quan đến hàng loạt nước khác, nhưng có lẽ nhiều khả năng vẫn là với Việt Nam và Philippines.

Sau một loạt các hành động đơn phương và kích động, Trung Quốc lại bất thình lình tỏ ra xuống giọng, đề nghị Việt Nam đàm phán để giải quyết vụ việc một cách hoà bình. Tuy nhiên, chuyện Trung Quốc nói đàm phán hoà bình hay những thứ kiểu như vậy chỉ là xảo thuật của họ.

Ý đồ chiến lược của Trung Quốc, cái mà họ muốn, theo đánh giá của tôi là hiện thực hoá đường lưỡi bò 9 đoạn chiếm gần như toàn bộ khu vực biển Đông, gặm sâu cả vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực. Đó là mục ý định chiến lược của họ và Trung Quốc thực hiện chiến thuật "gặm nhấm", từng bước từng bước mở rộng sự kiểm soát thực tế. Nhưng để tránh vấp phải sự phản ứng rộng lớn và mạnh mẽ, mỗi lần họ thực hiện hành động mở rộng kiểm soát như ở bãi cạn Scarborough hay như việc đưa giàn khoan vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì Trung Quốc lại để một giai đoạn tỏ ra mềm mỏng.

Mỗi khi có sự việc xảy ra, các bên trở nên căng thẳng sẵn sàng phản ứng, thì Trung Quốc lại cố tỏ vẻ làm dịu tình hình trước khi bắt đầu một hành động gây căng thẳng mới. Đó chính là chiến thuật "vừa đấm vừa xoa", gặm nhấm từng phần mà Trung Quốc thực hiện nhằm đạt được mục tiêu chiến lược của mình. Trong trường hợp cụ thể hiện nay, về cơ bản, việc Trung Quốc tuyên bố muốn giải quyết qua đàm phán hoà bình có thể còn là do họ muốn "câu giờ" để có thời gian cố định dàn khoan tại điểm mà họ muốn”.

Hành động của Trung Quốc là hiếu chiến và đặc biệt gây quan ngại

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 12/5 nói rằng những hành động mới nhất của Trung Quốc ở khu vực biển Đông, cụ thể là việc đưa giàn khoan và tàu quân sự vào vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, là hiếu chiến và đặc biệt gây quan ngại. Đây là lần đầu tiên ông Kerry lên tiếng kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng số lượng lớn tàu và máy bay vào hoạt động trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Phát biểu với báo giới cùng người đồng cấp Singapore K. Shanmugan trước khi bước vào cuộc hội đàm tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington, Ngoại trưởng Kerry cho biết một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất gần đây rõ ràng là thách thức của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngoại trưởng Mỹ cho biết Washington và tất cả các nước có tàu bè qua lại ở biển Đông, biển Hoa Đông đều quan ngại sâu sắc về hành động hung hăng này, ý chỉ động thái mới nhất của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 13/5, trả lời câu hỏi của một phóng viên Trung Quốc rằng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đánh giá các căng thẳng ở biển Đông không phải do Trung Quốc mà Mỹ đã thổi phồng câu chuyện, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki nói rằng việc khẳng định Trung Quốc khiêu khích gây căng thẳng ở Biển Đông không chỉ là của Mỹ mà còn là quan điểm của nhiều nước.

Bà nói: "Tôi cũng xin nhắc lại hành động khiêu khích đơn phương này nằm trong chuỗi hành động chiến lược của Trung Quốc nhằm thôn tính các vùng biển tranh chấp. Chẳng có lý do nào để cho rằng các quan điểm của Mỹ làm xói mòn hòa bình và ổn định ở khu vực. Hơn nữa, ngoài Mỹ, cũng có rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới cùng có cách nhìn như thế".

Bà Psaki cho biết Ngoại trưởng Kerry đã điện đàm với cả Ngoại trưởng Trung Quốc và Ngoại trưởng Việt Nam, tại đó ông đã bày tỏ quan điểm các tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình.

Tờ New York Times của Mỹ ngày 12/5 dẫn nhận định của ông David Zweig, Giám đốc Trung tâm quan hệ xuyên quốc gia của Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho rằng quan điểm cứng rắn của Trung Quốc đối với Việt Nam có thể khiến các mục tiêu ngoại giao của Bắc Kinh tại khu vực bị đẩy vào tình trạng nguy hiểm và có thể sẽ phản tác dụng nếu nó khiến các nước Đông Nam Á đi theo bước chuyển chiến lược của Mỹ tại châu Á. Ông cho rằng nếu Trung Quốc không thể hợp tác với Việt Nam sau khi hai nước đã có thỏa thuận song phương về giải quyết các vấn đề trên biển, vậy thì Trung Quốc sẽ thuyết phục các nước khác như thế nào để họ đồng ý về các thỏa thuận song phương với Trung Quốc?

Học giả Vinod Anand, chuyên viên cao cấp tại Quỹ quốc tế Vivekananda ở New Delhi khẳng định hành động của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm các điều khoản của UNCLOS. Vinod Anand nêu rõ việc Trung Quốc đưa giàn khoan cùng một hạm đội tàu và nhiều máy bay chiến đấu yểm trợ vào vùng biển Việt Nam là cách hành xử hiếu chiến, rõ ràng nhằm đẩy mạnh những yêu sách chủ quyền ở biển Đông. Ông nhận định trong những năm qua, Trung Quốc đã sử dụng ba loại hình chiến tranh, gồm chiến tranh truyền thông, chiến tranh pháp lý và chiến tranh tâm lý để thúc đẩy yêu sách về chủ quyền lãnh thổ cả trên biển lẫn trên đất liền. Cách hành xử của Trung Quốc đi ngược lại các nguyên tắc quốc tế; các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế cần phối hợp nỗ lực buộc Trung Quốc tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về tìm giải pháp cho tranh chấp.

Đẩy tình hình đến bờ vực của một cuộc xung đột vũ trang là trách nhiệm thuộc về phía Trung Quốc

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học lịch sử Dmitri Mosyakov - lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và châu Đại dương thuộc Viện Đông phương-Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, trong các bài viết của mình đăng trên tạp chí Tổng quan Đông phương mới và tạp chí Thế giới đa cực, đã gọi hành động của Trung Quốc với giàn khoan Hải Dương 981 là quyết định đi tiếp con đường thúc đẩy leo thang căng thẳng trong khu vực, là một bước tiếp theo trong chiến lược dần khẳng định chủ quyền của mình tại các vùng nước tranh chấp ở biển Đông. Hành động này của Trung Quốc đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và dư luận quốc tế.

Theo ông Dmitri Mosyakov, các hành động của Trung Quốc không chỉ làm phức tạp thêm tình hình mà còn đi ngược lại với các kế hoạch xây dựng quan hệ hợp tác và hữu nghị của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Hành động hiện nay của Trung Quốc đang dẫn đến nguy cơ xảy ra xung đột với Việt Nam, sẽ vấp phải sự phản đối và quan ngại của các nước trong khu vực Đông Nam Á, đẩy các nước này đi theo chính sách thân Mỹ. Điều này là rất bất lợi với Trung Quốc trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam bình tĩnh, khôn khéo, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

Ông Dmitri Mosyakov gợi ý: Giải pháp hợp lý nhất hiện nay là Trung Quốc cần chấm dứt các hoạt động nghiên cứu, thăm dò dầu khí tại các khu vực tranh chấp cho đến khi vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông được giải quyết; Trung Quốc cần phải hết sức cân nhắc giữa một bên là tiến hành các hoạt động thăm dò khi chưa biết kết quả cụ thể là gì, với việc tạo ra căng thẳng nghiêm trọng mới trong quan hệ với Việt Nam và các nước ASEAN. Lịch sử tranh chấp cho thấy, Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình. Trách nhiệm về việc có đẩy tình hình phức tạp hiện nay đến bờ vực của một cuộc xung đột vũ trang hay không hoàn toàn thuộc về phía Trung Quốc...

"Nếu tình hình căng thẳng leo thang đến mức Trung Quốc dùng đến vũ lực, điều tất yếu là Bắc Kinh sẽ thấy ngay điều mình không bao giờ muốn trở thành hiện thực - vấn đề biển Đông được quốc tế hóa", tiến sĩ Euan Graham thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) nói. “Để căng thẳng leo thang tới mức đó chỉ sẽ cực kỳ tổn hại cho chính quyền lợi của Trung Quốc”.

Báo Tấm gương (Đức) ngày 13/5 viết: Tranh cãi trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc leo thang từ đầu tháng 5 vừa qua khi Bắc Kinh hạ đặt một giàn khoan nước sâu trên biển Đông. Hà Nội đã phái tàu tới khu vực này và những tàu này đã bị tàu Trung Quốc tấn công và lao thẳng vào. Bài báo cũng đăng bức ảnh tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm rách, ảnh tàu Trung Quốc tấn công, phun vòi rồng vào tàu Việt Nam và ảnh cuộc họp báo quốc tế của Việt Nam về sự kiện trên.

Cách hành xử của Trung Quốc đi ngược lại các nguyên tắc quốc tế

Ngày 13/5, giáo sư G.V.C Naidu, giảng viên tại trường đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, nêu rõ: Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược “lát cắt salami”, xuất phát từ năm 1974, khi lần đầu tiên họ chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa cùng với các đảo ở Trường Sa. Từ đó đến nay, Trung Quốc đã chiếm dần biển Đông.

Bắc Kinh đang kết hợp đe dọa về vật chất và một dạng trò chơi tâm lý để làm cho các “đối thủ” kiệt sức. Trung Quốc biết rõ không bên tranh chấp nào ở biển Đông, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, có thể sánh kịp tiềm lực quân sự và tài chính của họ, đồng thời không muốn thể hiện rằng Bắc Kinh đang tiến hành một cuộc chiến trâng tráo. Do vậy, chiến lược của Trung Quốc là chia rẽ ASEAN về mặt chính trị, nhưng không gây đối kháng, bởi Bắc Kinh rất cần ASEAN vì những lý do kinh tế và ngoại giao bằng cách lôi kéo Hiệp hội này. Chính sách này có vẻ ở chừng mực nào đó đã có tác dụng trong năm 2012.

Trung Quốc hành động như vậy trong khi vẫn tỏ vẻ quan tâm đến việc tiến hành các cuộc thương lượng về một COC. Sau hơn một thập niên chần chừ, hiện Bắc Kinh đã đồng ý sẽ tiến hành COC, song không ai dám chắc tiến trình này sẽ kéo dài bao lâu. Trước khi bất cứ bộ luật nào được nhất trí, Trung Quốc sẽ tiếp tục chiếm đóng nhiều đảo ở mức có thể sao cho sự chiếm đóng đó trở thành sự việc đã rồi. Tuy nhiên, những hành động này hoàn toàn bất hợp pháp và đó là lý do tại sao Trung Quốc từ chối đưa vấn đề ra một ủy ban trọng tài quốc tế.

Tác giả Dipanjan Chaundhary có bài "Tình hình biển Đông xấu đi với hành động ngang ngược của Trung Quốc" đăng trên báo Economic Times của Ấn Độ, viết: Sự hiếu chiến gần đây được khởi xướng do Hải quân Trung Quốc chống lại lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam tại biển Đông tiếp sau vụ Trung Quốc lắp đặt giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam là bài học cho nhiều nước, trong đó có Ấn Độ, khi có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Diễn biến này đã làm gia tăng căng thẳng tại biển Đông.

Bình luận ngày 13/5 của tờ Washington Post viết: Vụ Trung Quốc kéo giàn khoan vào hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vừa qua là một thách thức cơ bản đối với trật tự thế giới sau Chiến tranh Lạnh mà Hoa Kỳ đã cố gắng bảo vệ. Với việc kéo giàn khoan khổng lồ trị giá 1 tỉ USD có kích thước bằng cả một sân vận động ra biển Đông, Trung Quốc đã cho thấy dấu hiệu mới trong tham vọng thống trị biển Đông đúng theo nghĩa đen, thách thức chiến lược tái cân bằng trục châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama.

Tờ báo đánh giá, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc rất mong manh, nhưng nó lại đang được bảo vệ bởi một hạm đội tàu 80 chiếc đối đầu với các lực lượng chức năng Việt Nam ngoài biển Đông. Thông điệp của vụ Hải Dương 981 chỉ đơn giản là một hành vi khiêu khích.

Bình luận của Washington Post kết luận, Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc ra tòa như những gì Philippines đã làm theo quy định trong UNCLOS 1982. Nhưng rất có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục từ chối tham gia và Bắc Kinh sẽ tiếp tục các hành động đơn phương trên biển Đông cho đến khi nó vấp phải một phản kháng thích hợp, dù là về ngoại giao hay quân sự.

Tờ Financial Times (Anh) ngày 12/5 nhận xét, Trung Quốc đã quay ngoắt 180 độ trong cuộc tấn công nhằm vào Việt Nam khi kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hạ đặt bất hợp pháp. Bài báo viết: "Vụ giàn khoan Hải Dương 981 và đơn phương tuyên bố áp đặt khu nhận diện phòng không ở Hoa Đông hồi cuối năm ngoái đã đi ngược lại với các phương pháp tiếp cận ngoại giao để cản thiện tình hình trong khu vực".

Nhật báo Wall Street Journal (Mỹ) số ra ngày 13/5 đăng tải bài viết tựa đề "Bắc Kinh trả giá cho sự quyết đoán tại biển Đông" cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng sự chia rẽ giữa các quốc gia Đông Nam Á nhưng sẽ phải đối mặt với những rủi ro chính trị.

Theo bài báo, Philippines đã thực hiện thách thức pháp lý tại tòa án phân xử của Liên Hợp Quốc đối với tuyên bố chủ quyền với toàn bộ biển Đông. Bắc Kinh tới nay vẫn làm ngơ trước hành động này, song Manila tính toán rằng việc Trung Quốc không tham gia vào vụ kiện sẽ khiến nước này phải trả giá về mặt uy tín trên trường quốc tế, đặc biệt là nếu Manila được hưởng một phán quyết có lợi. Sự tổn thất đối với vị thế quốc tế của Bắc Kinh có thể gia tăng nếu như các quốc gia châu Á khác thực hiện các bước đi pháp lý tương tự và có vẻ vấn đề chỉ còn là thời gian. Hơn nữa, sự quyết đoán của Trung Quốc đang đẩy các nước Đông Nam Á vào vòng tay của Mỹ. Bên cạnh đó, một loạt các quốc gia đang xây dựng các mối quan hệ gần gũi hơn với Nhật Bản, đối thủ chính của Trung Quốc tại khu vực.

Các chuyên gia phân tích quân sự nhận định rằng có nhiều triển vọng về việc các nhóm trong khu vực có thể hợp nhất để đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc và hành động để kiềm chế cách hành xử của Bắc Kinh.

Người Trung Quốc tự vấn về đường chín đoạn

Trong khi giới chức Trung Quốc biện bạch rằng giàn khoan của họ chỉ là hoạt động bình thường, thì trên mạng xã hội và báo chí, một số người nước này tỏ ý hoài nghi yêu sách chín đoạn ở biển Đông mà Bắc Kinh nêu ra.

"Nói thực, đường chín đoạn mà Trung Quốc vẽ quá ghê gớm, chặn thẳng cửa nhà của các nước Việt Nam, Malaysia và Philippines", một người viết trên Tianya, diễn đàn mạng lớn nhất Trung Quốc.

Người có tên Huangtangshaoye viết trên mạng xã hội Sohu rằng: "Bản đồ hàng hải do một phía vẽ ra liệu có chứng minh được chủ quyền không? Chẳng nhẽ Magellan vẽ bản đồ hàng hải thế giới thì Tây Ban Nha có quyền thống trị cả thế giới à? Đường chín đoạn của Trung Quốc cũng có tính chất tương tự".

Trước thông tin tàu Trung Quốc hăm dọa, dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam, khiến kiểm ngư viên bị thương, tàu bị tổn hại... không ít người Trung Quốc tỏ ra bất bình. Khi xem những hình ảnh về tình hình trên biển những ngày qua, bạn đọc trên diễn đàn Xfjs viết: "Rõ ràng là chúng ta ức hiếp phía Việt Nam".

Một độc giả bình luận trên QQ viết: "Chỗ nào cũng hô đánh. Cần phải biết rằng ngoài vũ lực còn có những cách khác...".

Ngoài mạng xã hội, báo chí Trung Quốc cũng đăng những ý kiến tương tự. South China Morning Post, tờ báo uy tín nhất Hong Kong, dẫn lời Phó giáo sư Vi Dân, chuyên gia Đông Nam Á thuộc Đại học Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc sẽ là nạn nhân lớn nhất nếu như vụ giàn khoan Hải Dương 981 không được giải quyết sớm. Ông Vi Dân nói: "Nếu không giải quyết sớm, thì bất kể lời giải thích nào mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Uy tín và lòng tin với chính phủ Trung Quốc sẽ bị suy giảm mạnh mẽ, làm tồi tệ hơn nữa tình hình bất ổn tại biển Đông".

Báo này trước đó cũng đăng bài bình luận của Phó giáo sư Mike Rowse thuộc Đại học Trung văn Hong Kong cho rằng, lập trường của Trung Quốc không có chỗ đứng trong dư luận quốc tế và Bắc Kinh nên cân nhắc lại về tuyên bố "đường lưỡi bò".