Thế giới gấp rút tìm cách đối phó với biến thể đáng sợ Omicron

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ vừa mới xuất hiện, biến thể mới B.1.1529 của virus SARS-CoV-2 có tên gọi Omicron đã khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải tiến hành họp khẩn để xem xét ứng phó. Kết luận của WHO cho thấy Omicron có thể tạo “cơn địa chấn” lan rộng khắp toàn cầu.
Các chuyên gia y tế và các hãng dược trên thế giới đang gấp rút nghiên cứu và tin tưởng sẽ đối phó hiệu quả với biến thể Omicron

Các chuyên gia y tế và các hãng dược trên thế giới đang gấp rút nghiên cứu và tin tưởng sẽ đối phó hiệu quả với biến thể Omicron

“Biến thể đáng sợ nhất” kể từ khi đại dịch bùng phát

Sau cuộc họp khẩn ngày 26-11, WHO tuyên bố: “Dựa trên những bằng chứng cho thấy có sự thay đổi bất lợi trong dịch tễ học về dịch Covid-19, WHO coi B.1.1.529 là biến thể đáng quan ngại và đặt tên là Omicron”. Như vậy, Omicron đang là biến thể đáng lưu ý nhất được phát hiện cho đến nay kể từ sau biến thể Delta.

Bộ gene của Omicron khác nhiều so với các chủng virus đang lưu hành, có nghĩa nó là một nhánh hoàn toàn mới của SARS-CoV-2. Điểm đặc biệt của Omicron khiến nó được các nhà khoa học chú ý là thành phần giúp virus SARS-CoV-2 bám vào các tế bào nhiều hơn đáng kể so với biến thể Delta. Theo các nghiên cứu, biến chủng Omicron có số lượng đột biến “khủng” lên tới con số 50 đột biến. Chỉ tính riêng tại miền liên kết thụ thể, phần ở protein gai giúp virus bám vào tế bào con người, biến thể mới đã có tới 10 đột biến, trong khi con số này ở Delta chỉ là 2. Vì đột biến rất bất thường như vậy, Omicron tạo ra nhiều mối lo. Trước hết, đột biến của Omicron có thể “qua mặt” hệ miễn dịch của cơ thể và khiến nó dễ lây lan hơn. Theo nhà virus học người Nam Phi Tulio de Oliveira, Omicron hiện “thống trị tất cả ca nhiễm” ở nước này chỉ sau chưa đầy 2 tuần. Thế giới từng điên đảo bởi khả năng phát tán rất nhanh của chủng Delta. Chính vì thế, biến thể Omicron có thể tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đến cuộc chiến chống đại dịch của thế giới.

Một mối quan tâm nữa là biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả của vaccine. Hầu hết các loại vaccine đều tập trung vào việc “dạy” cơ thể tạo ra các kháng thể vô hiệu hóa protein đột biến của virus, loại protein này bám vào các tế bào của con người. Nhưng nhiều đột biến của Omicron nằm trong các vùng protein đột biến mà các kháng thể không nhận ra, khiến các tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.

Thêm vào đó, theo Cơ quan an ninh y tế Anh (UKHSA), biến thể này có protein gai khác hẳn protein ở chủng gốc, trong khi các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện nay đều được bào chế dựa trên protein ở chủng virus gốc. Điều này làm giảm hiệu quả của các loại vaccine đang được lưu hành và ảnh hưởng đến cách virus phản ứng đối với vaccine, cũng như phương pháp điều trị và khả năng lây truyền.

Theo phân loại của WHO, các biến thể SARS-CoV-2 được chia làm 3 loại: Cần quan tâm, đáng lo ngại và đang được theo dõi. Nhiều khả năng Omicron sẽ thuộc biến thể đáng lo ngại vì khả năng lây truyền và độc lực cao hơn, dẫn đến bệnh nặng hơn phải nhập viện và gây tử vong. Giới khoa học Nam Phi cho rằng Omicron là “biến thể đáng sợ nhất” mà họ từng biết tới từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Còn các nhà khoa học Anh thì nghi ngại Omicron có thể làm giảm hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 và làm tổn hại các nỗ lực chống đại dịch.

Các hãng dược phẩm tự tin có thể đối phó hiệu quả với Omicron

Được phát hiện ở Nam Phi hồi đầu tháng 11-2021, chỉ sau thời gian ngắn, biến thể Omicron đã lây lan sang nhiều nước láng giềng của Nam Phi và nhanh chóng xuất hiện tại các nước và vùng lãnh thổ châu Á và châu Âu. Hiện châu Đại Dương và châu Mỹ là 2 khu vực duy nhất chưa phát hiện ca nghi nhiễm nào.

Để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập của Omicron thông qua người đi lại giữa các quốc gia có nguy cơ, một số nước, trong đó có Mỹ, Australia, Brazil, Canada, Iran, Nhật Bản, Thái Lan, Anh cùng Liên minh châu Âu ngay lập tức áp dụng quy định hạn chế nhập cảnh đối với người đến từ các nước miền Nam châu Phi. Anh đã đưa 10 quốc gia bao gồm Nam Phi, Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho, Eswatini, Angola, Mozambique, Malawi và Zambia vào “danh sách cảnh báo đỏ”. Tất cả những người đến Anh từ các quốc gia này sẽ phải cách ly tại khách sạn trong 10 ngày.

Tại Australia, bang đông dân nhất New South Wales đang đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm đối với 2 trường hợp từ châu Phi về nước có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh có nhiều lo ngại về nguy cơ xuất hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên ở nước này. Từ ngày 27-11, Australia đã hạn chế nhập cảnh đối với người từng đến 9 nước khu vực miền Nam châu Phi. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thì chỉ đạo rà soát lại các kế hoạch nới lỏng hạn chế đi lại quốc tế, thu thập mẫu phẩm của khách quốc tế và trong cộng đồng để giải trình tự gen, tiến hành xét nghiệm và nhận dạng các tín hiệu cảnh báo sớm để kiểm soát Omicron.

Với Đông Nam Á, dù số ca mắc Covid-19 ở hầu hết các quốc gia trong khu vực đã giảm nhưng WHO vẫn cảnh báo không nên buông lỏng cảnh giác mà cần tăng cường các biện pháp y tế và xã hội, cũng như tăng tỉ lệ tiêm chủng để đối phó với Omicron. WHO khuyến nghị mọi người dân cần bảo đảm quy định như đeo khẩu trang che mũi, miệng, giữ khoảng cách an toàn, tránh nơi kém thông gió hoặc nơi đông người, giữ tay sạch, che khi ho, hắt hơi.

Tuy biến thể Omicron đang gây nhiều lo ngại nhưng cũng có những thông tin tích cực khi các Hãng dược phẩm hàng đầu thế giới như AstraZeneca, Pfizer, BioNTech, Moderna... tỏ ra tự tin có thể đối phó hiệu quả với biến thể này. BioNTech và Pfizer cho biết đang tiến hành các nghiên cứu và sẽ có dữ liệu đầu tiên về cách Omicron tương tác với vaccine trong vòng 2 tuần. Trong trường hợp xuất hiện một biến chủng tránh được kháng thể của vaccine, Pfizer và BioNTech hy vọng có thể phát triển và sản xuất ra loại vaccine phù hợp để chống lại biến chủng đó trong khoảng 100 ngày.

Hãng sản xuất vaccine Moderna thông báo họ cũng đang nghiên cứu vaccine dành riêng cho Omicron và có thể đưa vaccine mới vào thử nghiệm trong vòng 60-90 ngày. Còn theo nhà sản xuất vaccine Johnson & Johnson, họ đang thử nghiệm vaccine chống lại biến chủng Omicron. Người đang chủ trì công trình nghiên cứu về tăng cường hiệu quả vaccine của hãng AstraZeneca cho biết một loại vaccine mới có khả năng đối phó với biến thể Omicron có thể được bào chế trong thời gian rất ngắn.

“Omicron là biến thể đáng lưu ý nhất được phát hiện cho đến nay và các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu khẩn cấp để tìm hiểu về khả năng lây lan, tính nghiêm trọng và phản ứng của biến thể này đối với vaccine”.

Ông Jenny Harries (Giám đốc Điều hành Cơ quan an ninh y tế Anh - UKHSA)

“Các loại vaccine phòng Covid-19 hiện nay có thể vẫn hiệu quả với biến thể Omicron dù còn phải chờ khẳng định rõ ràng trong vài tuần tới. Cực kỳ ít nguy cơ bùng phát một đại dịch mới như năm ngoái khi biến thể Delta xuất hiện do hiện nhiều người dân trên thế giới đã được tiêm vaccine. Trong trường hợp cần thiết, với những gì đã có, giới khoa học có thể nhanh chóng phát triển một loại vaccine mới để ngăn chặn biến thể Omicron”.

Giáo sư Andrew Pollard (Giám đốc nhóm vaccine Oxford, Vương quốc Anh)