“Thắt” chặt nhập cư nội đô để tăng chất lượng cuộc sống

ANTĐ - Để giải quyết những áp lực dân số của Thủ đô Hà Nội, những “điều kiện” nhập cư cũng đã được đưa vào Dự thảo Luật Thủ đô (LTĐ) và đây được xem là điều cần thiết. Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ nhiệm Đoàn LSTP Hà Nội đã có những  phân tích xung quanh vấn đề này.

Mỗi năm có một lượng lớn lao động đổ về Hà Nội (ảnh minh họa)

Quản chặt bằng nhiều biện pháp

Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, tính đến tháng 6-2012, dân số của thành phố là 7,13 triệu người (1,8 triệu hộ). Bên cạnh đó, Hà Nội có khoảng 1 triệu lao động thời vụ, nên tổng số dân hiện nay lên tới 8,1 triệu người. Trong khi đó, theo chiến lược được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020 dự kiến Thủ đô có 9 triệu dân. Nhưng với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay thì đến năm 2020 chúng ta sẽ có khoảng 13, 14 triệu dân. Thực tế việc gia tăng dân số cơ học ở Thủ đô hiện nay là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng quá tải dân cư, tạo áp lực về chỗ ở, giao thông, điều kiện học tập, y tế, việc làm, môi trường… Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một lớn do tình trạng tăng dân cư quá nhanh phân bổ không đồng đều giữa khu vực nội thành với các quận, huyện ngoại thành. 

Do vậy, để kiểm soát và quản lý được vấn đề dân cư, Dự thảo LTĐ đưa ra tại phiên họp thứ 12, nhiều Ủy viên UBTVQH lưu ý ngoài việc “thắt” chặt dân số nhập cư vào nội đô không chỉ bằng biện pháp hành chính chặt chẽ hơn về đăng kí thường trú tại nội thành thì cần nghiên cứu những giải pháp dài hạn, như ưu tiên việc khuyến khích giãn dân tự nguyện; di dời các trường đại học, cơ sở công nghiệp, bệnh viện; tăng cường đầu tư cho ngoại ô... đó mới là giải pháp mang tính bền vững.

Mặc dù vậy, qui định điều kiện nhập cư vào các quận nội đô được đưa vào Dự thảo LTĐ là phù hợp với Hiến pháp, hợp lý và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thủ đô. Qui định điều kiện đăng ký thường trú không phải là hạn chế quyền tự do cư trú của công dân, mà chỉ là biện pháp hành chính để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân và công tác quản lý nhà nước, cũng như các quyền cơ bản khác của người dân trên địa bàn Thủ đô. Đây cũng là cách làm được nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Trung Quốc, 

Belarus… áp dụng thành công. Trước đó, để giảm tải người dân nhập cư vào thành phố, Đà Nẵng cũng cũng đã đưa ra một số qui định “hạn chế nhập cư”. Tuy nhiên, cách làm này còn nhiều bàn cãi, trái với việc ban hành văn bản qui phạm pháp luật, còn Dự thảo LTĐ không như vậy, bởi nó mang tính đặc thù riêng và được qui định, ban hành thành luật. 

Cần có biện pháp tối ưu 

Ở các nước phát triển cơ sở giao thông, hạ tầng tốt, cán bộ công chức ở cách xa nơi làm việc ở nội thành hàng trăm kilomet, nhưng họ đi làm chỉ mất khoảng 1 đến 2 giờ đồng hồ nên mật độ dân số không tập trung ở nội thành. Còn ở Hà Nội, tâm lý vào nội thành ở gần cơ quan, trường học... để tiện đi làm và sử dụng các dịch vụ công cộng nên dân số ngày càng gia tăng. Để giải quyết thực trạng này đòi hỏi tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó biện pháp qui định điều kiện đăng ký vào nội thành; ưu tiên, khuyến khích giãn dân tự nguyện, di dời một số cơ quan, nhà máy, trường học, cơ sở công nghiệp... ra ngoại thành và đặc biệt phải xây dựng cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tiện ích công cộng kèm theo bảo đảm sinh hoạt tối thiểu cho người dân ở những khu vực này thì biện pháp giảm tải dân số cư trú trong nội thành theo LTĐ mới có tác dụng.

Mặc dù vậy, qui định về quản lý dân cư trong Dự thảo LTĐ dường như vẫn còn nặng về yêu cầu quản lý đăng ký hộ khẩu. Phải thấy rằng, quản lý không chỉ theo số lượng, đặc biệt không phải về hình thức đăng ký hộ khẩu, mà còn quản lý về chất lượng dân cư. Do vậy, Dự thảo LTĐ cần có thêm qui định liên quan đến quản lý về chất lượng dân cư, cần chú ý đến những tình huống thực tiễn và sự mềm dẻo trong triển khai.

Việc qui định điều kiện đăng ký ở nội thành như Dự thảo LTĐ là cần thiết nhưng chưa phải là giải pháp tối ưu, chưa phải là thể chế đặc thù để giải quyết việc giảm dân số ở nội đô. Dự thảo cần cho phép UBND TP Hà Nội có biện pháp ưu tiên để khuyến khích giãn dân tự nguyện, thu hồi đất đai từ việc di dời các trường đại học, cơ sở công nghiệp... để xây dựng các công trình công cộng; việc đăng ký thường trú tại nội thành phải được HĐND, UBND TP chấp thuận. Mặt khác, cũng cần đặt vấn đề quản lý qui hoạch trong LTĐ. Hà Nội phải kết hợp nhiều giải pháp ở cả tầm vĩ mô và vi mô như: Xây dựng các TP vệ tinh quanh Hà Nội, áp dụng một số điều kiện về thời hạn tạm trú, điều kiện nhà ở; dừng xây dựng mới và chuyển các cơ sở dịch vụ, kinh doanh cũ ngoại ô không chỉ có tác dụng giảm thiểu ô nhiễm nội đô mà còn thu hút nhiều người dân ra khỏi các quận có mật độ dân số cao.