Thắp yêu thương giữa đớn đau, bất hạnh

ANTĐ - Một lớp học mà ở đó học sinh đi học không cần học bạ, không cần làm thủ tục nhập trường, không phải nộp học phí, lớp không có sỹ số, bài giảng cũng không tuân theo một chuẩn nào, còn các thầy cô thì 100% không nhận lương. Cứ tưởng với một lớp học toàn “không” như vậy thì chẳng có ai theo học. Thế nhưng, tôi nhầm!

“Nếu các em không đến được lớp, chúng tôi sẽ mang con chữ tới tận bên giường bệnh” - lớp học Hy vọng của Bệnh viện Nhi Trung ương ra đời chỉ đơn giản vì những suy nghĩ tình người như thế.

Lớp học mang đến nụ cười và hy vọng cho những em không may mắn

Giữa tận cùng khổ đau

Sáng 21-11, lớp học có cái tên rất đỗi thân thương “Hy vọng” chính thức học buổi đầu tiên. Trưng dụng tạm căn phòng vốn là thư viện, các y bác sỹ nơi đây đã mở ra một lớp học dành riêng cho những bệnh nhi đang phải điều trị dài ngày - có lẽ đó là một lớp học kỳ lạ nhất và chưa hề có trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Lớp bắt đầu vào học lúc 9h30 hàng ngày. Đó cũng là lúc thời gian thăm khám của các bác sỹ đã xong, những em nào có thể đi lại thì đều được khuyến khích mang cặp sách xuống lớp - GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương bắt đầu câu chuyện về lớp học đặc biệt kia từ những quy định về thời gian mang tính chất đặc thù như vậy. Lớp Hy vọng ra đời bắt nguồn từ suy nghĩ: Ở bệnh viện này có nhiều em nhỏ đang trong độ tuổi đến trường. Nhưng bệnh tật đã khiến việc học hành của chúng trở nên dang dở, trong khi các em lúc nào cũng bị giày vò, đau đớn. Vậy tại sao không mang trường lớp đến với các em để chúng có thể quên đi những bất hạnh đang ngày ngày hiện hữu. Vậy là chỉ trong vòng 20 ngày, mọi nỗ lực của bệnh viện và các nhà hảo tâm được huy động và  biến suy nghĩ kia thành hiện thực.

Không giống như các lớp học khác, khi đưa con vào học thì các bậc phụ huynh có thể ra về. Tại lớp học Hy vọng, các vị phụ huynh lại tập trung ở khoảnh sân ngoài cửa kiên nhẫn chờ đợi cho tới cuối buổi học để sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu đặc biệt. Trong lúc bé Nguyễn Quang Tuấn đang háo hức trong lớp học thì mẹ bé - chị Nguyễn Thị Thủy ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đứng nhìn qua khe cửa theo dõi từng hành động của con mình và lặng lẽ khóc. Cu Tuấn được phát hiện ra căn bệnh ung thư đã mấy tháng nay và phải “đồn trú” tại đây để xạ trị. Chị Thủy bảo: “Mấy tháng trời nằm viện, cháu nhà em buồn lắm. Năm nay cháu đang học lớp 3 thì phải bỏ dở để đi chữa bệnh. Nằm mãi, cu cậu nhớ nhà, nhớ lớp. Thế nên khi nghe nói các bác sỹ ở đây mở lớp học là cháu nó háo hức đòi mẹ cho đi ngay. Tới lớp có bạn có bè, cu cậu cười nói suốt ngày mà quên bẵng đi căn bệnh nan y đang ngày đêm hành hạ”. Mấy hôm nay, sáng nào cu Tuấn cũng dậy từ sớm giục “mẹ gọi bác sỹ đến tiêm cho con nhanh lên để con còn đi học”. Đối với chị Thủy, kể từ ngày mẹ con chị vào viện thì đây là lần đầu tiên chị thấy con mình vui đến thế. “Căn bệnh này em cũng biết trước kết cục rồi, nhưng thấy con mình háo hức và vui như vậy cũng đỡ xót xa”.

Những người thầy không biên chế

Chị Triệu Thị Thủy Vân - Cán bộ Phòng Công tác xã hội bệnh viện Nhi Trung ương bảo: Lớp học này mở ra với mục đích ban đầu là hỗ trợ kiến thức cho các em trong thời gian phải nghỉ học để điều trị bệnh là chính. Vì vậy, nếu đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải truyền thụ kiến thức theo chuẩn như giáo trình của ngành giáo dục là vấn đề rất khó đối với bệnh viện. Bởi đơn giản, lớp học hiện “ôm” tất cả các em đang học tiểu học chứ chưa có điều kiện chia thành lớp theo độ tuổi. Do đó không thể có giáo án riêng. Hơn nữa hôm nay lớp có thể có 30 em, nhưng hôm sau có 10 em ra viện thì việc đảm bảo đủ sỹ số để chia lớp là không thực hiện được.

Đội ngũ giáo viên hiện tại lớp Hy vọng đều là giáo viên tình nguyện hoặc “cây nhà lá vườn”. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hường vốn là cán bộ của Công ty TNHH Khang Lệ. Cô chẳng quen biết ai trong bệnh viện này, nhưng nghe tin qua bạn bè, thấy bệnh viện mở lớp học và cần giáo viên bèn tự tìm đến xin giảng dạy. Cô Hường bảo: “Em có hai cháu, cũng trong độ tuổi như thế này. Thế nên, thấy các em ở đây ốm đau bệnh tật, nghĩ mình giúp được bọn trẻ chút gì để quên đau đớn thì sẵn sàng giúp hết mình”. Với vốn kiến thức về sư phạm ngoại ngữ, hàng ngày cô Hường đảm nhận việc dạy môn Anh văn. Tất nhiên, việc làm đó không có lương, nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng. Cơ bản là việc làm của mình có ích cho các em - cô Hường nói.

Trong số những thầy cô giáo của lớp Hy vọng có 1 người thầy đặc biệt - thầy Hoàng Văn Quảng, Trưởng phòng Hành chính quản trị của bệnh viện. Thầy Quảng mắc căn bệnh ung thư vòm họng đã 12 năm nay và theo thầy thì căn bệnh này hiện đã di căn đến phổi. Thế nhưng, thầy Quảng vẫn đều đặn lên lớp dạy các em môn vẽ 2 buổi/tuần. Vốn là dân Mỹ thuật nên thầy Quảng hiểu, những màu sắc và hình khối luôn là niềm yêu thích của trẻ thơ, chúng sẽ giúp các em vượt qua bệnh tật. “Dạy các em không chỉ là niềm vui mà còn là trách nhiệm của chúng tôi nữa. Hãy thử nghĩ xem, những đứa  trẻ ngây thơ ấy còn chưa hiểu hết cuộc sống xung quanh thì đã phải co người lại trong chốn bệnh tật đau đớn này. Thậm chí có em phải đối diện cả cái chết. Vậy thì cuộc sống có ý nghĩa đâu phải là ở chỗ ta sống nhiều hay ít. Nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi ta sống đã làm được nhiều hay ít điều có ích cho đời” - thầy Quảng nói.