Tháo “ngòi nổ” hàng không

ANTĐ - “Ngòi nổ” của một cuộc chiến thương mại giữa Liên minh châu Âu với các cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… đã tạm được tháo gỡ khi Ủy ban châu Âu (EC) tạm dừng kế hoạch cấp phép phát thải khí carbon cho các hãng hàng không.

EC muốn các hãng hàng không đến châu Âu phải mua hạn ngạch khí thải

Quyết định tạm dừng kế hoạch buộc các hãng hàng không trên thế giới phải mua giấy phép phát thải khí carbon khi tới các sân bay ở châu Âu được EC đưa ra ngày 12-11. Tuy quyết định từ cơ quan hành pháp của EU chỉ có giá trị trong thời gian nhất định song cũng đủ ngăn chặn một cuộc chiến thương mại giữa EU với các cường quốc thế giới ngoài châu Âu.

Trước đó, các cường quốc thế giới ngoài châu Âu, đặc biệt là Mỹ, Nga và Trung Quốc đã phản đối quyết liệt kế hoạch buộc các hãng hàng không quốc tế khi bay tới các sân bay châu Âu phải mua hạn ngạch khí thải dioxide carbon (CO2). Nhằm mục đích đi đầu trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu, các nước EU đã thông qua quyết định áp thuế đối với khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2. 

EC cho biết khí thải CO2 từ ngành công nghiệp hàng không chiếm 3% tổng lượng khí thải nhà kính của EU, cao hơn nhiều so với nhiều ngành công nghiệp khác, ví dụ như thép. Kể từ năm 1990, khí thải từ ngành hàng không đã tăng gấp đôi và nếu không kiểm soát chặt chẽ, nó sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.

Chính vì thế, EC đã đi tới quyết định buộc các hãng hàng không đi và đến hoặc bay qua không phận 27 nước thành viên EU từ tháng 1-2013 phải mua giấy phép từ Cơ chế trao đổi hạn ngạch khí thải (ETS) của tổ chức này đối với 15% lượng khí CO2 mà mỗi chuyến bay xuyên Đại Tây Dương thải ra. Tính toán ban đầu cho thấy, chi phí cho mỗi giấy phép như vậy là hơn 6 euro/hành khách. 

Quyết định của EU sẽ tác động tới gần 4.000 hãng hàng không trên thế giới. Trong đó, chỉ riêng các hãng lớn trên thế giới phải chi phí hơn 17,5 tỷ euro (21,2 tỷ USD) trong vòng 8 năm từ 2013-2020.

Lo ngại quyết định của EU sẽ ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh cũng như việc kinh doanh, các hãng hàng không lớn trên thế giới thông qua Chính phủ đã phản đối mạnh mẽ, đồng thời đe dọa trả đũa. Tháng 9 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua một đạo luật cho phép Bộ trưởng Giao thông nước này có quyền ra lệnh cho các hãng hàng không Mỹ không hợp tác với EC với lý do kế hoạch này vi phạm luật pháp quốc tế. 

Mỹ cũng như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… cho rằng, bất cứ đề xuất nào liên quan đến vấn đề phát thải khí nhà kính CO2 đều phải do Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đưa ra. EC đã tuyên bố sẵn sàng tham gia đối thoại song vẫn khẳng định sẽ chỉ điều chỉnh quyết định của mình nếu ICAO có thể đưa ra một kế hoạch toàn cầu hiệu quả hơn để hạn chế mức khí thải hàng không đang tăng lên.

Ủy viên phụ trách môi trường của EC Connie Hedegaard cho biết, EC nhất trí tạm dừng thực thi kế hoạch trên và đề nghị ICAO trong 12 tháng tới phải đưa ra kế hoạch của cơ quan này. Trong trường hợp ngược lại, EC sẽ tiếp tục đề xuất thực thi kế hoạch nói trên.