Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội

Tháo gỡ bằng được khó khăn cho doanh nghiệp

ANTĐ - Trả lời các câu hỏi của ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận), ĐBQH - Hòa thượng Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh), ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) về các giải pháp cơ bản Chính phủ sẽ thực hiện để “cứu” doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ luôn theo sát, thấu hiểu, hết sức lo lắng và cũng hết sức chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn, thách thức mà họ đang phải đương đầu. 

4 nhóm giải pháp “cứu” doanh nghiệp

Chính phủ luôn trăn trở tìm mọi giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Đây không chỉ là lợi ích của doanh nghiệp mà cũng vì lợi ích của cả nền kinh tế đất nước. Thực tế, Chính phủ đã đề ra rất nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp thực thi và cũng đã đạt được những kết quả nhất định.

Thủ tướng cho biết, có 4 nhóm giải pháp mà Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt trong thời gian tới. Nhóm giải pháp thứ nhất là phải tập trung chỉ đạo để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt phải kiềm chế lạm phát, không để lạm phát cao trở lại. Theo Thủ tướng, đây là một giải pháp vừa có tính trước mắt, vừa hết sức cơ bản, vừa lâu dài vì nếu lạm phát cao thì lãi suất cao, tỷ giá biến động, giá trị đồng tiền Việt Nam sụt giảm, chi phí doanh nghiệp sẽ tăng lên, hoạt động của doanh nghiệp sẽ khó khăn. Nhóm giải pháp cơ bản thứ 2, phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình kinh tế gắn liền với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá. Nhóm giải pháp cơ bản thứ 3, được Chính phủ coi là trọng tâm, là giải quyết hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu, giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản. Nhóm giải pháp thứ 4, theo Thủ tướng, Chính phủ đã làm, đang làm nhưng cần phải làm tốt hơn, đó là cải cách hành chính, bao gồm cả cải cách thể chế và thủ tục hành chính. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các nhóm giải pháp này phải được thực hiện đồng bộ, đồng thời, có trọng tâm, trọng điểm. Thủ tướng kêu gọi cộng đồng các doanh nghiệp hãy tự đổi mới, tự tính toán, cơ cấu lại doanh nghiệp, cơ cấu lại phương án sản xuất, kinh doanh, cơ cấu lại quản trị, điều hành để vượt qua khó khăn bằng chính nội lực, khả năng của mình.

Thực hành dân chủ là quyết định

Một số ĐBQH hỏi: trong số các nhóm giải pháp trên, giải pháp nào là quyết định nhất, cơ bản nhất, động lực nào là động lực bao trùm nhất để tái cơ cấu nền kinh tế, để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, để công nghiệp hóa hiện đại hóa, để đổi mới toàn diện đất nước thành công? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, không có cách nào khác là toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự quản lý của Nhà nước, quán triệt và thực hiện đầy đủ, đồng bộ, đồng thời có hiệu quả các chủ trương nghị quyết của Đảng, của Nhà nước ta. 

Thủ tướng nói: “Trong tổng thể đồng bộ các chủ trương giải pháp thì giải pháp có ý nghĩa quyết định cơ bản, động lực bao trùm cơ bản, đó chính là thực hành dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và chăm lo lợi ích của nhân dân, là lòng dân, là sự đồng thuận của xã hội”. 

Rà soát lại toàn bộ dự án thủy điện

Thủ tướng Chính phủ đề cập đến những dự án đang gây ra rất nhiều tranh luận, bức xúc trong thời gian qua, là thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Thủ tướng cho biết, dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang được Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm định, đánh giá tác động môi trường. Tuy dự án này có tiềm năng thủy điện lớn, đã được đưa vào quy hoạch nhưng phải được tiến hành thẩm định một cách chặt chẽ, nếu không đạt các yêu cầu thì sẽ không làm. Còn với thủy điện Sông Tranh 2, hiện báo cáo từ các Bộ Xây dựng, Công Thương, Khoa học Công nghệ, Viện Vật lý địa cầu cũng như các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản, Thụy Sỹ đều khẳng định dự án này an toàn. Chính phủ đã chỉ đạo chưa tích nước để phát điện trong mùa này; lập tổ công tác thường xuyên túc trực, đánh giá tác động kích thích của động đất tại Sông Tranh; hướng dẫn người dân ứng phó với động đất…

Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết đã yêu cầu các Bộ chức năng rà soát lại toàn bộ quy hoạch thủy điện trong cả nước. Qua rà soát, dự án nào không đảm bảo được các yêu cầu trong quy hoạch thì sẽ loại bỏ. Đến thời điểm này, qua 2 lần rà soát, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết đã đưa ra khỏi quy hoạch 107 dự án thủy điện. Theo Thủ tướng, không chỉ ở Trung ương mà cả các tỉnh cũng phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung lại quy hoạch thủy điện. Đồng thời phải rà soát đời sống ở nơi tái định cư của bà con trong vùng di dân thủy điện để chăm lo tốt hơn cho họ.

Cùng giám sát việc thực hiện lời hứa 

Tháo gỡ bằng được khó khăn cho doanh nghiệp  ảnh 2

Về tổng thể, các bộ trưởng trả lời có trách nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có phần kết luận cho từng bộ trưởng sau khi trả lời chất vấn. Tới đây Quốc hội và từng ĐBQH sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện lời hứa, cam kết của các bộ trưởng. Chúng tôi cũng mong các cơ quan thông tấn, báo chí sẽ cùng giám sát các biện pháp xử lý tồn tại, thông tin kịp thời những tiến bộ… Chắc chắn khi đạt được sự đồng thuận của tất cả các cấp ngành, toàn bộ hệ thống chính trị cũng như ghi nhận ý kiến, giải pháp do nhân dân đóng góp vào các vấn đề chung thì tình hình sẽ có chuyển biến tích cực.

ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết (Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Đằng sau câu hỏi nóng... 

Tháo gỡ bằng được khó khăn cho doanh nghiệp  ảnh 3

Sau 2 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, tôi thấy các ĐBQH hỏi ngắn, đúng chủ đề, tâm huyết; các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn đúng trọng tâm, chất lượng câu trả lời tốt. Trực tiếp điều hành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu các bộ trưởng cần đưa ra giải pháp tháo gỡ những vấn đề tồn đọng. Bản thân các ĐBQH sau khi nêu câu hỏi “nóng”, cũng luôn muốn được nghe giải pháp được đưa ra là gì, hiệu quả tới đâu? Riêng về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng đã trả lời theo nhóm vấn đề, cơ bản khá đầy đủ. 

ĐBQH Đỗ Văn Vẻ (Tỉnh Thái Bình) 

Cần báo cáo rõ việc chưa làm được 

Tháo gỡ bằng được khó khăn cho doanh nghiệp  ảnh 4

Đa phần những câu trả lời chất vấn của các vị “tư lệnh ngành” đã nhận được sự đồng tình của các ĐBQH, nhưng cũng có những câu hỏi chưa được trả lời đầy đủ, khiến đại biểu chưa thỏa mãn. Tôi đồng tình và đánh giá cao việc Chính phủ đã có Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3. Đây là bước chuyển biến tích cực cần được khẳng định và phát huy. 

Tuy nhiên, báo cáo cần đánh giá rõ những việc đã làm và những việc chưa làm được, còn “nợ” với ĐBQH và cử tri để làm cơ sở cho công tác giám sát.

ĐBQH Nguyễn Thái Học (Tỉnh Phú Yên) 

Hậu chất vấn, cần ràng buộc trách nhiệm 

Tháo gỡ bằng được khó khăn cho doanh nghiệp  ảnh 5

Các ĐBQH đã đặt những câu hỏi tập trung, thẳng thắn và trách nhiệm. Các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời có trách nhiệm, trực tiếp vào những vấn đề đại biểu đặt ra, đồng thời thấy được trách nhiệm của mình trong những vấn đề hiện còn tồn tại, hạn chế, khuyết điểm. Tuy nhiên Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời một số vấn đề chưa thỏa đáng, đặc biệt là trong phần nhận trách nhiệm trước những hạn chế, yếu kém của ngành. Tôi đề nghị sau mỗi phiên chất vấn cần có hình thức lấy ý kiến đánh giá của các ĐBQH về phần trả lời của các thành viên Chính phủ, đây sẽ là cơ chế ràng buộc trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành đối với Quốc hội và cử tri.

ĐBQH Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh)