Thành lũy ngăn cơn hỗn loạn

ANTĐ - Trái với không khí lạc quan hồi đầu năm, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa lên tiếng cảnh báo “Các nền kinh tế đang phát triển cần chuẩn bị tốt trước những cú sốc tài chính” có khả năng tái xuất hiện.

Triển vọng mờ nhạt của nền kinh tế thế giới đang làm các nhà quản lý đau đầu

Đúng là nền kinh tế thế giới đã không còn ở bên bờ vực thẳm nhưng rủi ro thì vẫn đầy rẫy. Đầu tháng 7 vừa rồi, Tổng giám đốc IMF C. Lagarde thậm chí còn dự báo rằng một cuộc khủng hoảng mới trên phạm vi toàn cầu đang gõ cửa tất cả các nền kinh tế thế giới. Bằng chứng là các chỉ số hoạt động kinh tế như đầu tư, việc làm, công nghiệp đều xấu hơn không chỉ ở các nước phát triển mà cả ở các nền kinh tế mới nổi hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Khu vực đồng euro (Eurozone) đang phải đối mặt với các khoản nợ công khổng lồ, các ngân hàng phải trầy trật để trụ vững và kinh tế hầu như không tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế Mỹ đang tiếp tục sụt giảm. Còn các “siêu sao kinh tế” trong thế giới các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil thì lại không thể “giải cứu” những nước kia bởi chính họ cũng đang tăng trưởng chậm lại. 

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ đạt 7,6% trong quý II năm nay, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009. Bên cạnh Trung Quốc, người láng giềng “khổng lồ” Nhật Bản tiếp tục đối mặt với khó khăn khi sản lượng công nghiệp tiếp tục sụt giảm trong hai tháng liên tiếp. Sản lượng công nghiệp của Hàn Quốc, cường quốc kinh tế Đông Á,  cũng tiếp tục đà suy giảm tháng thứ 3 liên tiếp vì nhu cầu yếu và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở châu Âu.

Phụ thuộc vào nguồn vốn, công nghệ và thị trường của các nước phát triển, các nước đang phát triển đương nhiên rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc từ bên ngoài, nhất là từ những biến động tiêu cực của thị trường tài chính. Vấn đề đặt ra với các nước đang phát triển là phải chuẩn bị khả năng sẵn sàng đối phó thế nào trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế toàn cầu là một chặng đường dài chứ không phải là một cuộc chạy nước rút.

Quá khứ khủng hoảng cho thấy các ngân hàng trung ương có vai trò chèo lái hết sức quan trọng. Khi Indonesia rơi vào vòng xoáy của “cơn lốc” khủng hoảng tài chính năm 1997-1998, nhiều ngân hàng bị đóng cửa, tình trạng rút tiền khỏi các ngân hàng quốc doanh và đầu tư ra nước ngoài lúc đó thật đáng lo ngại. Vào thời điểm đó, Chính phủ Indonesia đã ban hành chính sách đảm bảo an toàn tiền gửi của mọi người dân kể cả khi ngân hàng bị đóng cửa. Nỗ lực này ngay lập tức đã tác động tích cực đến nền kinh tế.

Tại Eurozone, khi cuộc khủng hoảng nợ công bùng nổ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tiến hành một loạt biện pháp “không theo chuẩn” để ngăn chặn sự xuống dốc của đồng tiền chung. Bên cạnh việc thực thi biện pháp chính sách tiền tệ thông thường là hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục. Để hỗ trợ các nước trong khu vực, ECB còn có kế hoạch mua lại nợ của các quốc gia gặp khó khăn, điều trước đó không được phép.

Có thể nói vai trò của các ngân hàng trung ương được ghi nhận như “các thành lũy chống lại sự hỗn loạn”, “những mỏ neo duy trì sự ổn định”. Đây là kinh nghiệm của quá khứ, cho thấy công cụ này là thứ mà các nước đang phát triển cần nắm chắc để sẵn sàng đối phó trước tác động xấu từ bên ngoài.