Thành lập Sở An toàn thực phẩm ở TP. HCM: Cần làm rõ sự cần thiết và tính hợp lý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm được nêu ra tại Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP. HCM, có ý kiến cho rằng, cần làm rõ sự cần thiết và tính hợp lý, bảo đảm không chồng chéo...

Trong phiên họp sáng 26-5, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM.

Tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Ủy ban TCNS cho rằng, qua tổng kết Nghị quyết số 54/2014/QH14 cho thấy, phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá; nhiều vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển.

Trong khi đó, Thành phố là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách trung ương, hiện đang đóng góp khoảng 27%. Việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với Thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.

TP. HCM là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước

TP. HCM là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước

Dự thảo Nghị quyết có 2 nhóm chính sách với tổng cộng 44 nội dung cụ thể, gồm: Các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54; tại các Nghị quyết về cơ chế đặc thù áp dụng cho các địa phương khác; tại các dự thảo Luật trình Quốc hội; Các chính sách mới lần đầu được quy định.

Với nhóm những chính sách mới, về sử dụng nguồn tăng thu NSĐP để bổ sung kế hoạch đầu tư công, một số ý kiến cho rằng, quy định của Dự thảo Nghị quyết là cần thiết, nhằm tạo cơ chế rõ ràng, rút ngắn quy trình bổ sung dự án mới vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Theo đó, HĐND Thành phố có thể chủ động quyết định mà không cần phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền trước khi bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Thành phố. Vì vậy, để tạo linh hoạt, chủ động, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, Uỷ ban TCNS nhất trí với quy định như Dự thảo Nghị quyết.

Về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông, Dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD-Transit Oriented Development)- là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, đặc biệt phù hợp với những thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội.

Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, Dự thảo giao Thành phố quyết định linh hoạt trong việc quy hoạch bố trí nhà ở xã hội phù hợp thực tiễn, theo đó UBND Thành phố không nhất thiết phải dành 20% tổng diện tích đất đầu tư xây dựng nhà ở thương mại dành để xây dựng nhà ở xã hội. Pháp luật quy định dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Đa số ý kiến nhận thấy, trong một số trường hợp, quy định này chưa phù hợp thực tiễn, nhất là những dự án có quy mô nhỏ hoặc nằm trong khu đất có giá trị thương mại lớn; gây khó khăn cho người thuộc đối tượng ở nhà ở xã hội khi phải trả phí dịch vụ cao cấp.

Để tạo chủ động, Uỷ ban TCNS tán thành thí điểm giao Thành phố linh hoạt trong bố trí nhà ở xã hội, song cần quy định rõ nghĩa vụ của các chủ đầu tư trong xây dựng nhà ở xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Về tổ chức bộ máy của Thành phố, Dự thảo quy định việc thành lập Sở An toàn thực phẩm. Một số ý kiến cho rằng, cần thuyết minh về sự cần thiết và tính hợp lý, bảo đảm không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các Sở và phù hợp với yêu cầu cải cách bộ máy Nhà nước theo hướng tinh giản.

Về chi thu nhập tăng thêm, đa số ý kiến nhất trí với quy định như Dự thảo về chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ…