Đề xuất huy động gần 9.000 tỷ đồng vốn tư nhân làm cao tốc TP.HCM- Chơn Thành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - UBND tỉnh Bình Dương vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phương án, phương thức thực hiện dự án đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn chấp thuận giao Tổng công ty Becamex IDC là nhà đầu tư đề xuất dự án để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Theo phương án được kiến nghị, giai đoạn 1 dự án gồm hai đoạn tuyến.

Trong đó, đoạn từ Vành đai 3 - Cầu Khánh Vân (dài khoảng 7,7 km) giữ nguyên hiện trạng đã được đầu tư thuộc dự án ĐT.743 và ĐT.747B, tổng bề rộng nền từ 36 - 38m.

Đoạn từ cầu Khánh Vân đến Chơn Thành (đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài khoảng 45,6 km, đoạn qua tỉnh Bình Phước dài khoảng 7,1 km) được đầu tư với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, có làn dừng khẩn cấp suốt tuyến. Công tác GPMB được thực hiện với quy mô hoàn thiện, lộ giới 60m.

Cao tốc TP.HCM-Chơn Thành được đề xuất đầu tư theo PPP

Cao tốc TP.HCM-Chơn Thành được đề xuất đầu tư theo PPP

Trên đoạn tuyến cũng sẽ được bố trí đoạn đường gom không liên tục dài khoảng hơn 9 km.

Về phương thức đầu tư, UBND tỉnh Bình Phước triển khai đoạn qua địa bàn tỉnh bằng 1 dự án riêng theo phương thức đầu tư công, ngân sách Trung ương hỗ trợ bố trí để đầu tư xây lắp và GPMB. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng gần 1.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí GPMB khoảng 400 tỷ đồng.

UBND tỉnh Bình Dương triển khai đầu tư đoạn từ cầu Khánh Vân đến tỉnh Bình Dương - Bình Phước theo phương thức đầu tư công và đối tác công - tư.

Với đoạn tuyến này, phần GPMB có tổng mức đầu tư khoảng hơn 7.300 tỷ đồng thực hiện theo phương thức đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Phần xây dựng công trình có tổng mức đầu tư xây dựng hơn 8.800 tỷ đồng thực hiện theo phương thức PPP.

Trên cơ sở nhận được sự thống nhất của Bộ GTVT về phương án phân kỳ đầu tư và Bộ KH-ĐT tư về khả năng cân đối ngân sách Trung ương, để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, tránh tăng chi phí, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án từ đường Vành đai 3 TP.HCM đến tỉnh Bình Dương - Bình Phước với phương án và phương thức đầu tư như đề xuất.

Đồng thời, giao đơn vị, địa phương có đủ điều kiện thẩm quyền làm chủ đầu tư thực hiện đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Phước theo phương thức đầu tư công.