Tháng 12 nóng kỷ lục trong 10 năm qua

ANTD.VN - Trong khi miền Bắc đón những tháng mùa đông nóng như mùa hè với nhiệt độ lên tới 29-30 độ C thì Nam Trung bộ lại gặp lũ muộn. Ông Nguyễn Đăng Quang, Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn vừa và dài, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương lý giải về những diễn biến thời tiết bất thường này.

- PV: Đợt rét đang diễn ra tại các tỉnh Bắc bộ sẽ kéo dài đến khi nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Đăng Quang: Đợt không khí lạnh đang duy trì tại Bắc bộ sẽ suy yếu từ ngày 18-12. Theo đó, nền nhiệt khu vực này sẽ tăng dần, trưa và chiều trời nắng, nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 26-28 độ C. Hình thái thời tiết nắng ấm về trưa và chiều, lạnh về đêm và sáng sớm này dự báo sẽ duy trì đến hết tuần tới. Dự báo, trong dịp Noel, miền Bắc mới tiếp tục có một đợt không khí lạnh tăng cường nhẹ. 

- Thời tiết mùa đông năm nay tại miền Bắc khá bất thường, tháng 12 mà ghi nhận nhiệt độ cao nhất có ngày lên tới 29-30 độ C?

- Số liệu thống kê cho thấy, nhiệt độ trung bình nửa đầu tháng 12 năm nay ở Hà Nội cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Trạm khí tượng ở Láng (Hà Nội) ghi nhận, nhiệt độ trung bình nửa đầu tháng 12 lên tới 22,4 độ C. Trạm khí tượng ở Hà Đông cũng cho thấy xu thế tương tự. Trong khi nhiệt độ cùng kỳ 10 năm trở lại đây ở mức 18,5 độ C. Như vậy, nhiệt độ trung bình nửa đầu tháng 12 năm nay cao hơn nhiệt độ trung bình cùng kỳ khoảng 4 độ C. Xu hướng cả tháng 12 cũng tương tự. Đây là một mức tăng nhiệt đáng kể và tác động không nhỏ tới sự phát triển cây trồng, sinh trưởng của vật nuôi cũng như sức khỏe con người.

- Nguyên nhân nào dẫn tới hiện tượng này, thưa ông?

- Trong nửa đầu tháng 12 vẫn ghi nhận những đợt không khí lạnh tràn xuống Bắc bộ nước ta. Tuy nhiên, các đợt không khí lạnh này có cường độ chưa đủ mạnh để làm nền nhiệt giảm sâu. Thông thường một đợt không khí lạnh mạnh tràn về trong 24 giờ đầu tiên có thể làm nền nhiệt ở Hà Nội và các tỉnh Bắc bộ giảm tới 10-12 độ C. Xét trên quy mô toàn cầu, sự gia tăng nhiệt độ ở Việt Nam đồng pha với thế giới. Trung bình nhiệt độ toàn cầu đã gia tăng, Việt Nam cũng không nằm ngoài đặc điểm đó.

- Hiện nay, các tỉnh Nam Trung bộ đang đối diện lũ chồng lũ, so với nhiều năm thì có gì bất thường?

- Mưa lũ miền Trung năm nay được đánh giá là diễn ra diện rộng và kéo dài, với lượng mưa cao hơn nhiều so với năm ngoái, do dải thấp nhiệt đới hoạt động mạnh. Mưa lớn và lũ liên tiếp 3 tháng cuối năm 2016 khiến miền Trung gánh thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đỉnh điểm là tháng 10, lượng mưa có nơi hơn 900mm - kỷ lục chưa từng được ghi nhận, cùng với đó là lũ dâng gây ngập lụt khắp các tỉnh Bắc Trung bộ. Hiện tượng thiên tai này kéo dài đến cuối tháng 12, thời điểm vốn rất ít xuất hiện mưa lũ, với tổng lượng mưa vài ngày vừa qua lên tới 500-700mm. 

Trong 3-4 năm gần đây, chúng tôi chưa ghi nhận lượng mưa lớn như năm 2016. Lượng mưa ở Trung bộ năm nay phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-40%, cá biệt có nơi cao hơn 40-90% như Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

- Mưa nhiều và muộn tại các tỉnh miền Trung năm nay là do đâu, thưa ông?

- Cơ chế thời tiết, khí hậu năm nay có điểm khác biệt là sự gia tăng hoạt động của các trung tâm nhiễu động - rãnh thấp xích đạo trên vùng biển Nam Biển Đông. Thường vào các tháng 11 và 12, vùng trung tâm nhiễu động gây mưa đã bắt đầu chuyển hướng tới đảo Borneo của Malaysia, nhưng năm nay dải thấp xích đạo vẫn hoạt động mạnh trên khu vực phía Nam Biển Đông, khiến mưa lũ vẫn xảy ra ở các tỉnh miền Trung.

Theo đó, từ nay đến hết 18-12, khu vực Quảng Trị - Khánh Hòa tiếp tục mưa lớn trên 200mm, riêng Thừa Thiên Huế - Bình Định khoảng 300-400mm/đợt. Đây có thể là đợt mưa lũ cuối cùng ở Trung và Nam Trung bộ năm nay. Từ ngày 18-12, không khí lạnh suy yếu, mưa có thể quay lại nhưng mức độ không lớn như những đợt vừa qua.