“Thần y” vẫn... lộng hành

ANTĐ - Báo An ninh Thủ đô số ra ngày 18-11 có đăng bài “Giáp mặt thần y chữa bệnh bằng sờ và… hát”, trong đó phản ánh về việc bà Phan Thị Tranh trú tại thôn Viên Du, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc chữa đủ thứ bệnh chỉ bằng “liệu pháp” nghe hát và truyền “tần sóng”... bằng tay. Mặc dù cách chữa bệnh kỳ quái này chưa hề được bất cứ cơ quan nào công nhận và bà Tranh cũng chưa hề được cấp phép khám chữa bệnh, thế nhưng không hiểu sao, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Tam Dương vẫn cứ làm ngơ…

Mặc dù đã hết giờ “chữa bệnh” nhưng bệnh nhân vẫn ùn ùn kéo tới 
(Ảnh chụp lúc 13h30 ngày 21-11-2013)

“Cò mồi” tự phát

Gần một tuần kể từ khi Báo An ninh Thủ đô đăng tải bài viết, những tưởng cách điều trị “kỳ quái” này sẽ được chính quyền ra tay dẹp bỏ nhưng, bãi đất trống đầu thôn Viên Du vẫn chật kín xe ô tô các tỉnh tìm về, xe máy vẫn ngược xuôi mọi nẻo đường làng để đưa đón bệnh nhân. Dạo một vòng quanh làng, có thể thấy rõ trong thôn đã xuất hiện một nhóm người ra sức tuyên truyền, thêu dệt cho thêm phần huyền bí về khả năng của cô. Những người này thường có hàng quán kinh doanh cho khách thập phương về đây gặp cô Tranh chữa bệnh. Họ là những người nông dân mà nhờ cô Tranh nay bỗng dưng có thêm khoản thu nhập béo bở nhờ cho người bệnh thuê trọ, trông xe, bán quà bánh hay đội ngũ “xe ôm” chuyên đưa đón bệnh nhân. Theo họ thì khả năng chữa bệnh của cô Tranh đã lên đến mức “thượng thừa”, thậm chí không chỉ chữa bệnh cho người mà cô Tranh còn có khả năng chữa bệnh cho cả… loài vật. Chúng tôi ghé vào một quán bán tạp hóa thì thấy ngay giữa nhà bà chủ treo một bức ảnh của cô Tranh to đoành và ra sức giới thiệu: “Cô Tranh chữa bệnh giỏi nhất thôn tôi. Ngay như đàn lợn, đàn gà nhà tôi bị dịch bệnh, cô ấy chỉ cần đến ném cho chúng vài nắm lá đã được truyền “tần sóng” là y như rằng bệnh gì cũng khỏi. Các anh bảo, lợn gà chả biết nói, chả biết khai bệnh mà cô ấy còn chữa được thì chữa cho người chỉ là chuyện vặt”.

“Siêu nhân” hay thần bịp?

Theo lời gợi ý “tế nhị”, chúng tôi tìm tới Trạm y tế xã Thanh Vân. Nghe tin có nhà báo đến tìm hiểu thực hư khả năng chữa bệnh của cô Tranh, các nhân viên y tế ở đây cười ồ. Ông Vũ Đình Ngọc - Trạm trưởng trạm y tế bảo: “Việc bà Tranh có chữa được bệnh hay không thì tôi không bình luận. Thế nhưng tôi chỉ thắc mắc là, nếu như bà ấy thực sự tài giỏi như thiên hạ vẫn đồn thổi thì người thân của bà ấy đã không phải cậy nhờ đến nhân viên y tế chúng tôi”.

Hóa ra, trong khi bà Tranh đang được coi như “siêu nhân” nhờ khả năng chữa đủ thứ bệnh nan y cho thiên hạ từ vôi hóa cột sống, vô sinh, thoát vị đĩa đệm… cho tới ung thư, đau gan, mật, thận, tụy… hay cả những bệnh bẩm sinh như thiểu năng, tự kỷ, cận thị… thì con, cháu hay cả bố mẹ của bà vẫn phải ra trạm xá nhờ tiêm và khám như thường. Phóng viên An ninh Thủ đô đã đề nghị các nhân viên trạm xá xã cung cấp lại toàn bộ hồ sơ khám chữa bệnh còn lưu tại đây và thấy ghi rõ: Ngày 26-3-2012, ông Phan Lạc Th (bố đẻ bà Tranh) đã phải ra trạm xá khám và điều trị chứng đau thần kinh vai, gáy.

Sau khi được tiêm và cho thuốc, ông Th đã đỡ. Ngày 23-12-2011 bé Phan Lạc L (cháu ruột bà Tranh, lúc đó mới được 2 tháng tuổi) đã phải ra trạm xá để điều trị bệnh ho, họng đỏ, sốt cao. Tiếp đến ngày 12-3-2013 cũng bé Phan Lạc L đã phải ra trạm xá để nhân viên y tế điều trị chứng viêm họng và cảm cúm. Sau đó bé L còn điều trị tại trạm xá xã thêm nhiều lần khác nữa. Ngày 31-10-2013 bà Đỗ Thị Nhân (mẹ bà Tranh) cũng sốt bởi chứng cảm cúm và viêm họng, sau khi được khám và cho thuốc uống tại trạm xá, bà Nh đã khỏi bệnh. Thậm chí ngay cả con đẻ bà Tranh là anh Phan Lạc Q cũng đã phải cạy nhờ đến các nhân viên y tế của xã vào ngày 28-1-2012 do bị chấn thương vì tai nạn. Tại trạm xá, các nhân viên y tế đã giúp đỡ anh Q băng bó và điều trị vết thương.

Cũng theo một nhân viên y tế tại đây cho biết thì bà Tranh còn có một đứa cháu ruột bị bệnh tim thường xuyên ra trạm xá nhờ khám. Cách đây ít lâu cháu bé này đã được đưa xuống Hà Nội để mổ vì bệnh tiến triển xấu. Vị cán bộ này khẳng định: “Chính chúng tôi đã viết giấy giới thiệu cho cháu chuyển viện để đi điều trị. Nếu bà Tranh giỏi như thế thì sao không điều trị cho chính người thân của mình đi mà phải cậy nhờ đến y học hiện đại làm gì?”.

Án binh bất động?

Trước tình hình hàng trăm người bệnh vẫn đổ về hy vọng bà Tranh truyền “tần sóng” chữa bệnh, phóng viên An ninh Thủ đô đã tìm tới UBND huyện Tam Dương, tuy nhiên chúng tôi vấp phải khá nhiều khó khăn. Trong lần tiếp phóng viên vào chiều 21-11, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chánh văn phòng UBND huyện Tam Dương cho biết: “Về vấn đề của bà Tranh huyện cũng nắm được từ lâu, nhưng hiện nay xử lý thế nào thì chỉ có Chủ tịch UBND huyện mới có thẩm quyền trả lời”. Khi phóng viên đề nghị được xếp lịch làm việc với Chủ tịch huyện hoặc Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn, ông Sơn từ chối vì tất cả lãnh đạo đều đang đi họp và việc xếp lịch là không thể. “Mặc dù các anh có giấy giới thiệu, thẻ nhà báo, nhưng nếu muốn hỏi cụ thể về vấn đề gì thì đề nghị các anh phải về làm văn bản và gửi xuống đây. Lúc đó chúng tôi sẽ có văn bản trả lời” – ông Sơn khẳng định. 

Trước cách làm việc có phần “lạ lùng” này, phóng viên đề nghị được làm việc với Phòng y tế huyện, ông Sơn cho biết: “Thẩm quyền của tôi cũng chỉ ngang Trưởng phòng y tế, vì thế tôi không thể yêu cầu họ làm việc với các anh được”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Toàn – Trưởng phòng y tế huyện Tam Dương thì khăng khăng: “Chưa có ý kiến của cấp trên, chúng tôi không thể cung cấp gì cho báo chí được”. Tuy nhiên, ông Toàn cũng để ngỏ một thông tin, rằng mặc dù việc chữa bệnh của bà Tranh là không phép nhưng rất khó xử lý vì bà ấy không thu tiền mà ai đưa là tùy tâm.

Không làm việc được với UBND huyện, phóng viên An ninh Thủ đô đã liên lạc với ông Lê Văn Chân – Chánh thanh tra sở y tế tỉnh Vĩnh Phúc. Cũng giống như UBND huyện Tam Dương, ông Chân cho biết là vì “quá bận” nên không thể tiếp phóng viên để trao đổi về vấn đề của bà Tranh. Khi phóng viên đề nghị xếp lịch để làm việc lần khác, ông Chân cũng chỉ ậm ừ: “Khi nào thu xếp được chúng tôi sẽ liên lạc lại”.

Có thể thấy rõ cách “chữa bệnh” của cô Tranh hiện nay thực sự “có vấn đề”. Và mỗi người chỉ cần tùy tâm vài chục nghìn đồng để mang về một bịch thuốc đã được “truyền tần sóng” thì mỗi ngày cô Tranh cũng bỏ túi cả hàng chục triệu đồng. Và trong khi Thanh tra Sở y tế Vĩnh Phúc còn đang bận đi công tác, lãnh đạo UBND huyện Tam Dương còn đang bận họp thì cô Tranh vẫn đều đặn hát mỗi ngày để… kiếm tiền của những bệnh nhân khốn khổ.