Thái Lan và Campuchia mong muốn sớm đạt thỏa thuận ngừng bắn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các vận động ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột giữa Thái Lan và Campuchia đã đem lại kết quả khi lãnh đạo cả hai nước đều thể hiện mong muốn sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Người Campuchia xếp hàng hồi hương từ Thái Lan

Người Campuchia xếp hàng hồi hương từ Thái Lan

Tổng thống Mỹ điện đàm với lãnh đạo Thái Lan và Campuchia

Ngày 26-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với lãnh đạo của cả Thái Lan và Campuchia, trong đó hai bên đều thể hiện mong muốn thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn. Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Donald Trump cho biết đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Hun Manet và đã thông báo cho nhà lãnh đạo Campuchia về kết quả cuộc điện đàm trước đó giữa ông và quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai. Ông Donald Trump viết: “Cả hai bên đều mong muốn sớm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và lập lại hòa bình”.

Sau đó, lãnh đạo của Campuchia và Thái Lan đều xác nhận đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm trao đổi về khả năng thiết lập một thỏa thuận chấm dứt giao tranh và thúc đẩy giải pháp hòa bình. Trong bài đăng trên mạng xã hội Facebook vào khoảng gần 2h sáng 27-7, Thủ tướng Campuchia Hun Manet cho biết, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump, ông đã nêu rõ Campuchia đồng ý với đề xuất ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện giữa hai quân đội.

Về phía Thái Lan, ngày 27-7, quyền Thủ tướng Phumtham Wechayachai đã xác nhận về kết quả cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ, trong đó cho biết Thái Lan nhất trí trên nguyên tắc về việc thiết lập lệnh ngừng bắn với Campuchia. Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, quyền Thủ tướng Phumtham nhấn mạnh: “Thái Lan mong muốn thấy được thiện chí chân thành từ phía Campuchia”, đồng thời đề nghị ông Donald Trump “chuyển lời tới phía Campuchia rằng Thái Lan mong muốn tổ chức một cuộc đối thoại song phương càng sớm càng tốt để đưa ra các biện pháp và quy trình ngừng bắn, cũng như giải quyết xung đột một cách hòa bình”.

Trước đó, phát biểu sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong ngày 25-7, cả Thái Lan và Campuchia đều phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán. Đại sứ Campuchia tại Liên hợp quốc Chhea Keo tuyên bố nước này muốn đạt được “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức” với Thái Lan, sau khi các cuộc không kích và đấu pháo gây thương vong giữa hai nước diễn ra trong 2 ngày liên tiếp. Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura cho biết, đến chiều 25-7 (giờ địa phương), tình hình đã bắt đầu hạ nhiệt, đồng thời tuyên bố Thái Lan sẵn sàng đàm phán nếu Campuchia muốn giải quyết vấn đề này qua kênh ngoại giao song phương hoặc thông qua trung gian là Malaysia.

Ngoài Mỹ, Trung Quốc và Malaysia - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - đã đề nghị làm trung gian cho đối thoại giữa Thái Lan với Campuchia. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Malaysia nhấn mạnh, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, nước này đang theo dõi sát các diễn biến quân sự gây thương vong giữa hai nước láng giềng trong khu vực và kêu gọi hai bên kiềm chế tối đa, tiến hành ngay lập tức các biện pháp nhằm giảm leo thang căng thẳng. Malaysia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp biên giới thông qua đối thoại và ngoại giao trên tinh thần đoàn kết ASEAN và láng giềng tốt đẹp.

Tuyên bố cho biết thêm rằng Thủ tướng Malaysia Dato Seri Anwar Ibrahim đã liên hệ với Thủ tướng Campuchia Hun Manet và quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai. Trong các cuộc điện đàm này, ông Anwar đã kêu gọi hai bên ngừng bắn ngay lập tức nhằm ngăn chặn các hành động thù địch, tạo điều kiện cho đối thoại hòa bình và giải pháp ngoại giao.

Về phía mình, Thủ tướng Campuchia Hun Manet tuyên bố ông ủng hộ đề xuất ngừng bắn do Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đưa ra nhằm chấm dứt căng thẳng biên giới với Thái Lan. Ông Hun Manet nhấn mạnh, chìa khóa để giải quyết cuộc xung đột hiện nay giữa nước này và Thái Lan là Bangkok có thiện chí thực sự chấp thuận ngừng bắn. Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai cũng hoan nghênh đề xuất của Thủ tướng Malaysia làm trung gian hòa giải để tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn với Campuchia.

Tuy nhiên, dù đều tuyên bố rằng sẵn sàng đàm phán ngừng bắn nhằm chấm dứt xung đột nhưng sáng 27-7, Thái Lan và Campuchia vẫn tiếp tục đấu pháo gần hai ngôi đền cổ tranh chấp. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia Maly Socheata cho biết, lực lượng Thái Lan bắt đầu tấn công các khu vực xung quanh đền thờ vào khoảng 4h50. Trong khi đó, Phó phát ngôn viên lục quân Thái Lan Ritcha Suksuwanon nói rằng, quân đội Campuchia bắt đầu nã pháo vào khoảng 4h sáng khi hai bên tìm cách giành quyền kiểm soát các vị trí chiến lược.

Đẩy mạnh các hoạt động cứu trợ người dân

Cùng với các vận động ngoại giao, hoạt động trợ giúp người dân vùng xung đột được cả Thái Lan và Campuchia tích cực thúc đẩy. Bộ Tài chính Thái Lan đã ban hành các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động kinh tế đối với các cộng đồng dọc biên giới Thái Lan - Campuchia bằng cách thực hiện giãn nợ, giảm lãi suất và các biện pháp cho vay lãi suất thấp cho các cá nhân bị ảnh hưởng.

Tổng cục Kiểm toán Thái Lan đã tăng thẩm quyền chi tiêu khẩn cấp cho các tỉnh trưởng dọc biên giới Campuchia lên 100 triệu baht tại 4 tỉnh, cụ thể là Surin, Si Sa Ket, Buri Ram và Ubon Ratchathani, để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan đến biên giới. Các tỉnh trưởng thường được phép chi tiêu không quá 20 triệu baht theo các điều khoản khẩn cấp.

Cục Điều tra Trung ương (CIB) của Cảnh sát Thái Lan đã ra cảnh báo nghiêm khắc rằng bất kỳ ai tấn công người Campuchia đang sinh sống tại Thái Lan sẽ phải đối mặt với các hình phạt pháp lý, đồng thời nhấn mạnh rằng không thể viện cớ yêu nước để thực hiện những hành động bất hợp pháp. Những người bị kết tội tấn công người khác sẽ phải đối mặt với các cáo buộc hình sự theo Bộ luật Hình sự, bị phạt tù và phạt tiền. Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Thái Lan và Campuchia, sau các báo cáo về các vụ tấn công nhằm vào công dân Campuchia đang sinh sống tại Thái Lan.

Về phía Campuchia, Cơ quan Hàng không Dân dụng (SSCA) thông báo cấm các chuyến bay qua khu vực giao tranh trên không phận nước này, đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng đến các tỉnh Poipet, Pailin và một nửa tỉnh Siem Reap. Ngoài ra, các máy bay không được phép bay dưới độ cao 1.200 m. Trước đó một ngày, SSCA ra thông báo yêu cầu mọi máy bay di chuyển qua không phận nước này ở độ cao dưới 11.000m phải chuyển hướng nhằm tránh mọi rủi ro. Quy định này có hiệu lực từ ngày 25-7 cho đến khi có thông báo mới.

Cùng ngày 26-7, Campuchia đã đóng cửa 536 điểm trường ở 5 tỉnh do giao tranh ở khu vực biên giới với Thái Lan. Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia cho biết, các trường bị ảnh hưởng thuộc các tỉnh Oddar Meanchey, Banteay Meanchey, Preah Vihear, Koh Kong và Pursat, với khoảng 130.000 học sinh và giáo viên.

Tính đến trưa 26-7, hơn 30.000 công dân và lao động nhập cư Campuchia đã trở về từ Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Doung, tỉnh Battambang, Campuchia. Làn sóng trở về ồ ạt này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa Campuchia và Thái Lan leo thang, gây lo ngại và bất an trong cộng đồng người Campuchia sinh sống và làm việc bên kia biên giới. Giới chức tỉnh Battambang cùng với các lực lượng an ninh liên quan đang làm việc để kiểm soát dòng người trở về, phối hợp đăng ký thông tin, hỗ trợ khẩn cấp và tổ chức hành trình tiếp theo cho những người quay về quê nhà.