- Trợ lý cấp cao của Thủ tướng Israel bị bắt giữ liên quan đến rò rỉ tài liệu mật
- Động cơ dẫn đến vụ rò rỉ tài liệu tuyệt mật của Mỹ
Thông tin chi tiết về vụ rò rỉ dữ liệu do một binh sĩ Anh vô tình thực hiện và chương trình tái định cư bí mật dành cho người Afghanistan đã được công khai sau khi một lệnh hiếm hoi của tòa án được gọi là “siêu lệnh cấm” đã được dỡ bỏ vào ngày 15-7.
![]() |
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey điều trần trước Quốc hội về vụ rò rỉ tài liệu mật liên quan đến những người Afghanistan phục vụ cho quân đội Anh |
Vụ rò rỉ dữ liệu xảy ra như thế nào?
Phát biểu trước các nghị sĩ tại Hạ viện hôm 15-7, Bộ trưởng John Healey cho biết, một danh sách thông tin cá nhân của khoảng 18.700 người Afghanistan và thân nhân của họ (tổng cộng khoảng 33.000 người) đã bị chuyển nhầm qua email vào tháng 2-2022. Đây là những người đã nộp đơn xin tái định cư ở Anh từ tháng 8-2021 đến tháng 1-2022. Đó cũng là khoảng thời gian sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan, còn Mỹ cùng các đồng minh đã rút khỏi quốc gia này. Hầu hết những người trong danh sách đã làm việc cho quân đội Anh tại Afghanistan ở các vị trí như phiên dịch viên, trợ lý hoặc các chức vụ khác. Họ nộp đơn đăng ký Chương trình hỗ trợ và tái định cư Afghanistan (ARAP), giống như chương trình tiền nhiệm có tên Ex-Gratia (EGS).
EGS được thành lập vào năm 2013 nhờ chiến dịch của các nhà hoạt động xã hội nhằm hỗ trợ những người có khả năng phải đối mặt với sự trả thù từ Taliban. Theo đó, nhân vật trung tâm của vụ rò rỉ này là một binh sĩ Anh được giao nhiệm vụ xác minh các đơn xin tái định cư. Binh sĩ này bị nhầm lẫn khi cho rằng cơ sở dữ liệu chứa tên của 150 người nộp đơn, trong khi thực tế nó chứa thông tin cá nhân liên quan đến khoảng 18.714 người. Anh ta nằm dưới quyền chỉ huy của Tướng Sir Gwyn Jenkins, thời điểm tháng 2-2022 là chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Anh và hiện là người đứng đầu Hải quân Anh.
Bộ Quốc phòng Anh (MoD) biết về vụ rò rỉ thông tin khi một người khác đăng một phần dữ liệu lên Facebook vào ngày 14-8-2023. Một nhà hoạt động hỗ trợ những người Afghanistan từng làm việc với quân đội Anh tình cờ thấy tài liệu này liền liên hệ với MoD. Tờ The Guardian cho biết, người này nói rằng: “Taliban có thể có bản danh sách về 33.000 người Afghanistan cần phải tiêu diệt do Chính phủ Anh cung cấp. Nếu bất kỳ gia đình nào trong số này bị sát hại, chính phủ sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Phản ứng của Chính phủ Anh
Bộ Quốc phòng Anh đã yêu cầu Facebook gỡ bài đăng chứa thông tin bị rò rỉ, viện dẫn các mối đe dọa an ninh từ Taliban. Bộ này cũng cảnh báo khoảng 1.800 người nộp đơn đăng ký ARAP đã chạy trốn sang Pakistan rằng, họ hoặc gia đình họ có thể gặp nguy hiểm. Về phần mình, Chính phủ Anh (khi đó do cựu Thủ tướng đảng Bảo thủ Rishi Sunak đứng đầu) đã xin lệnh của tòa án để cấm giới truyền thông tiết lộ về vụ rò rỉ dữ liệu. Ngày 1-9-2023, Tòa án Tối cao tại London đã ban hành “siêu lệnh cấm”, không chỉ cấm tiết lộ bất kỳ chi tiết nào mà còn cấm tiết lộ cả sự tồn tại của chính lệnh cấm. Tuy nhiên, “siêu lệnh cấm” đó đã được dỡ bỏ sau một chiến dịch truyền thông do tờ The Times (London) dẫn đầu.
London đã phát động “Chiến dịch Rubific” để sơ tán những người Afghanistan có nguy cơ bị Taliban thanh trừng và đưa đến Vương quốc Anh định cư. Vậy con số cụ thể là bao nhiêu người? Do hậu quả trực tiếp của vụ rò rỉ, ngay lập tức có khoảng 900 người Afghanistan (cùng 3.600 thân nhân của họ) đã được đưa bằng máy bay đến Vương quốc Anh và được bố trí ở trong các khách sạn hoặc căn cứ quân sự. Theo các báo cáo của giới truyền thông, các lần tiếp theo có thêm khoảng 24.000 người. Thông qua các chương trình tái định cư rộng rãi hơn, đến nay đã có 35.245 người Afghanistan được tái định cư.
![]() |
Do hậu quả trực tiếp của vụ rò rỉ dữ liệu, khoảng 900 người Afghanistan cùng 3.600 thân nhân đã được đưa đến Anh theo kế hoạch tái định cư bí mật |
Lý do “siêu lệnh cấm” bị dỡ bỏ
Vậy tại sao thông tin thuộc diện “siêu lệnh cấm” đến nay lại được tiết lộ? Sau một số phiên điều trần kín, vào tháng 5-2025, một thẩm phán Tòa án Tối cao đã ra phán quyết, lệnh này nên được dỡ bỏ. Một trong những nguyên nhân là công chúng và quốc hội không thể giám sát các quyết định của chính phủ. Tờ The Times cho hay, họ đã dẫn đầu cuộc chiến pháp lý kéo dài 2 năm dẫn đến việc lệnh cấm được dỡ bỏ.
Ông John Healey, một thành viên thuộc Đảng Lao động cầm quyền của Thủ tướng Keir Starmer cho biết, ông đã được thông báo về vụ rò rỉ khi đang giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, các thành viên nội các khác chỉ được thông báo về vụ rò rỉ khi đảng của ông Keir Starmer đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7-2024. “Là nghị sĩ và là Bộ trưởng Quốc phòng, tôi cảm thấy rất khó chịu khi bị hạn chế báo cáo trước Hạ viện. Và hôm nay tôi rất cảm kích khi có thể tiết lộ chi tiết cho Quốc hội” - ông John Healey phát biểu hôm 15-7.
Ông John Healey cũng cho biết, đầu năm nay, ông đã ủy quyền cho cựu Phó Tổng cục trưởng Tình báo Quốc phòng Paul Rimmer tiến hành một cuộc đánh giá độc lập. Trích dẫn “cuộc đánh giá của Paul Rimmer”, ông Healey cho biết, sau 4 năm kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan, “có rất ít bằng chứng cho thấy Taliban có ý định thực hiện chiến dịch trả thù”. Ông nói thêm, thông tin mà Taliban có được từ Chính phủ Afghanistan trước đây đã cho phép họ nhắm mục tiêu vào các cá nhân nếu họ muốn. Nhưng “rất khó có khả năng” thông tin của ai đó nằm trong bản danh sách bị rò rỉ sẽ thúc đẩy Taliban hành động. Dù vậy, bản đánh giá của ông Paul Rimmer không loại trừ bất kỳ rủi ro nào.
Hiện truyền thông Anh vẫn bị cấm công bố các chi tiết nhạy cảm về những gì có trong cơ sở dữ liệu liên quan đến vụ việc trên vì lý do bảo mật và an ninh quốc gia. Đồng thời bản danh sách bị rò rỉ vẫn có thể đe dọa đến sự an toàn của nhiều người Afghanistan. Chính phủ Anh khuyến cáo những người đã nộp đơn tham gia chương trình ARAP hoặc EGS trước ngày 7-1-2022 nên thận trọng, tránh các cuộc điện thoại hoặc tin nhắn từ số lạ, hạn chế cung cấp hồ sơ trên mạng xã hội và nên sử dụng mạng riêng ảo (VPN).
Theo tiết lộ của Bộ trưởng Quốc phòng Anh, việc đưa 900 người Afghanistan ban đầu và 3.600 thân nhân của họ đến Anh theo chương trình ARAP tiêu tốn khoảng 400 triệu bảng Anh. Con số này chưa tính đến chi phí của các chương trình khác nhằm tái định cư người Afghanistan tại Anh. Ông Healey ước tính tổng chi phí tái định cư người Afghanistan đến Anh là từ 5,5 - 6 tỷ bảng Anh (7,4 - 8 tỷ USD).
“Các Bộ trưởng trong chính phủ đã quyết định không thông báo cho các nghị sĩ sớm hơn về vụ rò rỉ vì việc công khai thông tin rộng rãi sẽ làm tăng nguy cơ Taliban có được dữ liệu đó. Tuy nhiên, hạn chế báo cáo với Hạ viện là điều tôi cảm thấy rất khó chịu vì thiếu minh bạch. Đồng thời, việc sơ tán bí mật sẽ dừng lại sau khi lệnh cấm “chưa từng có tiền lệ” được tòa án dỡ bỏ”.