Đụng độ tiếp tục leo thang
Trang tin FRESH News đưa tin đến 6h sáng 25-7, quân đội Campuchia và Thái Lan vẫn tiếp tục pháo kích lẫn nhau trong ngày thứ hai của cuộc xung đột biên giới giữa hai nước. Hoạt động pháo kích diễn ra vào lúc rạng sáng ở khu vực đền Preah Vihear, Phnom Khmoch và Ta Krabei. Về phía Campuchia, quân đội nước này vẫn kiểm soát, giữ vững các vị trí chiến đấu ở đền Ta Moan Thom, đền Ta Krabei và khu vực Mom Bei.
![]() |
Một khu vực ở Thái Lan bị trúng đạn pháo hôm 24-7 |
Trước đó, ngày 24-7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Maly Socheata cho biết, quân đội Thái Lan đã sử dụng vũ khí hạng nặng và máy bay chiến đấu F-16 tấn công vào 8 địa điểm, bao gồm đền Ta Moan Thom, đền Ta Krabei, Phnom Troap, Veal Intry, Ta Thav, Phnom Khmoch, O’ Phka Sne và Mom Bei. Theo trang Defence Blog, Thái Lan đã triển khai một trong 49 xe tăng T-84 Oplot mà nước này mua từ Ukraine vào năm 2011 đến khu vực xung đột, làm dấy lên lo ngại về khả năng đụng độ tiếp tục leo thang.
Hiện cả Thái Lan và Campuchia đều đổ lỗi cho nhau về vụ đụng độ vào sáng 24-7 tại khu vực biên giới tranh chấp. Cuộc đụng độ nhanh chóng leo thang từ giao tranh vũ khí nhỏ thành pháo kích dữ dội tại ít nhất 6 địa điểm cách nhau 209km dọc theo biên giới tranh chấp giữa hai bên suốt hơn một thế kỷ qua. Các nguồn tin địa phương cho biết, hai bên đã liên tục trao đổi hỏa lực. Trong khi Campuchia sử dụng hệ thống pháo phản lực loạt “Grad” tấn công vào các mục tiêu của Thái Lan, thì Thái Lan đáp trả bằng việc tiến hành không kích vào các vị trí của lực lượng vũ trang Campuchia.
Trong khi đó, trang tin Cambodianess ngày 25-7 dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Maly Socheata cáo buộc quân đội Thái Lan sử dụng bom chùm, đồng thời yêu cầu Bangkok ngay lập tức ngừng sử dụng loại vũ khí này. Bà Socheata cho biết, quân đội Thái Lan đã nhiều lần sử dụng bom chùm nhằm vào các binh sĩ Campuchia tại khu vực Phnom Kmoch và Techo Thamacheat ở tỉnh Preah Vihear. Quân đội Thái Lan thì lên án việc Campuchia sử dụng vũ khí tầm xa nhằm vào các khu vực dân cư đồng thời cáo buộc Campuchia thực hiện “các hành động man rợ” khi cướp đoạt mạng sống cũng như khiến nhiều dân thường vô tội bị thương.
Trước tình hình căng thẳng leo thang nghiêm trọng, chính quyền 4 tỉnh biên giới của Thái Lan đã ra lệnh sơ tán khẩn cấp khoảng 100.000 cư dân dọc biên giới với Campuchia đến nơi an toàn. Phó phát ngôn viên Bộ Y tế công cộng Thái Lan cho biết, tính đến 21h tối 24-7, số người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ quân sự gần biên giới Thái Lan - Campuchia là 14 người và 46 trường hợp bị thương. Trong khi đó, quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai nói rằng, các hành động xung đột giữa hai bên cần chấm dứt trước khi có thể tiến hành đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Việt Nam kêu gọi kiềm chế, giải quyết hòa bình bất đồng
Trong diễn biến liên quan, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp về các cuộc đụng độ biên giới giữa Campuchia và Thái Lan. Cuộc họp được tiến hành theo yêu cầu của Thủ tướng Campuchia Hun Manet và đã diễn ra dưới hình thức họp kín vào lúc 15h chiều theo giờ địa phương (2h sáng 26-7 theo giờ Việt Nam). Trước đó, ngày 24-7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Thái Lan và Campuchia thể hiện kiềm chế tối đa trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai nước láng giềng ở khu vực Đông Nam Á. Người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi hai bên giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại trên tinh thần láng giềng hữu nghị nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài cho vấn đề tranh chấp.
Cũng trong ngày 24-7, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia đã nhóm họp với Đại sứ các nước tại Thủ đô Phnom Penh để thông tin về tình hình xung đột với Thái Lan dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Prak Sokhonn. Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Minh Vũ đã tham dự cuộc họp. Ông Pen Bona, người phát ngôn Chính phủ Hoàng gia Campuchia, đã nhắc lại tình hình căng thẳng biên giới gần đây giữa Campuchia và Thái Lan, bắt đầu từ vụ nổ súng ngày 28-5 ở khu vực biên giới. Theo ông Pen Bona, Campuchia mong muốn hòa bình và giải pháp quân sự chỉ là lựa chọn cuối cùng. Ông cũng khẳng định Campuchia sẽ tiếp tục theo đuổi trong việc đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đối với một số khu vực tranh chấp.
Trước tình hình căng thẳng tại khu vực biên giới Thái Lan và Campuchia, nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ lo ngại. Ngày 24-7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Campuchia và Thái Lan, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Việt Nam bày tỏ lo ngại về những diễn biến căng thẳng hiện nay tại khu vực biên giới giữa Thái Lan và Campuchia. Thái Lan và Campuchia là láng giềng của nhau và của Việt Nam cũng như cùng là thành viên ASEAN. Điều quan trọng nhất hiện nay là hai bên hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực, không để căng thẳng leo thang, giải quyết hòa bình và thỏa đáng các bất đồng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết ASEAN, vì lợi ích lâu dài của cả hai bên và của khu vực”.
Hai nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Malaysia và Lào cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời kêu gọi hai bên hướng tới giải quyết hòa bình các vấn đề mới nảy sinh thông qua đối thoại. Với vai trò là Chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã kêu gọi Thái Lan và Campuchia “hạ nhiệt” tình hình. Phát biểu với báo giới tại Kuala Lumpur, Thủ tướng Anwar Ibrahim bày tỏ hy vọng hai bên có thể tiến tới đàm phán, đồng thời khẳng định: “Giải pháp duy nhất lúc này là hòa bình”. Nhà lãnh đạo Malaysia cũng nói rõ ông đã gửi thông điệp tới cả Thủ tướng Campuchia và quyền Thủ tướng Thái Lan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lào tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng dọc biên giới Campuchia - Thái Lan. Khi khẳng định Lào là quốc gia hàng xóm láng giềng có chung đường biên giới và quan hệ tốt đẹp với cả Campuchia và Thái Lan, người phát ngôn này nói rằng, Lào khuyến nghị cả hai bên nên kiềm chế và giải quyết các vấn đề mới phát sinh một cách hòa bình.
Một thành viên khác của ASEAN là Philippines cũng kêu gọi Campuchia và Thái Lan duy trì liên lạc cởi mở và giảm leo thang căng thẳng dọc khu vực biên giới, đồng thời thúc giục hai bên cảm thông và quan tâm đối với những thường dân vô tội bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột biên giới hiện nay. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh: “Philippines không đứng về bên nào trong tranh chấp này, nhưng muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các kênh liên lạc cởi mở và giảm căng thẳng”. Bộ Ngoại giao Philippines cũng bày tỏ hy vọng rằng, Thái Lan và Campuchia sẽ giải quyết xung đột theo luật pháp quốc tế.
Liên quan đến Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Quách Gia Côn bày tỏ hy vọng Thái Lan và Campuchia có thể giải quyết căng thẳng tại biên giới hai nước thông qua đối thoại và tham vấn. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tommy Pigott tuyên bố Washington “kêu gọi chấm dứt ngay các hành động thù địch, bảo vệ dân thường” và giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Jae Woong bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình và kêu gọi hai bên hạ nhiệt căng thẳng, giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình.
Khuyến cáo công dân Việt Nam về tình hình tại biên giới Thái Lan - Campuchia
Về tình hình biên giới Thái Lan - Campuchia, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam) khuyến cáo: Công dân Việt Nam ở địa bàn cần theo dõi, tuân thủ nghiêm các quy định và hướng dẫn của chính quyền sở tại trong đó có việc không nên đến các khu vực đang diễn biến an ninh phức tạp; Giữ liên hệ với các Cơ quan đại diện Việt Nam tại sở tại.
Trong trường hợp cần sự hỗ trợ và cần biết các thông tin về bảo hộ công dân, công dân có thể liên hệ theo đường dây nóng bảo hộ công dân: Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan (Điện thoại: +66898966653; Email: vnemb.th@mofa.gov.vn và consular.section.bkk@gmail.com); Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Khon Kaen, Thái Lan (Điện thoại: +66935367869; Email: konkaen.th@mofa.gov.vn); Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia (Điện thoại: +855977492430, +855316199999; email: ttcpc@mofa.gov.vn; consularcpc@gmail.com). Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang, Campuchia (Điện thoại: +855979439888; email: tlsq.battambang@gmail.com); Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville, Campuchia (Điện thoại: +855.979.732255; email: tlsqsiha@gmail.com).
Tạ Toàn