Thái độ nửa vời

ANTĐ - NATO nhất trí sẽ không “bỏ rơi” Afghanistan trong vòng ít nhất 10 năm nữa. Tuyên bố này lại được phát đi từ Hội nghị Thượng đỉnh NATO vừa diễn ra tại Chicago, Mỹ. Ấy thế nhưng giữ lời hứa thì lại chẳng dễ chút nào.

Có thể khẳng định Afghanistan chính là chủ đề quan trọng nhất và gây đau đầu nhất với các nguyên thủ 28 nước thành viên NATO tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Chicago. Cũng dễ hiểu bởi cuộc chiến Afghanistan kéo dài đã hơn một thập kỷ nên muốn hay không muốn thì cuối cùng Mỹ và NATO cũng phải tính đến chuyện rút chân. Hơn thế nữa, từ lâu Afghanistan đã không còn là nơi để khuếch trương sức mạnh, mà thực sự là “vũng lầy” đầy ám ảnh với Mỹ và NATO.

Nhưng tình thế Afghanistan hiện nay đâu có dễ cho liên quân. Sự tái hiện của Taliban với hàng loạt các cuộc tấn công đã đến mức đe dọa tương lai của chính quyền Afghanistan hiện nay. Có thể nói không một nơi nào ở Afghanistan được coi là an toàn tuyệt đối. Mới hôm 13-5 vừa rồi, ông A. Rahmani, thành viên cấp cao của Hội đồng Hòa bình Tối cao (HPC) Afghanistan đồng thời là cố vấn thân cận của Tổng thống H. Karzai, đã bị một nhóm vũ trang không rõ danh tính sát hại ngay giữa Thủ đô Kabul.

Trong bối cảnh đó, rút chân thế nào để không bị người ngoài chê cười là rút chạy, không bị mang tiếng là bỏ mặc đồng minh là câu hỏi làm Mỹ và liên quân đau đầu. Chính vì thế mới nảy sinh tình trạng mập mờ trong thái độ của NATO, thể hiện rất rõ trong Hội nghị Thượng đỉnh Chicago lần này. Trong khi khẳng định kế hoạch của NATO là sẽ rút hết 130.000 binh sỹ chiến đấu ra khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014, liên minh quân sự này cam kết sẽ tiếp tục duy trì quan hệ đối tác dài hạn đối với chính quyền Afghanistan, ít nhất là 10 năm nữa.

Sự nửa vời này ngay lập tức làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Trước hết, một nguyên tắc được các nước NATO cam kết là “Cùng nhau đổ quân và cùng nhau rút quân”, nhưng tại thời điểm hiện nay nguyên tắc này lại trở thành một vấn đề rắc rối, khi mà tân Tổng thống Pháp F. Hollande, một nguyên thủ thành viên chủ chốt trong NATO khẳng định trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ rút hết binh sỹ Pháp ra khỏi Afghanistan vào cuối năm nay chứ không phải là năm 2014. 

Một nghịch lý khác là cam kết tài chính cho cuộc chiến ở Afghanistan. Mặc dù thành viên NATO nào cũng lớn tiếng cam kết tiếp tục hỗ trợ nhiều mặt cho Chính phủ và người dân Afghanistan, tuy nhiên khi đề cập đến con số cụ thể thì mọi chuyện dường như không êm thấm như vậy. Trên thực tế, ngoại trừ Mỹ, tất cả các nước thành viên khác của NATO dường như đang làm “tất cả những gì có thể” nhằm giảm thiểu phần đóng góp của mình. 

Sau năm 2014, Afghanistan sẽ cần các nước tài trợ cung cấp 4 tỷ USD mỗi năm để chi trả cho quân đội và cảnh sát. Nhưng đến nay chỉ duy nhất quốc gia nhỏ bé Luxembourg là đưa ra con số đóng góp cụ thể, cho dù con số đó rất khiêm tốn. Đức lo ngại bị “hớ” và không thể hạ thấp được con số đóng góp một khi đã cam kết cụ thể nên Bộ trưởng Quốc phòng Đức Thomas de Maizière chỉ đưa ra một tuyên bố mập mờ, theo đó Berlin sẽ cung cấp một khoản “đóng góp đáng kể”. 

Anh thậm chí còn cẩn trọng hơn khi cam kết sẽ đóng góp 110 triệu USD/năm. Con số này gây sốc cho nhiều người bởi nó quá nhỏ khi Anh là nước có lực lượng binh sĩ nhiều thứ ba tại Afghanistan. Ấy vậy mà nhiều nhà phân tích còn an ủi rằng xét trên một góc độ khác, lời hứa của London vẫn đáng được hoan nghênh vì dẫu sao đó cũng là một con số cụ thể. Với thái độ nửa vời như vậy, không hiểu tương lai Afghanistan sẽ đi đến đâu.