Bê bối tại Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á: (1)

Thả săn sắt, bắt cá voi: Vì sao tội phạm vẫn còn “đất làm ăn”?

ANTĐ - Sau hàng loạt trò lừa huy động vốn đa cấp trên mạng internet như “Colonyinvest”, “Viet-vip”… bị cơ quan công an lật tẩy hồi năm 2007- 2008, những tưởng, kiểu lừa đảo này sẽ hết “đất diễn”. Thế nhưng vụ việc liên quan đến Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á bị CAQ Long Biên và Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CATP Hà Nội khám phá hôm 23-2 vừa rồi, mới thấy rằng, từ nhận thức còn mù mờ của nhiều người dân, tội phạm vẫn còn đất để hoạt động!

Biển hiệu cầu kỳ, khá sang trọng của Công ty Holiday

“Ngợp” vì “hoa hồng”

Thời điểm hiện tại, CQĐT đã ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với ông Lâm Phúc Hùng (53 tuổi), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á (Công ty Holiday) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước thời điểm ông này bị bắt, trên một số trang thông tin điện tử có khá nhiều bài viết, hình ảnh “lăng xê” về “thành quả” của Công ty Holiday cũng như vai trò của ông Hùng cùng nhiều đối tượng khác. Theo thông tin chúng tôi nắm được, vị Tổng Giám đốc này từng “nhảy qua, nhảy lại” một số doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp từng kinh doanh lĩnh vực đa cấp. Trụ sở Công ty Holiday vốn thuê ở tầng 2 tòa nhà Lilama10 (đường Lê Văn Lương kéo dài thuộc xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội); và có lẽ không nhiều hội viên - nhân viên của Công ty Holiday biết rằng, cơ ngơi hoành tráng của ông tổng giám đốc tại chung cư Licogi13 (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), cũng là… đi thuê. Nghe nói, ông Hùng có vài cái nhà, nhưng đã cho thuê, và bản thân vị tổng giám đốc phải đi thuê nhà ở, cho an toàn. Có lẽ đã “tính” được trước điều gì phải đến sẽ đến, nên khi thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp đối với ông Hùng, CQĐT hầu như không thu được tiền mặt.

Công ty Holiday đã kiếm tiền thông qua hình thức kinh doanh vừa du lịch vừa kiếm tiền! Trên mạng internet, công ty này tự giới thiệu thuộc Tập đoàn Diamond Holiday Travel (viết tắt là DHT), có trụ sở chính tại Mỹ, và chi nhánh tại Hồng Kông, Việt Nam. Người dân muốn trở thành hội viên của DHT “chỉ phải” nộp 375USD, và sẽ được đi du lịch nhiều nước trên thế giới với mức giá siêu rẻ và được ở trong những khách sạn sang trọng từ 3 - 5 sao. Khi đóng 375USD, người chơi sẽ được cấp một tài khoản trên mạng internet  để truy cập, theo dõi sự phát triển mạng lưới "du khách" của mình. Ngoài “quyền lợi” được đi du lịch thế giới giá rẻ, Công ty Holiday kích thích sự phát triển của nhân viên bằng cách kêu gọi thêm nhiều thành viên tham gia. Khoản tiền khổng lồ mà Công ty Holiday thu được chính từ chỗ này.

Khi giới thiệu được 8 người mới tham gia DHT, hội viên được tặng danh hiệu “bàn du khách vàng” (bàn vàng), cùng mức thưởng 1.000USD trong “ví điện tử”. Cấp độ cao hơn “bàn vàng” là “bàn đỏ”, “bàn kim cương”… và cuối cùng là danh hiệu “vương miện đại sứ”, mức “khen thưởng” cao nhất mà Công ty Holiday công bố. Đạt “Vương miện đại sứ” nghĩa là hội viên phải thu được hàng trăm nghìn USD của các hội viên khác; và phần thưởng cho danh hiệu này sẽ là ô tô “xịn” hoặc nhà chung cư, biệt thự.

Ôm “tiền ảo, ví giả”

1.000USD, 10.000USD và lớn hơn nữa, đó là những con số hiện hữu trong “ví điện tử” của những hội viên tích cực tham gia Công ty Holiday. Nhưng oái ăm, đó chỉ là tiền… ảo. Những hội viên “bàn vàng”, “bàn đỏ”, “bàn kim cương” nộp tiền về Công ty Holiday là thật, thể hiện qua phiếu thu và dữ liệu cập nhật trên mạng nội bộ của Công ty Holiday. Song khi muốn rút ngoại tệ từ “ví điện tử” ra để tiêu, hội viên lại không thể làm được, vì thực chất trong “ví”… chẳng có gì.

Câu chuyện “tiền ảo, ví giả” âm ỉ trong nội bộ của Công ty Holiday từ đầu năm 2011. Nhiều hội viên gặp các “nhánh trưởng”, “bàn trưởng” để thắc mắc. Trong khi đó có hội viên đã trục lợi từ những chiếc “ví điện tử”. Họ bán “tiền” ảo cho các hội viên mới để thu về tiền thật; còn hội viên mới lại đinh ninh việc có thêm nhiều điểm sẽ nhanh chóng đạt mức “vương miện đại sứ”. Ở giữa, chỉ có bộ sậu chóp bu - thành lập hẳn câu lạc bộ khoảng 10 người, do Tổng Giám đốc Hùng làm chủ nhiệm - là hưởng lợi.

Lẽ dĩ nhiên, bộ sâu Công ty Holiday không dám trắng trợn chỉ “ăn” mà không chịu “nhả”. Trong vô số những “bàn đỏ”, “bàn kim cương”, lãnh đạo Công ty Holiday chọn lấy vài nhân vật, có cả hội viên “xịn”, và có cả… thành viên ban lãnh đạo, thưởng tiền hoặc tổ chức cho đi du lịch những danh thắng trong nước và một số nước trong khu vực Châu Á. Việc đi “tua” này chẳng thông qua cái gọi là hệ thống DHT như những lời quảng cáo, mà do nhân viên của Công ty Holiday đặt chỗ, mua vé. Sau những chuyến đi ấy, nhiều hình ảnh được đăng lên mạng.

Quá trình tìm hiểu hoạt động của Công ty Holiday, chúng tôi đã gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều hội viên của công ty này, trong đó có ông Nguyễn Quang Minh (tên người liên quan đã thay đổi), từng công tác ở một đoàn nghệ thuật tại tỉnh Quảng Ninh. Đầu năm 2011, ông Minh quyết định trở thành hội viên của Công ty Holiday, sau khi được xem các băng hình tuyên truyền hoạt động kinh doanh "du lịch kiếm tiền" của DHT, và chứng kiến mấy người bạn của mình được Công ty Holiday trao thưởng 1.000USD.

Ông Minh đóng kha khá tiền và đạt gần mức “bàn đỏ”, nhưng chờ mãi mà không thấy được trả thưởng. Khi hỏi, những người tham gia trước giải thích ông Minh cần phải… giới thiệu thêm nhiều người khác nữa. Thôi thì tiền thưởng chưa có thì đi du lịch tạm vậy, ông Minh đăng ký khách sạn để được hưởng “ưu đãi dịch vụ khách sạn trên toàn cầu” như những gì Công ty Holiday quảng cáo. Mà nguyện vọng du lịch của ông Minh nào có xa xôi gì, ông đăng ký cho gia đình nghỉ ngay tại các khách sạn ở Quảng Ninh. Thế nhưng sau 1 tháng, ông Minh nhận được thông báo khách sạn đã… hết phòng đến hết mùa đông năm 2011. Cho đến giờ, ông Minh không những không nhận được đồng tiền thưởng nào; mà chuyến du lịch của ông cũng chẳng ai đả động đến…

(Còn nữa)