Tết Nguyên đán 2013: “Cò” làm “nóng” phương tiện di chuyển

ANTĐ - Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Tuy nhiên để có một tấm vé khứ hồi tàu hay máy bay trước và sau Tết đã không còn là điều dễ dàng. Câu chuyện cháy vé, sốt vé như mọi năm lại tái diễn.
Tết Nguyên đán 2013: “Cò” làm “nóng” phương tiện di chuyển ảnh 1

Vé tàu: Sốt xình xịch

Năm nay, vé tàu Tết chính thức mở bán qua mạng bắt đầu từ ngày 1-12. Song theo chị Nguyễn Mai Hương (quận Phú Nhuận, TP.HCM), chị đã đặt vé qua mạng, đến xếp hàng mua vé trực tiếp chiều từ TP.HCM - Hà Nội nhưng vẫn rất khó. Mạng thì liên tục báo lỗi hoặc không thể đăng nhập. Chị đang nghĩ đến việc phải nhờ qua “cò” - “Như mọi năm, gia đình tôi cũng phải vật vã nhiều ngày liền mới mua được vé tàu về quê. Năm nay tình cảnh này lại lặp lại”, chị Hương cho biết. Cũng giống như chị Hương, do không có thời gian và kiên nhẫn đặt mua vé qua đường chính thống, anh Hải, quận 1, TP.HCM cũng phải đặt trước với “cò” với giá chênh lệch 300.000 đồng/vé. Cũng giống như mọi năm, năm nay hầu hết các chặng xuất phát từ TP.HCM vào những ngày trước Tết đều sốt xình xịch. 

Thông tin từ ga Hà Nội, lượng hành khách trong dịp Tết di chuyển bất bình thường, một chiều đông khách một chiều vắng khách (chạy rỗng), hành khách chỉ tập trung từ Nam ra Bắc trong giai đoạn trước Tết và ngược lại trong giai đoạn sau Tết. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, đường sắt Việt Nam tổ chức chạy thường xuyên 5 đôi tàu khách thống nhất (sử dụng 20 đoàn) và 8 đôi tàu khách thống nhất (sử dụng 32 đoàn xe) chạy tăng cường. Trong thời gian nghỉ Tết đường sắt Việt Nam vẫn tổ chức chạy 5 đôi tàu khách Thống nhất để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. 

Tuy nhiên một vấn đề gây bức xúc nhất hiện nay là trong khi người dân rất khó để mua được một tấm vé vào những dịp lễ, Tết thì ở ngoài “chợ đen”, cò không ngớt mồm chèo kéo khách mua vé đi ngày nào, ghế mềm hay cứng đều có hết, miễn là khách biết chơi đẹp. Theo cò H., ga Hà Nội, chỉ cần trả thêm 200.000 đồng/vé là khách đã có một tấm vé. Nhưng là giá của ngày hôm nay, chỉ cần một hai tuần nữa thì giá vé sẽ lên từng ngày và có thể đến 500.000 đồng/vé như năm ngoái là bình thường.

Đặt câu hỏi này với Trưởng ga Hà Nội Vũ Đình Rậu, ông cho biết, đây cũng là vấn đề gây đau đầu với ban lãnh đạo ga Hà Nội: Mặc dù cao điểm trong năm chỉ có 3 tháng hè và Tết nhưng bất kỳ lúc nào trong năm cò cũng hoạt động, ngay cả những lúc trong ga còn rất nhiều vé. Tuy nhiên hiện nay lại không có chế tài, quy định  nào xử phạt và pháp luật cũng không cấm dịch vụ này. Về phía nhà ga, lãnh đạo ga đã có quy định cấm nhân viên bán vé cho phe vé. Song để phân biệt đâu là phe vé, đâu là người dân bình thường rất khó. Vì nhiều khi họ nhờ người này, người kia mua hộ. Những đối tượng này thường đầu cơ, chấp nhận bỏ tiền mua vé từ nhiều tháng trước, thời điểm mà người dân chưa có nhu cầu mua. Vì vậy chúng tôi kiến nghị là phải có quy định, chế tài xử phạt những hoạt động này. Bên cạnh đó, ngoài nhà ga hiện nay còn rất nhiều đại lý bán vé khác trên toàn thành phố và các tỉnh. Do đó không thể biết được việc tuồn vé ra “chợ đen” từ đâu.

Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều người dân sống gần khu vực ga Hà Nội, cò vé hoạt động quanh năm, từ túm năm tụm ba đến ngồi ở các quán nước… Song không phải là không thể làm triệt để mà quan trọng là lực lượng chức năng có muốn làm hay không. 

Đi máy bay, chấp nhận làm thương gia

Nếu như tết 2012 khách hàng chỉ phải trả 3,2 triệu đồng/khứ hồi cho chuyến bay TP.HCM đi Hà Nội thì nay mức giá đã tăng gấp đôi. Chẳng hạn, chuyến TP.HCM - Hà Nội của VietJetAir (đi vào đầu tháng 2-2013) tính cả thuế, phí là gần 6 triệu đồng/khứ hồi. Tại Vietnam Airlines, vé bán vào cùng thời điểm chỉ còn hạng thương gia với giá hơn 11 triệu đồng/khứ hồi. Hiện nay, theo ghi nhận, giá vé hạng phổ thông chiều từ TP.HCM đi của các hãng vào 3 ngày cao điểm: 6, 7,8-2 (ngày 26, 27, 28 Âm lịch) đã gần như "cháy".

Một đại lý bán vé máy bay ở đường Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết hiện nay chỉ còn vé hạng thương gia với giá bán khoảng 5 triệu đồng/chặng/lượt. Còn các loại vé giá rẻ và hạng phổ thông chiều từ TPHCM - Hà Nội vào các ngày cao điểm đều đã hết. Mặc dù  từ ngày 1-11, Vietnam Airlines bắt đầu mở bán vé đợt 1 nhưng theo nhiều khách hàng ngay từ thời điểm đó cũng không thể tranh mua được vé hạng phổ thông. Bên cạnh việc khó mua và khan hiếm vé thì máy bay Tết năm nay còn đắt hơn so với trước. Chặng TP.HCM-Hà Nội, vé một chiều trung bình hiện khoảng hơn 3 triệu đồng, trong khi đó, năm ngoái khoảng 2,85 triệu đồng. Nếu hành khách bay vào khoảng 5-2/15-2-2012 (tức từ 25 tháng chạp đến mùng 6 Tết) sẽ phải chịu mức giá tương đối cao. Với hàng không giá rẻ như JPA hay VJA, giá vé phổ biến khoảng 2,6 triệu đồng/vé/chiều chặng TP.HCM - Hà Nội (chưa kể thuế VAT, phí sân bay), Air Mekong chỉ còn loại giá 3 triệu đồng.

Tuy nhiên theo anh Hùng, phường Ngọc Hà, Ba Đình, vẫn có cửa hẹp cho những người có nhu cầu đi lại trong dịp Tết với điều kiện chấp nhận “lót tay” khoảng 500.000 đồng/vé: Tôi đã đặt vấn đề với một cô bán vé máy bay tại một đại lý vì quá bế tắc không biết phải làm cách nào để có vé cho 2 mẹ con chị gái trong TP.HCM ra Hà Nội nghỉ Tết. Không ngờ cô đã nhượng lại 2 tấm vé giá rẻ nhưng phải trả thêm 500.000 đồng/vé. Nhưng như thế cũng là may lắm rồi. Theo anh Hùng, có thể một số nhân viên tại các đại lý đã nhanh chân đăng ký thành công rất nhiều vé giá rẻ, sau đó, khi có khách hỏi mua sẽ hủy vé và chấp nhận chịu phạt 10%. Nhưng bán lại cho khách với giá chênh lệch 500.000 đồng/vé/chặng thì họ vẫn lãi lớn.

Giá vé xe khách tăng cao nhất 60%

Tại Bến xe Miền Đông, TP.HCM, giá vé tăng từ 20-60% so với ngày thường để bù cho xe chạy chiều vắng khách. Ngày 3-12, bến xe Miền Đông đã công bố kế hoạch phục vụ hành khách dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Theo dự báo, lượng khách đi lại trong dịp Tết năm nay sẽ tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước, giá vé xe sẽ tăng từ 20 đến 60% so với ngày thường tùy theo tuyến đường và ngày khởi hành.

Tuy nhiên tại Hà Nội, giá vé xe khách trong dịp Tết Nguyên đán sẽ không tăng. Theo ông Nguyễn  Mạnh Tiến, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, dự báo dịp Tết Nguyên đán 2013, giá vé xe khách sẽ không tăng. Lưu lượng khách cũng không quá dồn dập do năm nay thời gian nghỉ Tết kéo dài 9 ngày. Bên cạnh đó hiện nay có khá nhiều trường học, khu công  nghiệp, các cơ quan Nhà nước, các xã địa phương thuê xe cho cán bộ công nhân viên, con em về nghỉ Tết. Các bến xe cũng bố trí thêm nhiều xe tăng cường. Do đó lượng khách sẽ không đến mức quá tải.

Đối với chiều đông khách (từ TP.HCM đi Hà Nội trong giai đoạn trước Tết và Hà Nội đi TP.HCM giai đoạn sau Tết) giá vé tàu sẽ tăng tối đa 3% giá vé, riêng thời gian cao điểm tăng trung bình 5% so với Tết Nhâm Thìn 2012. Chiều vắng khách (từ Hà Nội đi TP.HCM trước Tết và chiều TP.HCM đi Hà Nội trong giai đoạn sau Tết) giảm 10% giá vé đối với tàu cố định và giảm 50% giá vé đối với tàu chạy tăng cường. 

Tàu Thống nhất số chẵn xuất phát từ TP.HCM lúc 0h ngày 1-2-2013 đến hết 24h ngày 8-2-2013 (tức từ 21 tháng Chạp đến hết ngày 28 tháng Chạp năm Nhâm Thìn). Tàu Thống nhất số lẻ xuất phát từ Hà Nội lúc 0h ngày 13-2-2013 đến hết 24h ngày 21-2-2013 (tức từ ngày 4 tháng Giêng đến hết ngày 12 tháng Giêng năm Quý Tỵ). Hành khách mua vé đường dài các tàu số chẵn trước tết từ 0h ngày 1-2-2013 đến hết 24h ngày 8-2-2013 (ga đi từ TP.HCM đến Nha Trang đồng thời có ga đến là các ga từ Nha Trang đến Hà Nội) phải xuất trình chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh. 

Khi hành khách có nhu cầu trả vé, đổi vé phải thực hiện trước giờ tàu chạy ít nhất 10 tiếng và bị khấu trừ 30%. Riêng trường hợp hành khách có hoàn cảnh đặc biệt xin trả vé, cho phép khấu trừ 10% tiền vé. 

Các địa điểm bán vé của ga Hà Nội: Bán vé tại ga A đường Lê Duẩn, ga B đường Trần Quý Cáp, trạm Long Biên; các đại lý bán vé tàu hỏa; bán vé lưu động tại các cơ quan, đơn vị có nhu cầu; bán vé qua điện thoại đưa vé đến tận nhà miễn phí trong phạm vi dưới 7km qua số điện thoại: 04.39423949.