Tết cổ truyền trong một gia đình có 4 Tiến sĩ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong gia đình ông Nguyễn Đức Hiền (trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), 4 người con (trai, gái, dâu, rể) đều là Tiến sĩ, giảng viên các trường đại học lớn ở Hà Nội. Các con luôn giữ truyền thống hiếu học của gia đình trong nuôi dạy các cháu, trở thành những tấm gương về học tập và nền nếp trong cuộc sống.

Bố mẹ là tấm gương trong giáo dục các con

Một năm bận rộn với vô số công việc, dịp Tết là thời điểm gia đình ông Nguyễn Đức Hiền sum họp đầy đủ nhất. Tiếp đón tôi vào một ngày cuối năm, ông Nguyễn Đức Hiền đang trang hoàng giàn đèn nhấp nháy trên cây quất cảnh, mỉm cười nói: “Năm nay dịch bệnh phức tạp, nên chúng tôi dự định, mấy gia đình bố con đón Tết với nhau, còn anh em họ hàng thì… đón Tết online. Nếu muốn đi đâu, làm gì, ai cũng tuân thủ quy định “5K”, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19”.

Nghe tôi nhắc đến 4 Tiến sĩ trong nhà, ánh mắt ông Hiền tự hào: “Gia đình tôi có 4 người con cả dâu, rể đều có học vị Tiến sĩ. Nhiều người bảo do di truyền, nhưng thực ra, đó là sự phấn đấu để giữ gìn truyền thống hiếu học tốt đẹp của gia đình”.

Ông Nguyễn Đức Hiền sinh năm 1949, ở Nghệ An, tốt nghiệp trường Đại học Mỏ - Địa chất và được cử về công tác ở Ủy ban Kế hoạch tỉnh Thanh Hóa, nay là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời gian công tác, ông đều nỗ lực phấn đấu, cống hiến hết mình cho công việc chung. Nhờ đó, năm 1995, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác.

Cuối năm 1978, ông gặp bà Trần Thị Hồng - vợ ông, một cô gái Nam Định mảnh mai, dịu dàng. Bà Hồng tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp, được cử về công tác cùng cơ quan ông Hiền. “Lần ấy, cả đội đi thu hoạch sắn giúp đồng bào miền núi, đến 23 Tết vẫn không có xe để về. Mọi người trong đội ai cũng kêu ca, nhưng bà ấy thì không, vẫn vui vẻ nhận nhiệm vụ. Điều đó khiến tôi để ý và bắt đầu thấy ấn tượng. Cũng nhờ chuyến công tác ấy mà tôi và bà ấy nên duyên với nhau. Tết năm 1979 là cái Tết đáng nhớ nhất, vì tôi về nhà bố mẹ vợ xin phép được qua lại, tìm hiểu và đến tháng 2-1979 chúng tôi thành vợ chồng” - ông Hiền vui vẻ kể.

Sau kết hôn, ông bà được đơn vị phân cho một nửa căn nhà vách nứa để ở. Cuộc sống khó khăn, vất vả, nhưng vợ chồng ông luôn động viên nhau, cùng nhau vượt qua, nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Hai con của ông bà: anh Nguyễn Trường Huy (SN 1979), hiện là Tiến sĩ, giảng viên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Kiến trúc, Xây dựng và Đô thị, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và chị Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1981), giảng viên khoa Đô thị, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, vừa bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.

Gia đình ông Nguyễn Đức Hiền vẫn giữ nguyên phong tục đón Tết cổ truyền để các thành viên gần gũi và có trách nhiệm với nhau hơn

Gia đình ông Nguyễn Đức Hiền vẫn giữ nguyên phong tục đón Tết cổ truyền để các thành viên gần gũi và có trách nhiệm với nhau hơn

Ông Hiền cho biết, trước đây, dù khó khăn thế nào, nhưng ông bà vẫn luôn sống mẫu mực, tinh thần lạc quan, được mọi người tôn trọng, quý mến. Ông luôn dạy các con: “Bố mẹ chỉ có thể cho các con kiến thức để các con tự sải cánh bay xa trên con đường tương lai của mình”. Bên cạnh việc động viên, khích lệ, ông bà luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để các con học tập. Trường nào tốt, giáo viên nào dạy hay, ông bà đều tìm đến cho các con được học. Cả hai anh em đều theo học trường chuyên của tỉnh từ bé.

Trong các cuộc trò chuyện gia đình, ông Hiền đều tôn trọng ý kiến của con, để con tự thảo luận và trao đổi với bố mẹ. “Chúng tôi có chung một quan niệm dạy con, cha mẹ phải là tấm gương mẫu mực cho con cái học hỏi. Vợ chồng tôi sống tình cảm, tôn trọng lẫn nhau, luôn yêu thương và dành những điều tốt đẹp nhất có thể cho các con. Chúng tôi luôn cố gắng tạo không khí gia đình vui vẻ, hòa thuận. Vợ chồng tôi thường xuyên trò chuyện và lắng nghe ý kiến của các con, từ đó phân tích và định hướng cho con chứ không áp đặt” - ông Hiền nói.

Cách dạy con đó được các con ông áp dụng rất hiệu quả. Các cháu nội, ngoại của ông đều học rất giỏi, là học sinh các trường chuyên lớp chọn và đoạt nhiều giải thưởng trong nước, quốc tế cả về văn hóa, văn nghệ và thể thao. Các cháu luôn tự nỗ lực để thực hiện đam mê của mình.

Tết là để đoàn viên

Năm 2014, vợ ông Hiền qua đời. Những ngày tháng bà mất, cả gia đình rất buồn, nhưng mọi người luôn ở bên nhau và cùng động viên nhau vững vàng, mạnh mẽ hơn để vượt qua nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời.

Nhớ lại những năm vợ còn sống, ông Hiền bảo, những ngày Tết trước đây, gia đình ông lúc nào cũng đông vui, ấm áp. Sau khi làm lễ cúng gia tiên, bao giờ cũng vậy, mấy đứa cháu - đứa ngồi vào lòng ông, đứa lại nép vào lòng bà, còn các con trai, gái, dâu, rể ngồi xung quanh nghe bố mẹ kể chuyện ngày xưa. Rồi các con, các cháu thi nhau nói những chuyện thú vị của mình, từ chuyện cơ quan đến chuyện trường lớp, bạn bè...

Các gia đình sống rất gần nhau, ông Hiền và con trai ở cùng một tòa nhà, hàng ngày ăn uống cùng nhau, còn nhà con gái ở cách đó chưa đến 1km, do đó bình thường cả nhà cũng thường gặp gỡ và chia sẻ mọi việc với nhau. Hồi bà còn sống, do các cháu còn nhỏ nên việc mua sắm Tết thường do bà là chính, các con ai có chỗ đặt đồ ngon thì mua chung cho cả 3 nhà. Hiện giờ, việc này do con gái và con dâu đảm nhiệm.

PV Trịnh Tuyến

PV Trịnh Tuyến

Năm nào cũng vậy, các con chuẩn bị đào quất, bánh trái đến cho bố rồi sắp xếp thời gian đến dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng lại ban thờ, sửa soạn đồ Tết cho bố. Trước Tết, ông và các con cháu đến thăm mộ bà rồi mời bà về nhà đón Tết cùng gia đình. Bữa cơm tất niên bao giờ cũng đầy đủ các thành viên. Gia đình ông có truyền thống mỗi người báo cáo thành tích trước ban thờ bà/ mẹ và tổng kết lại các công việc trong một năm qua. Các cháu “khoe” đạt những thành tích nổi bật trong năm học và đặt tiêu chí cho năm tới.

Cũng như những gia đình khác, ngày Tết Nguyên đán, gia đình các con ông đón Giao thừa tại nhà, sau đó tụ tập đến nhà ông chúc Tết, mừng tuổi và cùng chúc nhau những câu chúc tốt lành. Sau đó cả đại gia đình sẽ đi chúc Tết họ hàng và thông gia. Nhà ông Hiền vẫn giữ nguyên phong tục truyền thống, nên ngày nào cũng làm cơm thắp hương cho đến khi hóa vàng. Bữa cơm hóa vàng ở nhà nào thì cả đại gia đình sẽ tụ tập ăn uống ở nhà đó. Sau khi hóa vàng, cả nhà ông thường đi du lịch cùng nhau một đến hai ngày trước khi kết thúc kỳ nghỉ lễ.

Kể chuyện về cái Tết của gia đình, chị Thu Hà - con gái ông Hiền chia sẻ, do vẫn giữ nguyên phong tục Tết cổ truyền nên các thành viên trong gia đình đều gần gũi và có trách nhiệm với nhau hơn. Cả năm dù bận rộn thế nào nhưng Tết là lúc phải dành cho gia đình. Truyền thống này cũng làm cho các con cháu biết hướng về cội nguồn, nhớ ơn ông bà tổ tiên, biết kính già yêu trẻ và quan tâm chia sẻ. Các anh chị em chúng tôi luôn hỗ trợ, động viên và giúp đỡ nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống. Các con chúng tôi cũng thường xuyên trò chuyện, tâm sự chuyện vui buồn với nhau, nhờ đó chúng tôi có thể tìm hiểu tâm sinh lý của con ở cái tuổi nhạy cảm và thời buổi nhiều biến động này.