Tên “Nước CHXHCN Việt Nam” là sự lựa chọn của lịch sử

ANTĐ - ĐBQH Trần Văn Tư cho rằng, tên “Nước CHXHCN Việt Nam” chính là sự lựa chọn của lịch sử, không cần thiết phải thay đổi.

Cử tri đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Ảnh minh họa)

Hôm nay (ngày 3-6), Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nổi lên trong đó, là nhiều ý kiến đóng góp của các vị ĐBQH xung quanh vấn đề tên nước.

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhất trí giữ nguyên tên Nước CHXHCN Việt Nam. Ông nói: “Chúng ta biết rằng tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7-1976 đến nay đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Trải qua 37 năm tên gọi Nước CHXHCN Việt Nam đã trở nên quen thuộc đối với toàn thể nhân dân và bạn bè quốc tế. Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi và làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính gây tốn kém, phức tạp như việc phải thay đổi Quốc huy, con dấu, Quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ”.

ĐB Trần Văn Tư (Đồng Nai) lên tiếng: Đồng Nai có hơn 700.000 ý kiến cử tri đóng góp về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Về vấn đề tên nước chỉ có 01 ý kiến đề nghị đổi lại thành Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau đó chúng tôi cũng có trực tiếp phỏng vấn cử tri này thì được họ cho biết muốn trở về với tên nước đầu tiên khi thành lập, chứ không có ý kiến gì khác. Có thể nói, tên “Nước CHXHCN Việt Nam” chính là sự lựa chọn của lịch sử, sau khi kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tiếp tục phát biểu, ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) phân tích: Ý kiến đặt vấn đề đổi tên nước là không phù hợp, bởi lẽ "CHXHCN Việt Nam" là tên gọi đã được Quốc hội Khoá VI quyết định vào ngày 2-7-1976 sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất, non sông thu về một mối cùng đi lên chủ nghĩa xã hội và được sử dụng ổn định cho đến nay. Tên gọi này gắn với giai đoạn hoà bình, độc lập dân tộc, thống nhất của đất nước. "CHXHCN Việt Nam" là tên gọi khẳng định làm rõ con đường, mục tiêu mà chúng ta đang đi và hướng tới là phấn đấu thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa, là phù hợp với giai đoạn cách mạng trước năm 1945 ở nước ta. Đó là thời kỳ đất nước thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thể chế Việt Nam dân chủ cộng hòa vận động trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến kiến quốc, tạo dựng những nền tảng ban đầu để đi lên chủ nghĩa xã hội. Thể chế đó đã được lịch sử kiểm nghiệm làm tròn nhiệm vụ lịch sử của nó và phát triển theo lôgíc bởi thể chế mới là chủ nghĩa xã hội.

ĐB Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) cho biết, qua tổng hợp tại địa phương có hơn 10.000 lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo, tất cả đều nhất trí cao với việc không đổi tên nước hiện hành. “Chúng tôi thống nhất với ý kiến giải trình tiếp thu đó là giữ nguyên tên nước CHXHCN Việt Nam, là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, đảm bảo tính ổn định”- bà Trang nói.

Ngoài việc nêu bối cảnh ra đời, tính ổn định của tên “Nước CHXHCN Việt Nam”, ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) còn cảnh báo: việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay có thể dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là chúng ta đang xa rời với mục tiêu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. “Vì những lý do trên, tôi đề nghị vẫn giữ nguyên tên nước hiện hành”- ông Tùng chốt lại.

Ngày mai (4-6), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.