Tất cả ĐBQH sẽ đứng, không tặng hoa khi các chức danh tuyên thệ nhậm chức

ANTĐ -Nghi thức tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi được bầu tại kỳ họp thứ nhất – Quốc hội khóa XIV tới đây sẽ có nhiều thay đổi so với nghi thức tuyên thệ đã thực hiện tại kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIII vừa qua.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cùng Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Minh Thông trao đổi với các phóng viên tại buổi họp báo (Ảnh: Thuần Thư)

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ Nhất – Quốc hội khóa XIV chiều nay 19-7-2016, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; Bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước…

Sau khi được bầu, 4 chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội và nhân dân. Tuy nhiên, để đảm bảo tính nghiêm trang, trên cơ sở tiếp thu ý kiến về lần đầu thực hiện tuyên thệ tại kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIII vừa qua, nghi thức tuyên thệ của 4 chức danh lần này có một số điều chỉnh.

Cụ thể, khi các chức danh được bầu tuyên thệ, tất cả Đoàn Chủ tịch phiên họp sẽ đi xuống dưới hội trường và cùng tất cả ĐBQH đứng lên, giữ tư thế trang nghiêm như khi chào cờ. Các ĐBQH không được chụp ảnh, quay phim trong lúc các chức danh tuyên thệ. Tại buổi tuyên thệ và nhậm chức không có nghi thức tặng hoa cho người vừa tuyên thệ nhậm chức sau khi được bầu.

Đặc biệt, về nội dung lời tuyên thệ của 4 chức danh cũng sẽ có điều chỉnh. Ở kỳ họp thứ 11- Quốc hội khóa XIII, cả 4 người khi tuyên thệ đều nói “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng…” thì khi tuyên thệ ở kỳ họp này sẽ sửa thành “dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc”.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, qua nghiên cứu kỹ lưỡng nghi lễ tuyên thệ của 68 nước do Đại sứ Việt Nam ở các nước gửi về thì nghi lễ tuyên thệ của các nước rất khác nhau. Điều này phụ thuộc vào thể chế chính trị của các nước, phong tục chứ không có quy định chung cụ thể gì.