Tập đoàn, tổng công ty: Giảm đầu tư, tăng lợi nhuận

ANTĐ - Ngày 16-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị Chính phủ với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước nhằm đánh giá lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này và định hướng kế hoạch năm 2013.

Xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy hoạt động sản xuất

Còn tập đoàn, tổng công ty bị lỗ

Số liệu của Bộ KH-ĐT cho thấy, xét về các chỉ tiêu hiệu quả sản xuất kinh doanh, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì năm 2012 có sự giảm sút về bình quân tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu so với năm 2011, chỉ đạt 14,84% so với mức 19%. Trong tổng số 73 tập đoàn, tổng công ty có 46,5% doanh nghiệp đạt mức tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dưới 10%. Đặc biệt, khối tập đoàn có 2 trong tổng số 9 tập đoàn bị thua lỗ nên bình quân tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt 5%.

Theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, năm 2012, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, bằng 92% so với kế hoạch và tăng 2% so với năm 2011. Với mức doanh thu thấp hơn kế hoạch, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp Nhà nước chỉ đạt 127.510 tỷ đồng, giảm 5% so với 2011, nộp ngân sách đạt 294.000 tỷ đồng, giảm 12% so với 2011. Mức lỗ phát sinh của các tập đoàn, tổng công ty năm 2012 là 2.253 tỷ đồng, trong đó có một số doanh nghiệp lỗ liên tiếp 2 năm gần đây. Đáng lưu ý là có 10 tập đoàn, tổng công ty đến nay đã lỗ lũy kế 17.730 tỷ đồng.

Một trong những tồn tại lớn của khu vực DNNN là tiến độ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, đặc biệt là cổ phần hóa còn chậm. Vấn đề thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng được nhiều tập đoàn đề cập cùng với những khó khăn cần tháo gỡ để đạt được lộ trình thoái vốn trước năm 2015. Nguyên nhân khó bán vốn doanh nghiệp là do giá sổ sách cao hơn giá thị trường. 

Không để tiêu cực xảy ra khi thoái vốn

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn, tổng công ty nhìn chung ở mức khá nhưng ở một vài doanh nghiệp lại lỗ lớn, tình hình tài chính thiếu lành mạnh làm ảnh hưởng chung đến khối doanh nghiệp Nhà nước. Thủ tướng nói: “Tuy chỉ có một vài doanh nghiệp thua lỗ, sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng như Vinashin, Vinalines nhưng ảnh hưởng rất lớn, khiến người dân đặt câu hỏi còn Vina nào nữa? Tôi thực sự đau lòng, dân phê phán là đúng, thua lỗ tiền tỷ như thế ai không sốt ruột...”.

Chỉ đạo thoái vốn Nhà nước đầu tư ngoài ngành, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp phải rút lui có trật tự, không hoang mang bỏ chạy, đề ra 2-3 phương án để chọn phương án an toàn, hiệu quả nhất. Đối với lĩnh vực không cần giữ vốn Nhà nước, nếu bán vốn dưới giá thành mà cắt lỗ được thì vẫn phải bán, nếu chưa cần thiết thì phải tính toán lại thời điểm bán cho có hiệu quả, tuyệt đối không để thất thoát vốn Nhà nước. Thủ tướng yêu cầu: “Thoái vốn phải hết sức chặt chẽ, không để tiêu cực xảy ra”.

Hướng tới năm 2013, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp phải nỗ lực bằng mọi cách để đạt lợi nhuận cao hơn và xem xét giảm đầu tư. Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong khi nhân dân đang phê phán đầu tư Nhà nước dàn trải, hiệu quả thấp, chúng ta tiếp tục tăng đầu tư mà lại giảm lợi nhuận là không được và không phù hợp với mục tiêu Chính phủ đề ra”. 

Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Thủ tướng chỉ đạo các doanh nghiệp phải nâng cao quản trị, quan tâm xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, coi đây là nhân tố quan trọng khắc phục những tồn tại, yếu kém của DNNN. Thủ tướng cũng lưu ý trong quá trình tái cơ cấu, lãnh đạo doanh nghiệp phải đoàn kết, thống nhất, đồng lòng vì danh dự chung của tập đoàn, tổng công ty. Thủ tướng nói: “Để người dân nói DNNN là hiệu quả thấp, là tiêu cực và mất đoàn kết thì buồn quá, phải khắc phục, nhất là khâu cán bộ”.

Thủ tướng chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty phải nghiêm chỉnh thực hiện công bố thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh đã được kiểm toán hàng năm. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc chịu trách nhiệm cung cấp thông tin với báo chí, nhân dân định kỳ thông qua họp báo hoặc đưa lên website doanh nghiệp. Bộ quản lý ngành cũng phải cung cấp hiệu quả sản xuất kinh doanh tập đoàn thuộc bộ và khi có vấn đề phát sinh. Các thông tin phải được công khai, minh bạch, không che giấu bất kể doanh nghiệp lỗ hay lãi để nhân dân, các chuyên gia kinh tế có cái nhìn toàn diện về DNNN. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nhạy cảm đang thực hiện lộ trình giá thị trường là điện, xăng dầu càng phải công khai, minh bạch giá thành. Bên cạnh việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu theo cơ chế thị trường không bù lỗ, không bán dưới giá thành, các doanh nghiệp cũng phải tính toán giảm chi phí, góp phần giảm giá bán.