Tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý

ANTD.VN -Trình bày Tờ trình dự án Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) sửa đổi trước Quốc hội sáng 27-10, Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long cho rằng, Dự thảo nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong hoạt động TGPL, tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững công tác TGPL theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa…

Dự  thảo bổ sung đối tượng được trợ giúp pháp lý theo hướng kế thừa quy định người được TGPL từ Luật TGPL năm 2006, gồm: Người thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn về tài chính. Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung các đối tượng được TGPL như nạn nhân trong vụ việc mua bán người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính, trẻ em bị buộc tội, người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn về tài chính bị buộc tội.

Người dân sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý

Đặc biệt, dự thảo quy định rõ phạm vi và hình thức thực hiện TGPL theo đúng bản chất và yêu cầu của TGPL. Theo đó, có 3 hình thức TGPL là tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng theo hướng ưu tiên hoạt động tham gia tố tụng. Để nâng cao chất lượng TGPL, Dự thảo Luật bổ sung các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý, cá nhân và tổ chức tham gia TGPL nhằm chuẩn hóa đội ngũ cung cấp dịch vụ TGPL.

Để tạo thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ TGPL, Dự thảo Luật bổ sung cơ chế cho phép người được TGPL gửi đơn yêu cầu TGPL qua hệ thống trực tuyến điện tử để được xem xét, chấp nhận thụ lý vụ việc

Tại báo cáo Thẩm tra dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với quan điểm mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, song còn băn khoăn khi đối chiếu với dự thảo Luật thì diện người được trợ giúp pháp lý lại thu hẹp hơn so với quy định của các luật hiện hành. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ giải trình rõ số lượng những người được trợ giúp pháp lý, nguồn lực thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, đánh giá thực chất về nhu cầu, dự kiến nguồn lực, tính toán kỹ các phương án để đưa ra số liệu chính xác về số lượng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và chi phí trong trường hợp mở rộng hoặc thu hẹp diện người được trợ giúp pháp lý.

Ủy ban Pháp luật cũng tán thành quan điểm cần nâng cao tiêu chuẩn của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý theo lộ trình hợp lý, bảo đảm tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ của Nhà nước đối với người dân. Tuy nhiên, cần cân nhắc việc quy định nâng ngay tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý tương đương tiêu chuẩn của luật sư do Trợ giúp viên pháp lý là một chức danh độc lập, chịu sự quản lý, đánh giá và giám sát hoàn toàn khác biệt so với luật sư. Hoạt động trợ giúp pháp lý không chỉ tham gia tố tụng như luật sư mà phần nhiều là tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và các công việc khác không đòi hỏi phải có yêu cầu chuyên sâu như luật sư.

Ngoài ra, Dự thảo Luật chưa quy định rõ trách nhiệm của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, luật sư trong việc bồi thường thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý  trong trường hợp do lỗi của luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước gây ra. Hơn nữa, quy định tiêu chuẩn, điều kiện tư vấn viên pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý phải có 5 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên là khá cao, không phù hợp với thực tiễn, làm hạn chế sự tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý của họ.