- Cặp vợ chồng tạo dựng dự án nhà đất của Tập đoàn Nam Cường để lừa đảo
- Nữ doanh nhân lừa đảo nhà đất cam kết dùng toàn bộ tài sản khắc phục hậu quả
- Giám đốc lĩnh án vì lừa đảo mua bán nhà đất
Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đang xét xử sơ thẩm 87 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty Lộc Phúc, Công ty Green Link Real và nhiều đơn vị liên quan...
Những dự án... "ma"
Theo cáo trạng, Huỳnh Hữu Tường là chủ mưu và giữ vai trò cầm đầu vụ án. Tường là “ông chủ” của các Công ty Vạn Phúc, Lộc Phúc và Green Link Real. Trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến tháng 8-2023, bị cáo này đã thuê Nguyễn Văn An làm Tổng Giám đốc, có nhiệm vụ điều hành toàn bộ hoạt động công ty.
![]() |
Bị cáo Huỳnh Hữu Tường cho rằng mình không chỉ đạo nhân viên lừa đảo |
Trong quá trình hoạt động, dưới sự chỉ đạo của Tường, các nhân viên Công ty Lộc Phúc và Công ty Green Link Real đã đưa ra thông tin gian dối và tự in ấn sơ đồ về các dự án khu dân cư không có thật, rồi dùng các thông tin dự án không có thật đó để lừa đảo khách hàng xem đất và bỏ tiền đặt cọc giữ chỗ hoặc chuyển nhượng đất, sau đó chiếm đoạt tài sản của người mua.
Cụ thể, Huỳnh Hữu Tường giao Nguyễn Văn An làm đầu mối tìm nơi có nguồn đất, liên kết với chủ đất hoặc mua lại, sau đó lập bản vẽ dự án trên máy tính, tự đặt tên dự án, tự chia tách thửa trên bản vẽ rồi giao cho các sàn giới thiệu, lừa đảo khách hàng.
Các bị cáo là Giám đốc, Phó Giám đốc; Trưởng, Phó phòng chỉ đạo nhân viên kinh doanh tìm kiếm khách hàng bằng cách chụp lại hoặc tải hình ảnh và giá bán của các căn nhà đẹp trên mạng xã hội. Sau đó, sửa lại giá bán thấp hơn và đăng tải lên trang web của công ty, trang Chotot.com… với nội dung các bài viết là bán nhà/ đất... mang tính chất chiêu dụ khách hàng như bán bất động sản thanh lý ngân hàng, bất động sản giá rẻ để định cư nước ngoài...
Khi khách hàng có nhu cầu mua nhà, đất lên mạng xã hội tìm kiếm sẽ thấy các căn nhà đang được rao bán với những vị trí mà người mua đã tìm và so sánh thấy giá rẻ hơn thị trường, khiến khách hàng phải nhanh chóng liên hệ với nhân viên kinh doanh của nhóm Tường để tìm hiểu mua nhà/ đất.
Bố trí “vai diễn” khách hàng
Cũng theo cáo trạng, ổ nhóm tội phạm do Huỳnh Hữu Tường còn tổ chức các buổi huấn luyện cho người đóng giả khách hàng mua đất cách tiếp cận bị hại tại các buổi tổ chức sự kiện theo kịch bản do nhóm Giám đốc, Phó Giám đốc soạn sẵn và truyền đạt lại cho các nhân viên.
![]() |
Bị cáo Dương Thúy Hằng, một trong 14 "chim mồi" lừa khách mua dự án của Công ty Lộc Phúc |
Để che giấu thân phận và chặn liên hệ với khách hàng, chúng đã mua hàng trăm sim “rác” và “tên giả” để nhân viên trao đổi với khách hàng, mỗi đợt khách hàng chốt cọc, giao dịch thành công xong sẽ lập tức hủy sim.
Ngoài ra, các nhân viên còn nhận được từ công ty hoặc được hướng dẫn mua gói dữ liệu trên mạng internet, trong đó có sẵn thông tin cá nhân, số điện thoại của khách hàng đã từng mua các sản phẩm của những thương hiệu, nhãn hàng được nhiều người biết đến.
Ổ nhóm tội phạm sẽ chia nhau gọi cho khách hàng, mạo danh là nhân viên của các thương hiệu, nhãn hàng, công ty và tư vấn công ty có chương trình tri ân khách hàng bằng các chương trình đi du lịch hoặc mua sắm. Thực chất để khách đồng ý tham gia chương trình và nhân viên sẽ giới thiệu bán được đất “ma”.
Tại đây, Công ty Lộc Phúc bố trí trước hàng trăm nhân viên mặc quần áo lịch sự và có một số người đóng giả là khách hàng đang chuẩn bị đi tham dự sự kiện mua bán bất động sản, mục đích để khách hàng nhìn thấy và tin tưởng sự kiện mua bán... là có thật.
Các nhân viên còn tiếp tục tư vấn khách hàng “chỉ đi xem dự án mà không cần mua”, sau đó sẽ đưa khách hàng về lại căn nhà công ty đang rao bán. Không đợi cho khách hàng kịp đồng ý, các nhân viên và khách hàng giả sẽ cùng nhau tạo ra tình huống xô đẩy khách hàng lên ô tô di chuyển về các “dự án ma” tại địa bàn tỉnh Đồng Nai do Nguyễn Văn An, Huỳnh Hữu Tường cùng đồng bọn tự “vẽ” lên.
Thực chất, trên xe ô tô có khoảng từ 40 - 50 người, nhưng chỉ có từ 3 - 5 người là khách hàng thật. Còn lại là toàn bộ các nhân viên của 1 phòng hoặc nhóm kinh doanh và các “diễn viên” đóng giả khách hàng. Những đối tượng này tiếp cận khách hàng thật để nói về tiềm năng của dự án, rồi rủ khách cùng tham gia đặt cọc để đầu tư “lướt sóng” nhằm hưởng chênh lệch.
Khi đến “dự án ma”, chúng đã bố trí sẵn bàn ghế, loa đài, băng rôn, tạo hình ảnh giống như những sự kiện, xung quanh khu vực tổ chức được vây kín bằng phông bạt, phía ngoài bố trí bảo vệ không cho người khác tiếp cận.
Quá trình lôi kéo, dụ dỗ tại khu vực tổ chức chỉ diễn ra khoảng 30 phút, sau đó chúng nhanh chóng đưa những người không mua về lại các điểm hẹn ban đầu.
Đổ lỗi cho khách, chối bỏ trách nhiệm
Cáo trạng nêu rõ tại công ty, các nhân viên môi giới sẽ để khách hàng gặp người có nhu cầu mua lại suất cọc (diễn viên đóng giả khách hàng được Công ty Lộc Phúc thuê được bố trí sẵn). Để tạo lòng tin cho bị hại, các nhân viên đóng vai khách hàng giả sẽ cầm theo túi tiền từ 500 triệu - 1 tỷ đồng và đưa ra điều kiện để mua lại suất cọc các lô đất thì phải có “Hợp đồng đặt cọc” lô đất với Công ty Lộc Phúc.
![]() |
Bị cáo Dương Hữu Đức (áo xanh), Giám đốc kinh doanh Công ty Lộc Phúc tại phiên tòa |
Khi khách hàng gặp, nhân viên công ty sẽ yêu cầu khách muốn có “Hợp đồng đặt cọc” thì phải chuyển số tiền tương ứng từ 60% - 70% giá trị đất (giá trị đất cao gấp nhiều lần giá thị trường).
Sau khi khách hàng ký “Hợp đồng đặt cọc” với Công ty Lộc Phúc (thực tế ký bên bán là cá nhân Nguyễn Văn An hoặc những người khác), người đóng vai khách hàng giả muốn mua đất sẽ yêu cầu khách hàng phải có “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.
Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, khách hàng sẽ liên lạc lại với “diễn viên” đóng giả khách hàng. Tuy nhiên lúc này không liên lạc được nữa hoặc sẽ bị từ chối không mua nữa do không đủ tiền, hoặc ốm đau…
Khi khách hàng kiểm tra thực trạng thửa đất thì phát hiện đó là thửa đất khác, không phải thửa đất lúc môi giới, giá trị thửa đất thấp hơn rất nhiều, chỉ bằng 1/3 so với giá thị trường. Lúc này, khách hàng nhận thấy bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên đến Công ty Lộc Phúc khiếu nại thì công ty này cử nhân viên pháp chế ra giải quyết bằng cách thức đổ lỗi cho khách hàng và chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm.
Với phương thức, thủ đoạn như trên, trong thời gian từ tháng 12-2021 đến tháng 8-2023, Huỳnh Hữu Tường và đồng bọn thuộc các nhân viên Công ty Lộc Phúc và Green Link Real đã thực hiện 159 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 165 bị hại với tổng số tiền hơn 255 tỷ đồng...
Cáo trạng xác định, số tiền Công ty Lộc Phúc đã trả lại cho các bị hại trong thời gian còn hoạt động và số tiền gia đình Huỳnh Hữu Tường khắc phục trong quá trình tạm giam là hơn 15 tỷ đồng. Như vậy, số tiền các bị hại còn bị chiếm đoạt là hơn 157 tỷ đồng...